Xây dựng quy hoạch, phát triển hài hòa các dạng năng lượng

18:52' - 11/11/2020
BNEWS Chiều 11/11, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lần 2 Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, Viện nghiên cứu và các Tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, từ năm 1997 - 2019, nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ phát triển gần 7%. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm gần đây tăng 6,5% năng lượng sơ cấp, riêng điện tăng 10,5%.

Trong bối cảnh Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn và làm thế nào có đủ năng lượng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến tới nền kinh tế tự chủ và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là vấn đề đang đặt ra rất nhiều thách thức.

Do đó, quy hoạch năng lượng lần này nhằm xây dựng các kịch bản để không làm tăng chi phí năng lượng, không để năng lượng trở thành gánh nặng của nền kinh tế và phát triển năng lượng phải hài hòa, thúc đẩy toàn bộ các ngành kinh tế phát triển. Đồng thời, đảm bảo cơ chế giám sát Quy hoạch trong bối cảnh tốc độ phát triển ngày càng nhanh như hiện nay, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay.

Taị Hội thảo, các đại biểu đã trình bày phương án phát triển tổng thể năng lượng và quy hoạch các phân ngành dầu khí, than, điện lực.

Đối với phương án quy hoạch phát triển phân ngành điện lực, ông Nguyễn Thế Thắng – Trưởng phòng Hệ thống điện, Viện Năng lượng cho hay, theo dự báo kịch bản cơ sở, điện thương phẩm đạt 490,8 tỷ kWh vào năm 2030 và 976 tỷ kWh vào năm 2050; duy trì mức tăng 8,3% trong giai đoạn 2021 - 2030, sau đó giảm xuống mức 3,4% giai đoạn 2031 - 2050. Ở kịch bản khác, điện thương phẩm đạt 523 tỷ kWh vào năm 2030 và 1.110 tỷ kWh vào năm 2050.

Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương, đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch nên xem xét đưa việc nhập khẩu, vận chuyển khí LNG vào quy hoạch năng lượng; đồng thời, cần đánh giá mô hình nhập khẩu khí như thế nào bởi khí không giống như các nguồn năng lượng khác.

Cũng theo ông Nguyễn Tài Anh, với cung ứng than, việc xây dựng các cảng than không nên đi theo hướng xây dựng các cảng than cứng mà nên đi theo hướng mềm và hiện nay trên thế giới đang thực hiện nhiều giải pháp. Nói theo cách khác, nhu cầu đến đâu thì kết nối module đến đó hoặc có thể thuê các trạm trung chuyển…

Về phát triển ngành điện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phát triển theo hướng động và mở. Điện là một phân ngành trong quy hoạch này và đơn vị tư vấn cần xem xét thêm về cơ chế…, ông Nguyễn Tài Anh đề xuất.

Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về "Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Việc xây dựng Quy hoạch năng lượng sẽ góp phần đánh giá toàn diện về cung - cầu năng lượng quốc gia và kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường mà Việt Nam đã đặt ra và cam kết với cộng đồng quốc tế.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu Quy hoạch năng lượng lần này giải quyết được sự phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng; đồng thời, đưa ra một Quy hoạch “mở” hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng.

Cũng theo Bộ Công Thương, đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng. Do đó, việc lập Quy hoạch cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong việc đồng bộ và đảm bảo tính tương thích với các quy hoạch khác. Đặc biệt, việc đưa ra các cơ chế thực hiện Quy hoạch trong giai đoạn mới cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bên liên quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục