Xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu - Bài 2: Xây dựng hạ tầng ổn định

07:16' - 03/11/2019
BNEWS Muốn phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn bền vững, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ tích cực từ hạ tầng cơ sở, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, điện, hệ thống kênh mương thủy lợi.
Tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông, ven biển. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN 

Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hoàn thiện hạ tầng giao thông, ứng dụng khoa học kĩ thuật là một trong những tiêu chí mà chính quyền địa phương tỉnh Cà Mau ưu tiên hoàn thiện trước tiên. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy cho các tiêu chí khác hoàn thiện và tiếp tục phát triển. 

* Thích nghi biến đổi khí hậu

Trong chiến lược phát triển kính tế - xã hội, tỉnh Cà Mau xác định nguồn lực hạ tầng cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.

Đặc biệt, để có thể phát triển xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, giúp nâng cao tiêu chí bình quân mỗi xã lên 16,5 tiêu chí trong năm 2020, các đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông, trạm y tế, trường học, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, rác thải khu vực nông thôn và các mục liên quan đều phải được đầu tư đồng bộ.

Tuy nhiên, với vật lực và nhân lực hiện có, tỉnh Cà Mau phải thực hiện từng hạng mục; trong đó, ưu tiên phát triển đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện cho giao lưu hàng hóa tốt hơn cho người dân.

Theo ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau, trước đây công trình giao thông nông thôn được thiết kế theo các điều kiện môi trường bình thường, chưa dự tính đến yếu tố nước biển dâng bởi biến đổi khí hậu.

Công trình xây dựng trên nền đất yếu, nền đường sụt lún, dẫn đến việc một số tuyến đường, đoạn tuyến bị ngập hoặc có nguy cơ ngập. Điều này gây ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường, đường dễ bị hỏng, trượt lún…, làm phát sinh chi phí nâng cấp, duy tu, sửa chữa.

Đồng thời, khi đường giao thông nông thôn hư hại gây khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, ách tắc trong giao thương của các hộ dân vùng nông thôn.

Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải Cà Mau đang tập trung nghiên cứu áp dụng các loại vật liệu mới có tính năng chịu bền với môi trường ngập mặn để kéo dài tuổi thọ các công trình, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong quá trình thiết kế, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã lựa chọn cao độ mặt đường hoàn thiện tuân thủ theo quy định, ngành giao thông vận tải cũng yêu cầu đơn vị tư vấn quan tâm đến yếu tố nước biển dâng.

Các công trình giao thông nông thôn đưa vào sử dụng vừa đảm bảo an toàn, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã làm được gần 5.670 km đường giao thông nông thôn, có 81/82 xã có đường ô tô về đến trung tâm xã và 35/82 xã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Trên tuyến đường đi vào Trung tâm xã Tân Ân Tây và xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, các hoạt động giao thương hàng hóa, chợ nông thôn diễn ra nhộn nhịp.

Tiếp xúc với người dân nơi đây, có thể thấy được niềm hân hoan trên đôi mắt những người khi kinh tế phát triển, thu nhập ổn định, giao thương thuận lợi.

Chị Lê Kiều Hương, ngụ tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết, 4 năm trước đây, đường giao thông của xã còn gặp nhiều khó khăn.

Kể từ khi đường Hồ Chí Minh thông xe, nhiều đường giao thông nông thôn dần hoàn thiện, việc buôn bán cũng thuận lợi hơn. Giao thông thuận tiện nên du khách về vùng Đất Mũi cũng tấp nập hơn, cửa hàng của chị cũng nhờ vậy mà có thêm thu nhập hơn so với trước đây.

Hoàn thành các tuyến đường giao thông nông thôn, giúp cho khu vực nông thôn các xã trong tỉnh Cà Mau có thêm diện mạo mới.

Người dân không còn cảnh lưu thông trên những con đường đất, bùn lầy lội trong những lần mưa lớn. Cũng từ đây, người dân chủ động sửa sang nhà cửa, sắm sửa xe mới, giúp cải thiện sinh hoạt hàng ngày.

*Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Kiểm tra bánh phồng tôm trong lò sấy bằng năng lượng mặt trời, có hộ có thể cung ứng 1 tấn bánh phồng tôm mỗi tháng. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN  

Song song với những tiêu chí hoàn thiện giao thông, việc áp dụng công nghệ, thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cũng là một tiêu chí được nhiều người dân khu vực nông thôn tỉnh Cà Mau quan tâm.

Khi sản xuất phát triển, hàng hóa lưu thông thuận lợi, sản phẩm của địa phương được nhiều khách hàng biết đến và lựa chọn, người sản xuất có nhu cầu nâng cao công nghệ là điều tất yếu.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy hoàn thiện các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có vai trò rất lớn.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh định hướng phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030 là tiếp tục phát huy nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng trong lĩnh vực ngư - nông - lâm nghiệp gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đề án nâng cao năng suất, chất lượng ngành hàng tôm; từng bước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại như công nghệ sinh học, công nghệ 4.0 vào sản xuất.

Ngành đặc biệt coi trọng nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất với phương châm ''lấy nông dân làm chủ thể, lấy nông thôn làm địa bàn và lấy khoa học - công nghệ làm bước đột phá''.

Sở Khoa học và Công nghệ cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến và các trang thiết bị hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa.

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phục tráng, lai tạo nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào phát triển lâm nghiệp, khai thác thủy sản xa bờ…

Nhờ vào sự chuyển giao, hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, nhiều hộ dân vùng nông thôn tỉnh Cà Mau đã có sự chuyển biến trong sản xuất như: ứng dụng lò sấy bằng năng lượng mặt trời trong sấy bánh phòng tôm, sấy tôm khô, ủ chua mắm tôm, áp dụng công nghệ nhà màng Israel và nhà thép của Lysaght Agrished, công nghệ xử lý nước tuần hoàn của Đức và Hoa kỳ trong nuôi tôm siêu thâm canh, áp dụng kỹ thuật trong sản xuất lúa hữu cơ trên đất nuôi tôm,…

Là một trong những hộ sản xuất bánh phồng tôm lâu năm tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, ông Lê Ngọc Thạnh được chuyển giao và hỗ trợ vốn đầu tư lò sấy bằng năng lượng mặt trời.

Ông Thạnh chia sẻ, khi làm bành và phơi bánh thủ công, gia đình ông chỉ làm tối đa 12 tấn bánh mỗi tháng để giao cho khách hàng khắp cả nước.

Từ khi được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau hỗ trợ, chuyển giao lò sấy bánh phồng tôm bằng năng lượng mặt trời, ông Thạnh tăng năng suất làm bánh lên 30 tấn bánh mỗi tháng, đáp ứng được các đơn đặt hàng trong thời gian nhanh nhất.

Với lò sấy này, ông Thạnh được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho vay 150 triệu đồng, hoàn trả trong 5 năm với lãi suất ưu đãi. Nhờ đó, ông giảm được công phơi bánh, giảm chi phí cho mỗi mẻ bánh so với trước đây.

Mặc dù là những người chân chất ở khu vực nông thôn, nhưng những người dân tỉnh Cà Mau vốn có tinh thần học hỏi cao, những thiết bị kĩ thuật cũng chỉ “làm khó” họ trong thời gian đầu sử dụng.

Khi được hướng dẫn, người dân có thể sử dụng thành thục, phát huy được tính năng vượt trội, thúc đẩy sản xuất nói riêng và thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới nói chung tại tỉnh Cà Mau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục