Xây dựng thương hiệu gạo: Phải sản xuất theo chuỗi

09:55' - 18/11/2015
BNEWS Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo cần tổ chức sản xuất theo chuỗi từ khâu giống, gieo trồng, sản xuất cho tới hệ thống phân phối để có được sản phẩm khác biệt cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Chế biến gạo tại Công Lương thực Tiền Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng và thương hiệu của doanh nghiệp.

Đề án nhằm mục tiêu nâng cao giá trị cho sản phẩm gạo Việt Nam, tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Đây là một nhiệm vụ hết sức cấp thiết, là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo cho mình trên cơ sở chuỗi giá trị từ khâu giống lúa, gieo trồng, sản xuất, tạo ra sản phẩm gạo thương hiệu cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đặc biệt, thực hiện đề án tăng sẽ góp phần giá trị xuất khẩu cho mặt hàng gạo, đưa mặt hàng gạo của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á.

Tuy nhiên, mục tiêu nâng cao giá trị và thương hiệu gạo đang gặp nhiều thách thức cả khách quan và chủ quan.

Trước hết, người tiêu dùng nội địa hiện hầu như chưa để ý tới các mối nguy về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm gạo thông thường. Đó là các nguy cơ về nấm mốc, về dư lượng chất bảo vệ thực vật tồn dư trong gạo, sử dụng bao bì tái chế và đặc biệt là việc sử dụng các loại thuốc đánh trùng mọt không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, người tiêu dùng trong nước thường lấy yếu tố giá để so sánh trước khi quyết định mua hàng.

Hiện trên thị trường nội địa, hệ thống phân phối gạo cho người tiêu dùng chủ yếu là do các hộ cá thể buôn bán sản phẩm gạo rời nên có chi phí sản xuất, bảo quản, đóng gói thấp.

Trong khi đó đối với sản phẩm gạo thương hiệu, do phải sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt, đóng gói, bảo quản trên bao bì có chất lượng tốt và phân phối theo các kênh tiêu dùng nên phải chịu các chi phí lớn. Điều này đã đẩy giá gạo lên cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm gạo thương hiệu.

Bên cạnh đó, chính sách thuế đối với mặt hàng gạo có sự khác biệt. Đó là thuế áp dụng cho các hộ kinh doanh cá thể và thuế giá trị gia tăng 5% áp dụng cho các doanh nghiệp. Điều này đã làm cho sản phẩm gạo của doanh nghiệp phải cạnh tranh bất bình đẳng với sản phẩm cùng loại trên thị trường do bị tính giá thuế cao hơn.

Dây chuyền xuất gạo đặc sản của Doanh nghiệp tư Nhân Cỏ May, huyện Châu Thành. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Trên thị trường xuất khẩu, các nước có nhu cầu tiêu dùng gạo chất lượng cao tại châu Âu, Bắc Mỹ hay Đông Bắc Á thường có chính sách ưu tiên nhập khẩu gạo của các nước nghèo như Campuchia, Mianma...

Do vậy mức thuế suất của các nước này thường rất thấp hoặc bằng không. Trong khi đó, thuế suất cho gạo của Việt Nam thường rất cao và điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam khi vào các thị trường này.

Hiện gạo xuất khẩu có hai nguồn nguyên liệu chính. Nguồn nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu tốt nhất là từ những cánh đồng lớn, tuy nhiên số lượng này không nhiều. Nguồn còn lại chủ yếu thu mua trên thị trường.

Do vậy thường gặp các vấn đề như dư lượng chất bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm gạo, chất lượng gạo không đồng đều do nông dân sử dụng nguồn giống bị lai tạp, đấu trộn trước khi bán và đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch kém. Với các loại gạo đặc sản, do diện tích canh tác nhỏ lẻ, việc không đủ nguyên liệu cho các đơn hàng lớn cũng là một khó khăn.

Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo một cách bền vững cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị: từ khâu giống, gieo trồng, sản xuất cho tới hệ thống phân phối. Từ đó mới tạo ra sản phẩm khác biệt phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn được coi là giải pháp quan trọng. Hiện tại, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đã từng bước triển khai chương trình cánh đồng lớn trên cả nước như: Nam Định, Thái Bình, Điện Biên, Đồng tháp, An Giang, Long An...

Tại đây, Vinafood 1 đã phối hợp với các địa phương tổ chức quy hoạch vùng trồng. Cách thức hợp tác với nông dân của Tổng công ty là hợp tác thông qua cơ quan quản lý địa phương. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện giới thiệu các xã hoặc hợp tác xã có năng lực chỉ đạo, điều hành.

Họ có khả năng tổ chức thực hiện mô hình đảm bảo thành công, tổ chức thực hiện các dịch vụ cho nông dân theo hướng sản xuất đồng loạt và cơ giới hóa căn cứ vào hợp đồng liên kết với Tổng công ty. Đồng thời chính quyền địa phương làm trọng tài điều phối các hoạt động, giám sát việc ký kết, thực hiện hợp đồng giữa các bên.

Công nhân làm việc tại Xí nghiệp chế biến lúa gạo của Hợp tác xã Tân Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cánh đồng lớn vẫn còn nhiều hạn chế bởi ý thức, trách nhiệm của nông dân khi việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng chưa cao. Dẫn đến một số hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bị phá vỡ, gây mất lòng tin giữa các bên. Hay sự thiếu ý thức chấp hành quy trình canh tác, thu hoạch của một số hộ xã viên cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng thóc nguyên liệu và sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, như tại miền Bắc, do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, một năm chỉ có 2 vụ chính nên rất khó khăn trong đầu tư xây dựng hệ thống sấy lúa tươi. Đầu tư xây dựng hệ thống sấy lúa tươi có chi phí đầu tư cao nhưng thời gian sử dùng hàng năm ngắn (chỉ khoảng 2 tháng/năm, còn lại để không) nên không hiệu quả. Điển hình như Nhà máy sấy tại Nam Định của Tổng công ty đang hoạt động trong tình trạng này./.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển gạo Việt Nam (Tổng công ty Lương thực miền Bắc)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục