Xây dựng Đường dây 500kV Bắc Nam – Bài 3: Trước thềm “trận đánh lớn”

21:21' - 08/05/2018
BNEWS Quyết định lịch sử đã được ban hành nhưng khó khăn lớn nhất là “làm sao có thể hoàn thành thi công trong 2 năm trong điều kiện địa hình đất nước ta và công nghệ, cơ giới hóa của nước ta còn yếu kém.

“Điều kiện về thời gian” là nỗi trăn trở lớn của những người đứng đầu Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là những người chịu trách nhiệm chính thi công đường dây.

Trạm biến áp 500kV Pleiku. Ảnh: TTXVN

Để xây dựng Đường dây 500kV, một loạt giải pháp được đặt ra một cách chi tiết và cụ thể; trong đó việc lập tiến độ để triển khai xây dựng công trình, bố trí lực lượng từ khảo sát thiết kế, từ thi công xây lắp, giám sát, thu xếp vốn, kí kết hợp đồng, mua sắm vật tư thiết bị được bố trí chặt chẽ, logic với yêu cầu hết sức khẩn trương.

Vừa thiết kế vừa thi công nhưng trên thực tế phải đảm bảo nguyên tắc: hạng mục nào cần thì thi công trước, thiết kế thi công nhưng không được để ảnh hưởng đến các giai đoạn sau.

Muốn đẩy nhanh tiến độ, một trong những đầu việc quan trọng đó là phải gấp rút xây dựng phương án thiết kế. Trọng trách ấy được giao cho Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1) chủ trì thiết kế phần sơ đồ điện cho công trình trên cơ sở phối hợp với các Công ty Khảo sát Thiết kế điện 2 (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2), Phân viện Thiết kế điện Nha Trang (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 4).

Mô hình thiết kế cũng được nhiều tổ chức, chuyên gia nước ngoài hỗ trợ như Viện Thiết kế lưới Ucraina, Viện Thiết kế lưới Saint Perterburg (Liên bang Nga), Công ty Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty PPI  (Úc)...

Dự kiến ban đầu của dự án này là xây dựng Đường dây 500kV từ Mãn Đức đến Đà Nẵng và từ Pleiku đến Cai Lậy, đoạn Hòa Bình - Mãn Đức và Đà Nẵng- Pleiku liên kết bằng đường dây 220kV. Song trong quá trình khảo sát, lập báo cáo khả thi, Công ty Khảo sát Thiết kế Điện 1 đã xem xét các phương án tính toán phân tích kinh tế kỹ thuật và đưa ra phương án xây dựng Đường dây 500kV từ Hòa Bình đến Phú Lâm với 5 trạm là: Hòa Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Pleiku và Phú Lâm mà chưa kéo dài đến Cai Lậy.

Báo cáo khả thi đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt ngày 25/2/1992. Tuy nhiên, trong báo cáo khả thi chưa đề cập chi tiết đến các trạm biến áp và trạm bù 500kV, hệ thống điều độ quốc gia và hệ thống thông tin cáp quang, vì đó là vấn đề kỹ thuật vô cùng mới mẻ đối với Việt Nam lúc bấy giờ.

Điều đáng nói là khi thiết kế công trình 500kV các cán bộ thiết kế trong tay không có một tài liệu tham khảo chi tiết nào, thậm chí chưa được tận mắt nhìn thấy hình thù của đường dây 500kV trên thực tế ra sao, có vậy mới thấy hết sự quyết tâm và sáng tạo của những người thiết kế trong thời gian đó.

Một trong những đường dây 500kV. Ảnh: TTXVN

Đồng thời với việc lập và giải trình thiết kế kỹ thuật, Công ty Khảo sát Thiết kế Điện 1 đã lập sáu hồ sơ mời thầu mua sắm vật tư thiết bị. Việc lựa chọn công nghệ và thiết bị ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng; đồng thời lần đầu tiên trên quy mô lớn, công nghiệp điện lực Việt Nam tiếp xúc với nhiều thành tựu mới nhất của công nghệ truyền tải điện siêu cao áp trên thế giới.

Với nguyên tắc “chất lượng là hàng đầu”, vật tư thiết bị được chọn mua từ những nước có truyền thống sản xuất, có công nghệ cao nổi tiếng như: Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Đức, Anh, Italia, Phần Lan, Hàn Quốc, Nga. Ý chí là vậy nhưng lần đầu tiên triển khai lập hồ sơ mời thầu mua sắm vật tư thiết bị cho công trình lớn như vậy, lại trong điều kiện thiếu hướng dẫn, tài liệu tham khảo, chúng ta đã gặp không ít khó khăn.

Hợp đồng lớn nhất là Hợp đồng cung cấp vật tư cho năm trạm biến áp 500kV. Thời kỳ đó, ngành Điện chưa có kinh nghiệm nào về việc thương thảo hợp đồng cung cấp vật tư thiết bị nên đã bị một số hãng lái theo các yêu cầu của nhà chế tạo, theo đặc tính kỹ thuật của thiết bị họ có sẵn, do đó đã mất gần ba tháng tranh cãi không có kết quả.

Sau khi Công ty Khảo sát Thiết kế Điện 1 được chỉ định phối hợp với nhóm thương thảo mới của Ban A 500kV đã tổ chức làm việc trực tiếp với bốn hãng được chọn thương thảo là Siemens, ABB, Cogelex và Merlin-Gerin để chọn đối tác trình Nhà nước phê duyệt.

Kết quả thương thảo đã trình cấp trên chọn Merlin-Gerin ký kết hợp đồng. Cột thép 60% nhập của Ucraina, 40% do 4 Công ty Xây lắp tự chế tạo trong nước; dây dẫn nhập từ Ucraina, sứ phụ kiện đường dây nhập từ Pháp, toàn bộ thiết bị của 5 trạm biến áp nhập từ Merlin-Gerin - Pháp đều được cung cấp kịp thời đảm bảo đúng tiến độ./.

Bài 4: Những vấn đề đặt ra

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục