Xây dựng giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

11:15' - 09/01/2022
BNEWS Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Nghị quyết này tiếp nối các Nghị quyết số 19 và Nghị quyết 02 trước đây; đồng thời, mở rộng, phát triển các nội dung thực hiện trong cả ngắn hạn (theo năm) và dài hạn (đến năm 2025).

Từ năm 2014, hàng năm Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP trong các năm từ 2014 - 2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP từ năm 2019).

Nghị quyết tập trung vào cải cách thể chế, quy định và thủ tục hành chính, được xây dựng với các mục tiêu, giải pháp cụ thể dựa trên 7 bộ chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín.

Theo đó, một số nguyên tắc trong lựa chọn mục tiêu, nội dung, giải pháp và nhiệm vụ tại Nghị quyết như bám sát định hướng cơ bản về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng thời, lựa chọn mục tiêu, nội dung, giải pháp và nhiệm vụ dựa trên 3 nguyên tắc tư duy cải cách theo chuẩn mực quốc tế; xác định các tiêu chí cụ thể dựa trên các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới; giao nhiệm vụ có tính bắt buộc với thời hạn cụ thể và thiết lập kỷ cương trong triển khai.

Đặc biệt, tổ chức thực hiện theo hướng phân công cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm cho từng nhóm tiêu chí; từng chỉ tiêu cụ thể; thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng Nghị quyết áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong thu thập thông tin báo cáo phục vụ điều hành; phổ biến, tuyên truyền về Nghị quyết, nhất là cập nhật thông tin về các tiêu chí lựa chọn theo thông lệ quốc tế. Các nhiệm vụ, giải pháp thiết kế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương gắn với kiểm tra, giám sát.

Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết này tiếp tục xác định mục tiêu dựa trên các bảng xếp hạng toàn cầu đã được lựa chọn trước đây tại Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 02, bao gồm: Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF); năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (UN); 2 bộ chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành (Hiệu quả dịch vụ logistics của Ngân hàng thế giới - WB và năng lực cạnh tranh ngành du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF)…

Dự thảo Nghị quyết cũng lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022 - 2025, bao gồm: cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; loại bỏ rào cản đối với đầu tư kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; cải cách về đăng ký đất đai và bất động sản; phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19./.

>>>Nghị quyết số 128/NQ-CP: Chính sách "bước ngoặt" trong phòng chống dịch COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục