Xây dựng nông thôn mới: Biến bất lợi thành cơ hội để phát triển

07:51' - 07/12/2023
BNEWS Việc triển khai xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội đạt kết quả khả quan nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương vượt mọi khó khăn, biến bất lợi thành cơ hội để phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp thành phố.

Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội cần có 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đánh giá chung, đến nay, việc triển khai trên địa bàn thành phố đạt kết quả khả quan nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương vượt mọi khó khăn, biến bất lợi thành cơ hội để phát triển.

Một ví dụ như huyện Ứng Hòa (Hà Nội) có 29 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã nằm trong vùng trũng. Đây được coi là vùng rốn nước của cả tỉnh Hà Tây trước đây, thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa bão. Do điều kiện địa hình trũng không được bồi đắp phù sa hằng năm nên đất đai có độ chua cao, thường trồng hai vụ lúa và một vụ đông (đậu tương, ngô hoặc rau). Nhờ ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh vào sản xuất, huyện đã biến bất lợi thành cơ hội để phát triển thành vùng sinh thái nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. 

Hiện nay, huyện đã chuyển đổi được các diện tích lúa vùng trũng kém hiệu quả sang các trang trại chuyên canh thủy sản kết hợp, các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư. Huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 4.000 ha, sản lượng thủy sản đạt 37.260 tấn. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi sang mô hình nuôi cá hiện đại, bền vững như mô hình ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, phải kể đến 15 mô hình nuôi thủy sản "sông trong ao" tại các xã Trầm Lộng, Liên Bạt đã kiểm soát được môi trường nuôi, tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm thủy sản hàng hóa đồng đều.

Đến nay, trên địa bàn huyện Ứng Hòa ngày càng xuất hiện nhiều hơn các mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình rau an toàn trồng trong nhà lưới 5.000 m2 tại xã Sơn Công; mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại 2 xã Phù Lưu, Hồng Quang với hệ thống tưới tự động, thiết bị cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm và các chỉ tiêu nông hóa thổ nhưỡng; mô hình trồng bưởi VietGAP tại xã Đồng Tiến…

Hay mô hình trồng dưa lưới của hộ anh Phạm Văn Cương, ở xã Phù Lưu (huyện Ứng Hòa) đang phát huy hiệu quả kinh tế nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Mô hình trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt cùng nhà màng, nhà lưới, điều khiển được nhiệt độ, ánh sáng bằng điện thoại thông minh. Tuy mức vốn đầu tư ban đầu lên đến 1 tỷ đồng/ha nhưng bù lại, mô hình không chịu rủi ro do ảnh hưởng thời tiết, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn và cho doanh thu ổn định.

Với hệ thống chuồng trại khép kín, hiện đại, áp dụng phương pháp nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhiều trang trại ở huyện Ứng Hòa đã cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như trang trại nuôi 2.400 con lợn nái, 17.000 con lợn thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Thanh (xã Vạn Thái); trang trại nuôi 40.000 con gà của hộ ông Nguyễn Duy Toản (xã Viên An)…

Bên cạnh đó, huyện còn triển khai Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ứng Hòa theo hướng hàng hóa công nghệ cao, bền vững, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 4,26%/năm; nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất nông nghiệp. Đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt từ 345 triệu đồng/ha/năm trở lên và có ít nhất 330 trang trại; năm 2030 có 500 trang trại ứng dụng công nghệ cao.

Nhờ vậy mà đến nay, toàn huyện có 28/28 xã được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Vân Đình đạt chuẩn Đô thị văn minh; trong đó, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 21,4%); 3 xã đã hoàn thiện hồ sơ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đã được Chính phủ ban hành Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Ông Nguyễn Tiến Thiết, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, để có được kết quả này, huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, tranh thủ mọi nguồn lực, Đảng bộ huyện Ứng Hòa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện xây dựng nông thôn mới như: Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đặc biệt, huyện thực hiện công khai, minh bạch các nguồn lực để người dân được bàn bạc, quyết định, kiểm tra, giám sát và quan trọng hơn cả là chính người dân được tham gia thụ hưởng những kết quả từ xây dựng nông thôn mới đem lại.

Với sự tham gia tích cực của người dân, góp công, góp của cùng với chính quyền địa phương tạo thêm nguồn lực đầu tư, hoàn thiện các công trình xây dựng. Đến nay huyện đã huy động tổng nguồn vốn 8.491 tỷ 580 triệu đồng.

Huyện đã có 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; 504/504 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa; 84/90 trường học đã đạt chuẩn Quốc gia; 29/29 xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế; 145/145  thôn, làng, tổ dân phố có Nhà Văn hóa. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân/người mới chỉ đạt 12,38 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2021 đã tăng 42,29 triệu đồng, năm 2022 đạt trên 61,5 triệu đồng/người.

Thời gian tới, với quyết tâm đưa Ứng Hòa trở thành huyện phát triển toàn diện, vùng sản xuất trọng điểm, nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao của Thủ đô, Đảng bộ, UBND huyện Ứng Hòa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận, tinh thần tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sáng tạo, nhất là tạo nguồn nhân lực được đào tạo vào sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, huyện sẽ đẩy mạnh Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025, thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh…

Theo ông Nguyễn Xuân Đại, đối với yêu cầu 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, Hà Nội đã có 17/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Về chỉ tiêu có 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai.

Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025 và Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội năm 2023; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa tổ chức Chương trình triển lãm, thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP làng nghề 2023 tại huyện Ứng Hòa từ ngày 08 - 11/12/2023, chào mừng Huyện đón nhận đạt chuẩn nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng Nhì.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục