Xây dựng chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA

16:33' - 04/11/2024
BNEWS Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong quá trình thực thi các FTA phải đối mặt với khó khăn như thiếu nguồn lực, thiếu nguồn thông tin về hoạt động hỗ trợ.

Những tác động tích cực từ việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng đã được minh chứng rõ nét qua việc tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan để tăng trưởng xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng thông qua dòng vốn đầu tư và nhập khẩu theo các FTA để tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao trình độ khoa học, nắm bắt cơ hội mới. Dù vậy, thực tế nhiều doanh nghiệp trong quá trình thực thi các FTA phải đối mặt với khó khăn như thiếu nguồn lực, thiếu nguồn thông tin về hoạt động hỗ trợ.

Thông tin này được các diễn giả đưa ra tại Toạ đàm Xây dựng chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 4/11 tại Hà Nội.

Chia sẻ tại Toạ đàm, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, với tư cách là cơ quan chức năng ngoài việc đàm phán còn được Chính phủ giao theo dõi việc thực thi các FTA. Hàng năm Bộ Công Thương đềuđề nghị các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo về tình hình thực thi. Một trong những điểm quan trọng trong báo cáo của các bộ, ngành và địa phương Bộ Công Thương nhận thấy đó là việc hỗ trợ doanh nghiệp thực thi hay tận dụng FTA như thế nào.  

Theo ông Ngô Chung Khanh, từ góc độ của Bộ Công Thương hay các bộ, ngành hay địa phương đều hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kể cả online, offline và hiệu quả mang lại rất tốt. Cùng đó là các hỗ trợ liên quan đến kết nối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài(FDI).

 

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch thực thi; nhiều tỉnh thành có những sáng kiến và kết nối với các doanh nghiệp châu Âu với các doanh nghiệp ở khu vực Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia được sâu hơn vào chuỗi giá trị chuỗi cung ứng của họ. Ngoài ra còn có các biện pháp hỗ trợ liên quan đến khoa học công nghệ, hỗ trợ tiếp cận công nghệ, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ về quản trị hay kể cả hỗ trợ tín dụng…Điều này cho thấy rằng Chính phủ, kể cả cấp trung ương và địa phương đều rất quan tâm đến việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu về các thị trường. Cùng đó, quan tâm tìm hiểu những chương trình hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng như thay đổi tư duy của doanh nghiệp; lãnh đạo doanh nghiệp cần sát sao với những việc chính, việc sống còn của doanh nghiệp .

Bà Bùi Thu thuỷ cho rằng doanh nghiệp cũng cần liên tục cập nhật những kiến thức, xem xu hướng, xu thế, cơ hội thị trường ngách, như hiệp định đã ký kết, những thị trường lớn không vào được nhưng mà đâu đó có những thị trường ngách phù hợp có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, về phía Chính phủ chúng tôi thấy cũng rất nhiều việc phải làm và cần phải có một chương trình dành riêng cho các doanh nghiệp để tận dụng FTA. Hy vọng trong thời gian tới sau khi đã có kinh nghiệm trong một thời gian triển khai sẽ điều chỉnh chính sách hợp lý và phù hợp, hỗ trợ được doanh nghiệp tốt hơn trong tận dụng việc tận dụng FTA.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất các chương trình hỗ trợ nên làm và làm càng sớm càng tốt thì nguồn lực sẽ tập trung hơn. Cùng đó, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa để đẩy họ mạnh lên, dẫn dắt theo doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Bởi, các chương trình nếu được làm sớm nguồn lực sẽ tập trung hơn, sau đó mới phát triển ra những chỗ lân cận. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia FTA, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh, Bộ Công Thương tập trung nguồn lực xây dựng chương trình hỗ trợ riêng dành cho doanh nghiệp tận dụng tối đa các FTA. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA; tập trung trước mắt vào 6 ngành: dệt may; da giày; thủy sản; cà phê; quế và điều.

Theo ông Ngô Chung Khanh, thực chất các chương trình hỗ trợ về góc độ và trách nhiệm Bộ Công Thương chắc chắn đã và đang làm từ hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến về xúc tiến. Tuy nhiên, Bộ đang triển khai tập trung nguồn lực. Cụ thể, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đồng ý giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng một hệ sinh thái tận dụng FTA. Tư duy của hệ sinh thái này chính là kết nối tất cả các chủ thể có liên quan từ chuỗi giá trị.

Chẳng hạn như ngành thủy sản, từ người nông dân, nuôi trồng thủy sản đến các công ty thu mua, công ty chế biến, kết nối với các tổ chức tín dụng, logistics, địa phương và bộ, ngành trong một platform, một nền tảng như vậy và sẽ có những đơn vị vận hành để các ý tưởng, các kế hoạch thực thi đi vào hàng ngày. Hiện tại, Bộ Công Thương sẽ tập trung trước mắt vào 6 ngành: dệt may; da giày; thủy sản; cà phê; quế và điều. Đây là nhưng ngành Bộ Công Thương lựa chọn và đang triển khai các buổi tọa đàm tại các tỉnh, thành để lấy ý kiến các hiệp hội, các địa phương, các cơ quan có liên quan. Mục tiêu đưa hết tất cả các chủ thể và tận dụng tối đa sức mạnh của các chủ thể để từ đó sẽ có được định hướng trọng tâm để tận dụng tối đa các FTA.

“Bộ Công Thương cũng rất kỳ vọng nếu có thể triển khai thành công, dự kiến tháng 9/2025 có thể đi vào cuộc sống, lúc đấy những mong đợi và những vấn đề vướng mắc cũng có thể phần nào được giải quyết. Đặc biệt,với hệ sinh thái được ban hành sẽ có được sự tập trung nguồn lực từ phía các bộ, từ phía Hiệp hội nhằm tập trung nguồn lực để hiệu quả hơn nữa. Đấy là điều mà Bộ Công Thương đang đã và đang triển khai trong thời gian tới”, ông Ngô Chung Khanh bày tỏ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục