Xây dựng chiến lược phát triển, quảng bá thương hiệu yến sào

15:29' - 12/04/2025
BNEWS Yến sào Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để bứt phá và khẳng định vị thế trên thị trường khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, ngành này cũng đối mặt những thách thức không nhỏ, đặc biệt là vấn nạn hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, khó kiểm soát. Làm thế nào để phát triển ngành yến sào minh bạch, bền vững là chủ đề được các chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận tại Tọa đàm “Gỡ vướng để phát triển thương hiệu ngành yến sào”  do Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 12/4.

*Thật – giả lẫn lộn

Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết: Yến sào là sản vật thiên nhiên ban tặng cho khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam, là nguồn dinh dưỡng chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cũng vì có giá trị kinh tế cao mà ngành yến đối mặt với thực trạng đáng báo động khi thị trường đang chứng kiến sự bùng phát tràn lan của các sản phẩm mang danh “yến sào” nhưng thực chất là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhiều sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu rẻ tiền như bột rau câu, lòng trắng trứng hoặc pha chế từ các chất không đạt tiêu chuẩn an toàn. Đáng lo ngại hơn, một số sản phẩm nước yến đóng lon, đóng lọ còn nhái mẫu mã và tên gọi của những thương hiệu lớn như Yến sào Khánh Hòa, Sanest, Sanvinest…, gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, các đối tượng làm hàng giả thường tận dụng các kênh phân phối trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream,…để đưa sản phẩm ra thị trường một cách ồ ạt mà không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào. Thông tin trên bao bì thường thiếu minh bạch, hàm lượng yến bị công bố tùy tiện, không có kiểm định, không chứng nhận từ cơ quan chức năng. Do việc xác thực người bán còn lỏng lẻo, nhiều người tiêu dùng đã mua phải sản phẩm nhái, không có giá trị dinh dưỡng.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã phát hiện hơn 30 đơn vị có hành vi sử dụng tên gọi, thành phần và hình ảnh sản phẩm tương tự hoặc sao chép thương hiệu của Công ty. Nhiều website giả mạo có chứa cụm từ “yensaokhanhhoa” cũng đã được ghi nhận. Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại về mặt hình ảnh và doanh thu cho doanh nghiệp chân chính, mà còn làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh khó khăn từ hàng giả, hàng nhái, các doanh nghiệp yến sào cũng gặp không ít những rào cản về mặt pháp lý khi muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ông Tạ Đình Vũ Đàm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Yến Sào Nha Trang cho biết: Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xin xác nhận vị trí nhà yến từ chính quyền địa phương. Nhiều nhà yến ban đầu xây dựng nằm ngoài khu dân cư nhưng theo thời gian, khu vực đó được quy hoạch thành khu dân cư. Theo Luật Chăn nuôi, những nhà yến này không đủ điều kiện cấp phép, dẫn đến việc địa phương không xác nhận.

Ngoài ra, mặc dù Cục Chăn nuôi đã có dự thảo hướng dẫn tạm thời (năm 2023) về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về việc cấp mã số này. Điều này gây khó khăn trong quá trình hoàn thiện thủ tục xuất khẩu.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP. Hồ Chí Minh cho hay, tổng sản lượng yến sào Việt Nam hiện ước đạt giá trị 500 triệu USD. Điều này cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển rất lớn của nghề nuôi chim yến tại nước ta, một ngành mang lại sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi yến Việt Nam còn nhiều hạn chế. Cụ thể, hiện còn nhiều cơ sở nuôi yến hoạt động tự phát, không tuân thủ quy hoạch và tiêu chuẩn kỹ thuật, gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và phòng chống dịch bệnh. Một số vấn đề pháp lý bao gồm các quy định liên quan đến nuôi chim yến nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Chăn nuôi, Luật Đất đai, và các quy định về môi trường. Điều này gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng và thực thi.

*Xây dựng thương hiệu

Ngành yến sào còn nhiều dư địa để phát triển cả tại nội địa để xuất khẩu, song muốn đưa ngành này phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính, trước hết phải hoàn thiện chính sách quản lý minh bạch và xây dựng được thương hiệu uy tín.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng nêu vấn đề, dù có giá trị kinh tế cao, sản phẩm tổ yến hiện nay chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị thu về chưa tương xứng. Việc xây dựng thương hiệu và áp dụng tiêu chuẩn sản phẩm còn chưa được chú trọng đúng mức. Muốn ngành yến sào phát triển bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao, cần sớm quy hoạch các vùng nuôi chim yến tập trung nhằm quản lý tốt hơn và hạn chế tình trạng nuôi tự phát. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần có hướng dẫn, chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Môi trường địa phương thống nhất ban hành quy trình cấp phép và công nhận cơ sở chăn nuôi chim yến là công trình xây dựng khác trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất, bởi Luật Chăn nuôi năm 2018 đã có quy định rõ về vùng nuôi chim yến. Đặc biệt, cần phát triển hệ thống mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm yến sào, giúp tăng cường tính minh bạch và củng cố niềm tin cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, để tạo dựng một thị trường yến sào minh bạch, lành mạnh, phát triển đúng hướng cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, bao gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, áp dụng công nghệ trong quản lý truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường liên kết cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là xây dựng, ban hành bộ Tiêu chuẩn quốc gia về yến sào.

Cùng quan điểm, ông Tạ Đình Vũ Đàm cho rằng, Việt Nam cần có một chiến lược định hướng rõ ràng để đưa ngành yến sào trở thành đặc sản quốc gia, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Cụ thể là phải thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao uy tín và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu yến sào Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, cần đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, EU để tránh nguy cơ bị mạo danh. Nếu Việt Nam không sớm xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia bài bản cho yến sào, nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh là rất lớn.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh khuyến nghị xây dựng một chương trình phát triển riêng cho ngành yến sào, có quy hoạch bài bản và hỗ trợ từ quản lý, kỹ thuật đến thị trường. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, với những cơ sở nuôi và chế biến tổ yến hiện có, cần tính toán thể phát triển thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu. Với lợi thế về thu hút khách du lịch và thường xuyên tổ chức các sự kiện quan trọng, TP. Hồ Chí Minh cần đưa sản phẩm yến sào vào hệ thống khách sạn 4-5 sao, làm quà biếu tặng; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá giá trị, thương hiệu yến sào.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục