Chứng khoán chao đảo, trái phiếu Mỹ bị bán tháo sau “cú sốc" thuế quan

15:46' - 09/04/2025
BNEWS Một tâm điểm nữa của phiên 9/4 là trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD – vốn được xem là trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu.

Chứng khoán toàn cầu biến động mạnh trong phiên 9/4, sau khi mức thuế quan lên tới 104% của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc chính thức có hiệu lực, cùng với làn sóng bán tháo dữ dội trái phiếu Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng dòng vốn nước ngoài đang tháo chạy khỏi các tài sản Mỹ.

Tuần này, thị trường chứng kiến mức biến động tương đương thời kỳ khủng hoảng, thổi bay hàng nghìn tỷ USD khỏi các sàn chứng khoán, tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa và các thị trường mới nổi.

Trong phiên 9/4, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 3,93%, kết thúc phiên giao dịch ở mức 31.714,03 điểm, trong khi chỉ số Topix giảm 3,4%, đóng cửa ở mức 2.349,33 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,74%, xuống còn 2.293,7 điểm. Chỉ số này đã mất hơn 20% so với mức đỉnh hồi tháng 7/2024, và xác nhận đã rơi vào thị trường giá xuống (bear market). Chỉ số Kosdaq – đại diện cho các cổ phiếu vốn hóa nhỏ – cũng đóng cửa giảm 2,29%.

 

Ở chiều ngược lại, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,68% lên 20.264,49 điểm. Tại sàn Thượng Hải (Trung Quốc), chỉ số Shanghai Composite tăng 1,31% lên 3.186,81 điểm.

Một tâm điểm nữa của phiên 9/4 là trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD – vốn được xem là trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu. Nhiều người hiện lo ngại rằng các mức thuế diện rộng của Tổng thống Trump có thể kích hoạt một cuộc suy thoái và buộc Cục Dự trữ liên bang (Fed) phải cắt giảm lãi suất. Động thái này đã khiến giới đầu tư bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ, đẩy lợi suất tăng khi giá trái phiếu lao dốc.

Đồng USD – vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn hàng đầu trong thời điểm bất ổn – đã giảm mạnh, khi các nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng và đồng franc Thụy Sỹ, làm tăng tốc làn sóng rút khỏi cổ phiếu và hàng hóa công nghiệp.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng 13 điểm cơ bản trong ngày, đạt 4,40%, nâng tổng mức tăng trong ba ngày gần nhất lên gần 40 điểm cơ bản – một trong những đợt tăng mạnh nhất trong khung thời gian ngắn trong vòng 25 năm qua.

“Tuần trước là câu chuyện của thị trường cổ phiếu, giờ đây sự chú ý đã chuyển sang câu chuyện quan trọng hơn – thị trường trái phiếu”, Chiến lược gia trưởng Chris Beauchamp tại IG nhận định.

Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 9/4, VN-Index mất thêm 38,49 điểm (tương đương 3,40%), rơi xuống mức 1.094,30 điểm, trong khi HNX-Index giảm 8,46 điểm (4,21%), xuống 192,58 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục