VCCI: Tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại

20:19' - 25/04/2021
BNEWS Tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại so với các năm trước và đang có sự thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược nhau. 

Theo báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về cải cách môi trường kinh doanh, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được đang tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và giai đoạn này cũng trùng với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại so với các năm trước và đang có sự thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược nhau.

Ví dụ, các lĩnh vực có điểm số thấp như phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu có xu hướng tăng điểm, trong khi các lĩnh vực thường có điểm số cao như thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng... lại đang giảm điểm.

Đáng chú ý là vấn đề tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: "Những vấn đề dễ làm thì chúng ta đều đã làm. Những việc còn lại cần phải làm thì khó khăn hơn rất nhiều".

Môi trường kinh doanh còn nhiều điểm hạn chế cần được cải thiện trong 5 năm tới. Cụ thể như tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng toà án để giải quyết tranh chấp tăng, nhưng có bản án rồi thì tỷ lệ thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự lại giảm. Trong rất nhiều trường hợp, ra bản án dễ hơn so với thi hành bản án đó.

Ngoài ra, dù các quy định pháp luật, các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh đã minh bạch hơn, nhưng việc công khai các quy hoạch, kế hoạch, báo cáo của Nhà nước để doanh nghiệp tiếp cận thì lại trở nên khó khăn hơn.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng các thông tin được công bố rất chung chung, chỉ là các con số tổng, không có ý nghĩa để doanh nghiệp sử dụng.

Ông Lộc cũng cho hay, dù đã giảm được sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước, giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng còn không ít doanh nghiệp cho rằng, họ vẫn bị đối xử bất bình đẳng hơn so với các doanh nghiệp “sân sau”. Đây cũng là vấn đề đáng lo ngại.

"Thực tế, chúng ta đã giảm các điều kiện gia nhập thị trường trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, tạo điều kiện rất tốt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập thị trường. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực yêu cầu đầu tư lớn, thu hồi vốn kéo dài thì tình trạng rủi ro do biến động chính sách vẫn rất đáng quan ngại, cản trở nhiều doanh nghiệp lớn bỏ tiền đầu tư.

Song song đó, rất nhiều thủ tục hành chính đã được lên môi trường số, lên các cổng dịch vụ công, nhưng cũng còn nhiều thủ tục không dễ dàng thực hiện; vẫn thường gặp lỗi hay trục trặc và chưa thực sự thân thiện với người dùng để thu hút thêm người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến", ông Lộc cho biết.

Đại diện nhóm nghiên cứu Dự án Aus4Reform - Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam”, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, qua nhiều năm triển khai dự án, chương trình đã hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh và bền vững. Nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận và nâng thứ hạng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cụ thể như đã hỗ trợ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng hơn, tăng tỷ trọng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và tăng việc làm cho khu vực tư nhân đối với cả nam và nữ; hình thành và phát triển các thị trường sản phẩm và thị trường các nhân tố sản xuất mang tính cạnh tranh và minh bạch hơn, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi có hiệu quả các nhân tố sản xuất (đặc biệt là đất đai), thành các sản phẩm và dịch vụ mang tính sáng tạo và có nhiều giá trị gia tăng hơn và giảm sở hữu đất nông nghiệp nhỏ lẻ.

Dự án cũng chỉ ra có những cải thiện trong tăng cường các thể chế cạnh tranh bao gồm xây dựng Luật Cạnh tranh (sửa đổi), tái cơ cấu cơ quan cạnh tranh và các cơ chế thực thi Luật; đẩy nhanh tái cơ cấu nông thôn, hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất lao động ở khu vực nông thôn; đồng thời, thúc đẩy việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, giảm khoảng cách về giới trong năng suất lao động và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng năng suất...

Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, khi chỉ còn ít thời gian nữa là kết thúc dự án thì vẫn còn rất nhiều việc cần làm, cần đẩy nhanh tốc độ cho dù đã có không ít nỗ lực cải cách về điều kiện kinh doanh, về quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Theo bà Minh, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp như: các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc sự can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm.

Cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn....

Từ những gợi mở và khuyến nghị này, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, đây chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy Nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ  nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn, bình đẳng hơn, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp thực sự phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục