Xây dựng kịch bản và hướng dẫn tổ chức vận tải ra sao trong tình hình mới?

12:22' - 22/09/2021
BNEWS Kịch bản vận tải sẽ có tính kết nối giữa 5 phương thức vận tải và thực hiện theo những nguyên tắc nhất định, bảo đảm việc đi lại, chống ùn tắc, thuận lợi cho người dân...

Liên quan đến việc tổ chức vận tải trong tình hình mới, trao đổi với phóng viên TTXVN sáng 22/9, đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã giao nhiệm vụ cho Vụ Vận tải của Bộ xây dựng kịch bản vận tải khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội.

Theo đó, kịch bản vận tải sẽ có tính kết nối giữa 5 phương thức vận tải và thực hiện theo những nguyên tắc nhất định, bảo đảm việc đi lại, chống ùn tắc, thuận lợi cho người dân, theo quy định phòng, chống dịch của địa phương.

Đối với địa phương thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg sẽ tạm dừng hoặc tổ chức lại giao thông công cộng để hạn chế đi lại từ vùng có dịch đến các địa phương khác. Tùy theo loại hình vận tải, địa phương cho phép mở lại hoạt động vận chuyển hành khách công cộng với chuyến xe, số lượng xe không vượt quá 30% so với bình thường và bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Đối với vùng thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg, sẽ tổ chức lại giao thông công cộng. Tùy theo loại hình vận tải, địa phương cho phép mở lại hoạt động vận chuyển hành khách công cộng với chuyến xe, số lượng xe không vượt quá 50% so với bình thường, bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 19/CT-TTg sẽ theo hướng tập trung tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nhu cầu thiết yếu của người dân.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa bình thường, khuyến khích lái xe, người xếp dỡ trên xe áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với vận tải hành khách, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, đây là lĩnh vực có đặc thù riêng nên khi hành khách xuống máy bay, tàu hỏa thì phải có phương án kết nối đường bộ cụ thể.
Các kịch bản, tình huống đều được Bộ Giao thông Vận tải tính toán để có phương án vận tải cụ thể từ vùng áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg sang Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 19/CT-TTg và ngược lại, bảo đảm mục tiêu hành khách được lưu thông thuận tiện nhất trong bối cảnh mới.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 21/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký ban hành Chỉ thị yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo không để xảy ra ùn tắc vận chuyển nông sản.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Thời gian qua xảy ra hiện tượng nhiều mặt hàng nông sản bị tồn đọng với khối lượng lớn, giá giảm sâu; một số chuỗi sản xuất bị đứt gẫy, ảnh hưởng tới nguồn cung.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các quyết định của Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành về hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng và tổ chức thực hiện phương án huy động phương tiện; người điều khiển phương tiện; tổ chức vận tải; bảo dưỡng sửa chữa; cứu hộ giao thông; tổ chức giao thông trên các tuyến liên tỉnh và các đầu mối vận tải trọng yếu.
Cùng với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần thống kê và chuẩn bị phương án huy động lực lượng lái xe và phương tiện hỗ trợ kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố.
Trong lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng kế hoạch, chi tiết các nội dung công việc, nhiệm vụ, giải pháp cần phải thực hiện để hỗ trợ cho địa phương có nhu cầu vận chuyển hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.
“Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam sẵn sàng phương tiện, nhân lực để hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn, an dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tạo điều kiện tối đa trong công tác làm thủ tục vào, rời cảng bến, công tác thanh tra, kiểm tra, điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông đường thủy nội địa và duy trì tình trạng báo hiệu đảm bảo phục vụ hiệu quả hoạt động vận tải đường thủy nội địa”, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.
Trong khi đó, Cục Đường sắt Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu xây dựng phương án tăng cường kết nối với vận tải đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không để lựa chọn một số loại hàng hóa có thể tổ chức vận chuyển bằng đường sắt theo vùng hoặc vận chuyển Bắc - Nam nhằm giảm tải cho vận tải đường bộ.
Với các Sở Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu giải quyết triệt để ách tắc trong lưu thông hàng hóa; ban hành chính sách hỗ trợ chủ xe, lái xe để giảm chi phí vận chuyển, tiêu thụ nông sản và lưu thông vật tư nông nghiệp; ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho lái xe, nhân viên bốc xếp hàng hóa.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố có cửa khẩu chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về kho bãi, bảo quản hàng hóa nông sản, dịch vụ vận tải, hậu cần thương mại tại cửa khẩu; tăng cường kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đảm bảo thông quan xuất khẩu nông sản trong mọi tình huống; chỉ đạo chính quyền các cấp trên địa bàn không ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện trái với quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ ngành về lưu thông hàng hóa…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục