Xây dựng đô thị Thủ đô: Bài 2 - Những “mảng vàng” cần tô lại

15:03' - 14/12/2016
BNEWS Việc quy hoạch, phát triển đô thị quá nhanh, thiếu tầm nhìn và cơ sở dữ liệu khoa học đang khiến Hà Nội phải “trả giá” đắt khi hạ tầng xã hội, dân số tăng đột biến.
Đô thị Hà Nội ngày càng khang trang và hiện đại. Ảnh: TTXVN

Sau 30 năm đổi mới, Thủ đô nghìn năm tuổi đang ngày càng phát triển với diện mạo khang trang và ngày càng hiện đại hơn. Sự nỗ lực trong quy hoạch, kiến thiết xây dựng và quản lý trật tự đô thị đã và đang đưa Hà Nội trở thành trung tâm lớn nhất cả nước về chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội.

Song, việc quy hoạch, phát triển đô thị quá nhanh, thiếu tầm nhìn và cơ sở dữ liệu khoa học cũng đang khiến Hà Nội phải “trả giá” đắt khi hạ tầng xã hội, dân số tăng đột biến, cải tạo chung cư cũ, nhà siêu mỏng siêu méo… trở thành mối nguy của cả hệ thống đô thị.

Thiếu không gian công cộng

Bộ mặt đô thị ở Hà Nội đang có nguy cơ bị phá vỡ ở nhiều nơi, khi hàng loạt cao ốc được xây dựng nằm ngoài quy hoạch khiến hạ tầng bị quá tải dẫn đến cống sập, cây xanh bị chặt hạ và các phương tiện giao thông bị “hút” vào.

Điển hình cho tình trạng trên phải kể đến khu đô thị Linh Đàm, nơi từng được coi là “thiên đường”, là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của thời đô thị hóa, nhưng sau gần 20 năm, mô hình phát triển quy hoạch này đã để lại cho xã hội những bài học đắt giá trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.

Với diện tích khoảng 160ha; trong đó gần 50% là mặt nước, khu bán đảo Linh Đàm có lợi thế nổi trội về cảnh quan và đã được quy hoạch khá bài bản. Tuy nhiên, sau khi được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu, thay vì tạo động lực để Linh Đàm tiếp tục vươn lên, khẳng định “thương hiệu” thì khu đô thị này lại trở thành “thảm họa”, bởi hạ tầng xã hội và dân số đã tăng gấp nhiều lần so với quy hoạch.

Tại khu đất được dự kiến xây dựng văn phòng đã được chuyển đổi thành đất ở với các tòa chung cư cao chót vót; diện tích 5ha của Trung tâm dịch vụ tổng hợp kết nối giữa bắc Linh Đàm, bán đảo Linh Đàm, khu Tây Nam Linh Đàm và khu Nam Linh Đàm hiện cũng được “phù phép” thành khu nhà ở giá rẻ.

Đây được ví là khu nhà ở “vạn dân”, bởi sau khi hoàn thiện, tổ hợp này sẽ bổ sung trên 30.000 dân cho khu vực Linh Đàm, như vậy là hơn gấp đôi so với dân số dự kiến trong quy hoạch đầu tiên...

Hay con đường Nguyễn Chí Thanh từng được mệnh danh “kiểu mẫu”, đẹp nhất Thủ đô, có chiều dài 1,8 km với các lợi thế về cây xanh, mặt nước, không gian… Kể từ khi được “phong hạng”, bây giờ đã bị người ta “cấy” vào đó đủ loại công trình đồ sộ. Mật độ dân số tăng vọt, giao thông quá tải, đường Nguyễn Chí Thanh đang có nguy cơ bị “xuống hạng”?...

Có thể thấy, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng năm 2015 về công tác quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch của một số quận, huyện nội thành Hà Nội là hoàn toàn phù hợp khi chỉ ra, nhiều khu đô thị đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Các dự án được chấp thuận tổng mặt bằng với sự đồng bộ về hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, quy mô dân số, nhưng sau đó lại được điều chỉnh nhiều lần về số tầng cao, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ văn phòng sang nhà ở, từ cây xanh sang công trình hỗn hợp.

Điều này đã khiến cho quy mô dân số tăng lên nhiều lần so với dân số đã tính toán phê duyệt quy hoạch ban đầu, dẫn đến một khu đô thị vừa đưa vào sử dụng đã gây quá tải về nguồn điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc, đặc biệt là diện tích đất xây dựng nhà trẻ, cây xanh, các công trình phúc lợi công cộng.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đang xem quy hoạch Công viên vui chơi giải trí lớn bậc nhất Khu vực Đông Nam Á, Công viên Kim Quy (Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh - TTXVN

Hiện Hà Nội có 60 công viên; trong đó bình quân diện tích công viên trên người ở 4 quận trung tâm là 1,5m², còn khu vực ngoại thành chỉ ở mức 0,05m²/người. Dù ít công viên nhưng lại phân bố không đều giữa các khu vực, khiến cho việc hưởng thụ không gian công cộng của người dân bị hạn chế.

Nắm bắt được nhu cầu của người dân, chính quyền thành phố Hà Nội đã rất quan tâm đến việc quy hoạch không gian công cộng cho thành phố. Mục tiêu mà thành phố đề ra đến năm 2020 là phải nâng diện tích công viên bình quân đầu người dân đô thị là 16m².

Song, để thực hiện mục tiêu trên cũng không phải dễ, khi thực tế, các khu công viên cũ đang bị thu hẹp, các vườn hoa và không gian công cộng trong các khu chung cư cũ cũng bị lấn chiếm.

Ngay cả cảnh quan thiên nhiên có một không hai của Thủ đô là các hồ nước, những di tích lịch sử và văn hóa cũng có nguy cơ bị xâm lấn. Trong khi đó, các ý tưởng và giải pháp cho vấn đề cải thiện thì vẫn... “trên giấy”.

Băm nát đô thị

Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch chung của Thủ đô đã có định hướng rõ ràng.

Tuy nhiên khi thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đang có vấn đề: Hàng loạt tuyến đường mới mở như: Xã Đàn, Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, Sông Lừ...vẫn xuất hiện nhà siêu méo siêu mỏng, với những hình thù kỳ quái, làm xấu đi bộ mặt đô thị.

Sự manh mún càng thể hiện rõ khi đô thị phát triển lan nhanh theo chiều rộng. Thiếu thiết kế đô thị, chắp vá trong quy hoạch đã khiến mặt tiền nhiều thành phố bị băm nát bởi tình trạng chia lô, nhà ống dày đặc.

Từ đô thị lớn, nhân bản tới các đô thị nhỏ khiến giờ đây tìm đất xây trường học, bệnh viện, công viên,…trở nên nan giải. Hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách – nguồn lực của quốc gia – đã bị ném vào cho việc giải tỏa xây dựng cầu, mở đường, làm các công trình thoát nước, trạm xe buýt, metro, chợ…

Nhà siêu mỏng trên tuyến đường mới của huyện Từ Liêm. Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN

Nghịch lý hơn, rất nhiều tuyến đường vành đai chưa kịp xây xong đã trở thành đường nội ô. Các luồng giao thông kết nối (hàng hóa – kho tàng – bến bãi – cảng sông, biển, hàng không…) hầu như lâm vào ngõ cụt. Ví dụ rõ nhất là kết nối giữa sân bay Nội Bài với Hà Nội, tình trạng đô thị “nuốt” các đường vành đai ở Thủ đô.

Xe máy, chia lô nhà ống đã biến Thủ đô trở thành một “chợ lớn”. Và Hà Nội trở thành 3.600 phố phường với dân số tăng gấp đôi, dân số khống chế trong quy hoạch hơn 10 năm trước nhanh chóng bị phá vỡ.

Các nguồn lực của thành phố cứ dồn mãi cho giải phóng mặt bằng, chống ngập, mở đường, chống ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, vòng luẩn quẩn chưa thể dứt khi mà tầm nhìn cũng quẩn quanh với những lợi ích trước mắt.

Tất cả những vấn nạn kể trên là hậu quả của việc chậm trễ dự báo, quy hoạch và các chính sách, luật ban hành không khả thi, thiếu thực tiễn trong quản lý phát triển đô thị. Đó là chưa kể tới hàng trăm nhà chung cư cũ đang xuống cấp, trong khi việc cải tạo xây dựng lại diễn ra rất chậm chạp.

Theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong phát triển đô thị cho thấy, “phải đặc biệt ưu tiên xây dựng hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị, đó là nền tảng của đô thị”.

Nhiều nhà chiến lược đô thị khẳng định “đầu tư cho hệ thống này là cho phát triển, cho mai sau”. Với Hà Nội, mai sau có lẽ khó khăn hơn nhiều – bởi nhìn chung vẫn chưa chống đỡ nổi các khủng hoảng hiện tại (do vốn, kỹ thuật, nhân lực) nếu không có một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực sống còn của đô thị: Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Cuối năm, đứng “bên rìa” đô thị đang lớn – rộng, Thủ đô Hà Nội, mà thấy nao nao. Nếu nhìn chấp chới từ “đỉnh” một tòa nhà cao tầng nơi phía Bắc Thủ đô, mừng hơn bởi các tòa ốc cao tầng mọc san sát góp phần cho Thủ đô hiện đại.

Nếu nhìn ở khoảng máy bay hạ độ cao chuẩn bị tiếp đất lại thấy những cảm giác khác, đó là còn đó lô nhô khu nhà thấp tầng, dòng phương tiện kẹt cứng xếp hàng dài vào giờ cao điểm. Hà Nội vẫn còn đó lỗi lo về hạ tầng giao thông./.

>>> Đón đọc: Bài 3: Giao thông, nỗi lo của muôn nhà

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục