Xây dựng nông thôn mới: Tránh huy động cạn kiệt để dân tin tưởng

11:42' - 17/12/2015
BNEWS Về huy động sức dân, ông Hồ Xuân Hùng cố vấn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khuyến cáo, cần khắc phục tình trạng huy động cạn kiệt để dân tin tưởng.
Thành tựu nổi bật nhất sau 5 năm xây dựng nông thôn mới là phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh: Văn Xuyên/TTXVN

Mặc dù không đạt mục tiêu đề ra là có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (2010-2015) nhưng Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước.

Niềm tin của người dân vào các cấp ủy, chính quyền ngày càng tăng. Số hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.

Đây vừa là nền tảng vừa là động lực có thể tin tưởng rằng, mục tiêu có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 sẽ hoàn thành theo kế hoạch.

Xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ vào xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực.

Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010); số hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh, còn 8,2%.

Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, quan trọng nhất của xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho người dân. Khi thu nhập của người dân cao lên thì tất cả các chuyện khác đều có thể được giải quyết.

Sau khi tham quan học hỏi các mô hình sản xuất của Thái Lan, Nhật Bản, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.

Nhờ đó, những sản phẩm truyền thống mang tính chất tự cung tự cấp của địa phương nay có thể trở thành hàng hóa.

Theo ông Đặng Huy Hậu, khi đời sống của người dân nâng lên thì đương nhiên sự đóng góp của người dân cũng sẽ tốt hơn kể cả về giáo dục, y tế. Do đó, tiêu chí về thu nhập, hạ tầng sẽ quyết định rất nhiều đến đời sống của người dân ở vùng nông thôn.

Sự phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội còn chênh lệch lớn giữa các vùng. Ảnh: Văn Xuyên/TTXVN

Nhiều địa phương đã tổ chức thực hiện dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại hệ thống giao thông, thủy lợi - chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Cùng với việc tăng cường hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, mô hình “cánh đồng lớn” được 43 tỉnh trong cả nước áp dụng. Đến nay, cả nước có khoảng 556.000 ha với 2.500 mô hình hợp tác, liên kết theo mô hình “cánh đồng lớn”.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp, các tổ, đội sản xuất trong khai thác thủy sản… cũng đã được thiết lập.

Tuy nhiên, vẫn còn những xã chưa được quan tâm đúng mức về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường.

Đánh giá khách quan về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng là do xuất phát điểm của đa số các xã còn thấp, trong khi nguồn lực của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là ở các địa phương miền núi.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn quan trọng bởi những xã chưa đạt trong giai đoạn vừa qua là các xã đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong giai đoạn này cần có sự đổi mới trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt cần có chính sách nhiều hơn để hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự bền vững.

Ông Hồ Xuân Hùng, cố vấn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đánh giá, cái dễ đã làm rồi, giai đoạn 2 là giai đoạn khó.

Trong khi đó nguồn lực đầu tư của Nhà nước đang giảm và sẽ giảm so với giai đoạn trước. Do vậy, khi địa phương phân bổ nguồn lực cần tập trung vào hai đối tượng vùng khó khăn và làm giàu.

Nếu không khuyến khích đối tượng làm giàu, hỗ trợ họ thực sự thì sẽ không tạo động lực thi đua sản xuất.

Trong giai đoạn 2016-2020 cần có chính sách nhiều hơn để hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân tăng thu nhập. Ảnh: TTXVN

Về huy động sức dân, ông Hồ Xuân Hùng cũng khuyến cáo, cần khắc phục tình trạng huy động cạn kiệt để dân tin tưởng.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không phải làm nông thôn mới bằng mọi giá mà làm cho nông dân hưởng. Vì vậy, cần phát huy hiệu quả “vốn mồi”.

Nhà nước hỗ trợ “vốn mồi” vào đúng điểm. Cùng với đó là sửa phải đổi một số chính sách, đặc biệt khi Việt Nam sẽ ký kết TPP thì càng phải sửa để doanh nghiệp vào nông thôn sâu hơn".

Ông Đặng Huy Hậu rút ra bài học, phải có sự quyết tâm cao của lãnh đạo và từ quyết tâm sẽ ra cách làm, nguồn lực.
Trong quá trình làm cần hết sức kiên trì, bền bỉ, thậm chí cán bộ phải chấp nhận "hy sinh" thì mới làm được vì nó không giống như chương trình xây dựng cơ bản, hôm nay lên một tầng, ngày mai lên một tầng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cần có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, các ngành chức năng cần có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp là lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục