Xây dựng nông thôn mới ở một số tỉnh có dấu hiệu chững lại

14:49' - 14/09/2019
BNEWS Kết quả xây dựng nông thôn mới của hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung còn hạn chế, chưa phản ánh hết tiềm năng, lợi thế và một số tỉnh có dấu hiệu chững lại.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Ngày 14/9, tại Bạc Liêu, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiên Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương cùng các đại biểu thuộc các ban, bộ, ngành trung ương và các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Vương Đình Huệ ghi nhận những kết quả xây dựng nông thôn mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng Nam Bộ, nêu rõ tác động tích cực của lĩnh vực này đến cơ cấu sản xuất, lao động khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về vật chất, tinh thần và đẩy mạnh công tác giảm nghèo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị từng địa phương rà soát lại, so sánh với các địa phương khác để phát huy kết quả làm được, khắc phục những tồn đọng, từ đó đưa ra được phương hướng phù hợp với địa phương mình trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, các địa phương phải phát huy tốt quan điểm lấy người dân làm chủ thể, nhưng không được huy động sức dân quá sức mà phải trên tinh thần tự nguyện, hợp lòng dân.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được; cần chú ý công tác xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên tinh thần không chạy theo thành tích mà phải đi vào chất lượng, đồng thời phải luôn nhất quản quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đại biểu tham quan gian trưng bày nông sản của các tỉnh tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bình - TTXVN
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, sau hơn 9 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, cả hai vùng, nhất là Đông Nam Bộ có 874 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 30 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 7/19 tỉnh đã đạt hoặc vượt mục tiêu xã nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ giao (Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu), trong đó có hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình của hai vùng đạt gần 932.500 tỷ đồng cao nhất cả nước; hạ tầng không ngừng được đầu tư, kinh tế liên tục phát triển và nâng cao thu nhập cho người dân với tỷ lệ các xã đạt chuẩn các tiêu chí về thu nhập, nhà ở và hộ thoát nghèo đều cao hơn nhiều so với bình quân cả nước…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định kết quả xây dựng nông thôn mới của hai vùng nhìn chung còn hạn chế, chưa phản ánh hết tiềm năng, lợi thế và một số tỉnh có dấu hiệu chững lại; cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tuy có bước phát triển, nhưng chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối; nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của vùng nhưng phát triển theo hướng quy mô lớn còn ít, tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chưa đủ đáp ứng được sức sản xuất lớn và đang gia tăng của nền nông nghiệp hàng hóa; năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai chưa được cải thiện; hợp tác xã nông nghiệp còn ít về số lượng và hạn chế về chất lượng…

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, đến 2025 xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao – công nghệ sinh học hướng tới nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển bền vững; phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, kết nối đồng bộ trong nội vùng và với các vùng; xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, theo hướng thuận thiên, dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển; cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biển đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được quản lý, sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao…

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học, công nghệ xây dựng nông thôn mới, nhận định: Quan điểm xây dựng nông thôn mới là nông dân, nông thôn, nông nghiệp sẽ tiếp tục giữ vai trò chiến lược trong sự phát triển của đất nước. Phát triển nông dân, nông nghiệp, nông thôn là thành tố cơ bản của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của toàn xã hội để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường hiện đại; đổi mới thể chế là khâu đột phá then chốt để thực hiện vai trò chủ thể của nông dân, thay đổi căn bản quan hệ sản xuất trong nông nghiệp và phát huy sức mạnh cộng đồng ở nông thôn. Đặc biệt, cần chủ động và tích cực thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phát hiện và phát huy lợi thế, dư địa của quá trình biến đổi khí hậu tạo ra; quy hoạch tích hợp, đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành thay vì phát triển cục bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương khẳng định: Sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu, sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Thực tiễn cho thấy, ở những nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì việc xây dựng nông thôn mới đạt được cả mục tiêu về số lượng và đi vào chiều sâu chất lượng.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh: Hội nghị này là diễn đàn rất quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc. Hội nghị tập trung 19 tỉnh, thành phố, mỗi địa phương đều có nhiều cách làm hay, sáng tạo… đây là cơ hội rất tốt để Bạc Liêu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hoàn thiện hơn nữa cách làm, tiếp cận, xây dựng cơ chế chính sách trong xây dựng nông thôn mới; qua đó thắt chặt thêm mối quan hệ, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục