Xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt với các dự án đầu tư lớn

16:48' - 06/08/2021
BNEWS VCCI đồng tình quan điểm, cần thiết phải xây dựng các chính sách ưu đãi đặc biệt với những dự án đầu tư lớn nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Trả lời văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị góp ý cho Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCC) vừa có một số đề xuất ban đầu trên cơ sở tham khảo ý kiến của doanh nghiệp và các chuyên gia.

Theo đó, VCCI đồng tình quan điểm, cần thiết phải xây dựng các chính sách ưu đãi đặc biệt với những dự án đầu tư lớn nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Theo Ban pháp chế VCCI, các ưu đãi đầu tư ở mức đặc biệt, ngoài việc thu hút các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia sẽ giúp định hướng và khuyến khích các tập đoàn này tạo ra sự kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt đang đề xuất 3 mức ưu đãi với các dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có giá trị trên 30.000 tỷ đồng sẽ được áp dụng 1 trong 3 mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Theo đó, sẽ ưu đãi thuế suất từ 5-9% trong khoảng thời gian từ 30-38 năm; thời gian miễn thuế từ 5-6 năm và thời gian giảm thuế 50% tiếp theo từ 10-13 năm. Đối với ưu đãi cho thuê đất và mặt nước sẽ áp dụng thời gian miễn từ 18-23 năm và mức giảm trong khoảng thời gian còn lại là từ 55-75%.

Dự thảo cũng đưa ra một số tiêu chí bổ sung về điều kiện để được hưởng mức 2, mức 3 của ưu đãi đầu tư đặc biệt. Đó phải là dự án đầu tư đạt trình độ công nghệ cao và đạt tỷ lệ nhất định về doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và có sự chuyển giao công nghệ.

Theo một số chuyên gia, việc thực hiện các tiêu chí này đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư sẽ phải nỗ lực nhiều hơn so với thời gian trước đây, khi không được yêu cầu phải thực hiện thêm bất kỳ tiêu chí nào cũng vẫn được hưởng mức ưu đãi số 1.

Bên cạnh đó, các mức ưu đãi đầu tư như dự thảo thiết kế lại theo hướng tăng dần đều theo từng mức và khoảng cách giữa các mức dường như chưa thực sự lớn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, cách thiết kế mức ưu đãi đầu tư như dự thảo hiện tại có thể chưa tạo được đủ động lực để các dự án đầu tư lớn thực hiện thêm các tiêu chí bổ sung. Do vậy, cơ quan soạn thảo cân nhắc lại cách thiết kế các mức ưu đãi; có thể nghiên cứu điều chỉnh theo hướng tạo khoảng cách xa hơn giữa mức ưu đãi 1 là không có tiêu chí bổ sung với các mức 2, 3 phải có tiêu chí bổ sung, nhằm tạo cơ chế đủ mạnh và thêm động lực hơn nữa.

Liên quan tới các tiêu chí bổ sung về hàm lượng giá trị gia tăng và tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, dự án mới được hưởng ưu đãi mức 2, 3, theo ý kiến ông Tuấn, định lượng của hai tiêu chí này dường như chưa thực sự tương xứng với nhau.

Theo dự thảo, hai tiêu chí này đều đang được đặt ở ngưỡng 30% với mức ưu đãi 2 và 40%  với mức ưu đãi 3. Song trên thực tế, tiêu chí có tỷ lệ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi lại khó thực hiện hơn so với tiêu chí về hàm lượng giá trị gia tăng. Bởi lẽ, để thực hiện tiêu chí giá trị gia tăng, các tập đoàn lớn có thể kêu gọi các nhà cung ứng nước ngoài nằm trong chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam đầu tư mở nhà máy, cung cấp linh kiện, vật tư cho họ tại chính Việt Nam.

Trong khi đó, để thực hiện tiêu chí về tỷ lệ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, các tập đoàn lớn lại cần nhiều thời gian và công sức để xây dựng chuỗi, thậm chí hỗ trợ, đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực tham gia chuỗi. Vì thế, giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu chắc chắn sẽ đem lại giá trị bền vững hơn và lợi ích lâu dài hơn.

Do các tiêu chí này đều là hai tiêu chí phụ độc lập và doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng 1 trong các tiêu chí này để hưởng ưu đãi. Mức định lượng của tiêu chí tỷ lệ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi có thể chưa tạo ra sức hấp dẫn đủ mạnh để các tập đoàn lớn xây dựng chuỗi cung ứng có doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Vì thế, ông Tuấn đề xuất, cơ quan soạn thảo sửa đổi các định lượng của hai tiêu chí trên nhằm đảm bảo tính khả thi và công bằng giữa các tiêu chí phụ.

Cững theo ông Tuấn, dự thảo cũng chưa có quy định về khoảng thời gian để đáp ứng hai tiêu chí này. Lý do là vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn lớn. Do vậy, các tập đoàn này cần thời gian để xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, hoặc đào tạo các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng. Khi đó, trong khoảng thời gian đầu, các dự án đầu tư này chưa thể ngay lập tức đáp ứng hai tiêu chí nói trên và có nguy cơ phải bồi hoàn ưu đãi theo nội dung của dự thảo đề xuất.

Chính vì lẽ đó, đại diện VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định về khoảng thời gian để thực hiện các tiêu chí về hàm lượng giá trị gia tăng và tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi; trong đó, cho phép dự án đầu tư vẫn được hưởng ưu đãi ở mức 2 hoặc mức 3 trong khoảng thời gian này nếu sau đó đáp ứng được các tiêu chí như cam kết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục