Xây dựng thủy điện Đắk R’kéh - Bài 2: Hài hòa giữa phát triển kinh tế và du lịch

17:27' - 23/05/2019
BNEWS Theo một số người dân tại huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, việc xây dựng thủy điện đồng nghĩa với “bức tử” thác nước.
 Một góc thác Năm Tầng vào mỗi dịp lễ, tết (ảnh do người dân cung cấp). TTXVN/phát

Đến thời điểm này, dự án thủy điện Đắk R’kéh vẫn chưa “chốt” được thời điểm khởi công, trong khi năng lực tài chính của nhà đầu tư cũng chưa được chứng minh rõ ràng. Thêm nữa, hàng loạt điều chỉnh của dự án để đảm bảo tuân thủ các quy định cũng như duy trì nguồn nước, cảnh quan của thác nước phía bên dưới vẫn tiếp tục gây lo ngại trong nhân dân.

Theo giấy chứng nhận đầu tư được UBND tỉnh Đắk Nông cấp cho Công ty cổ phần thủy điện Đắk Nông vào tháng 5/2008, nhà máy thủy điện Đắk R’kéh có công suất 5 MWh. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 130 tỷ đồng và sử dụng diện tích đất 268 ha, thời gian thực hiện trong các năm 2009 – 2011.

Sau nhiều lần gia hạn chủ trương đầu tư do Công ty cổ phần thủy điện Đắk Nông gặp khó khăn về tài chính, đến tháng 10/2015, UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận Công ty cổ phần thủy điện Đại An làm chủ đầu tư và hạn định cho việc khởi công dự án là ngày 1/1/2017.

“Quá thời hạn trên mà Công ty không khởi công theo quy định, UBND tỉnh sẽ thu hồi chủ trương đầu tư và không chịu trách nhiệm về các khoản chi phí mà Công ty bỏ ra để thực hiện dự án” – văn bản của UBND tỉnh Đắk Nông nêu rõ. Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, Công ty cổ phần thủy điện Đại An lại được Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông cho phép giãn tiến độ đầu tư dự án thủy điện Đắk R’kéh sang các năm từ đầu 2019 đến cuối 2020.

Theo ông Nguyễn Đức Lưu, Phó Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đại An, đơn vị đang hợp đồng với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đắk R’Lấp thực hiện giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông nêu rõ việc chuẩn bị mặt bằng phải hoàn thành muộn nhất trong tháng 12/2018.

Ông Nguyễn Đức Lưu cho biết thêm, Công ty đã có hàng loạt điều chỉnh nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và cam kết giữ gìn thắng cảnh thác Năm Tầng phía bên dưới. Cụ thể, điều chỉnh chiều cao đập chính để mực nước dâng hồ thủy điện Đắk R’kéh giảm từ 549 m xuống 546 m; hồ Đa Anh Kông từ 550 m xuống 547 m; dung tích hồ chứa giảm từ 2,22 triệu m3 xuống 0,066 triệu m3.

Nhờ điều chỉnh giảm mạnh dung tích hồ chứa nên diện tích đất mà dự án triển khai xây dựng sẽ giảm từ 268 ha như dự kiến ban đầu xuống chỉ còn hơn 19ha, loại trừ hoàn toàn diện tích đất, rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Diện tích này cũng nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng của UBND tỉnh Đắk Nông và không phải thực hiện di dân, tái định cư theo kế hoạch ban đầu.

Liên quan đến đảm bảo nguồn nước, cảnh quan cho thác Năm Tầng phía bên dưới, Công ty cổ phần thủy điện Đại An cũng điều chỉnh thiết kế từ đập tràn tự do sang cửa van điều chỉnh. Việc làm này đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho thác Năm Tầng và giải quyết hài hòa việc phát điện của Nhà máy thủy điện Đắk R’kéh và cảnh quan thác Năm Tầng.

Bên cạnh đó, Công ty đề xuất ngành chức năng tỉnh Đắk Nông chủ trương xây dựng khu du lịch sinh thái thác Năm Tầng với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chưa được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư do còn nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch; chưa phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của UBND huyện Đắk R’Lấp và nhà đầu tư cũng chưa chứng minh được năng lực tài chính đảm bảo thực hiện đầu tư theo quy định.

Đơn vị chủ đầu tư công trình thủy điện tập kết máy móc, phương tiện chuẩn bị thi công công trình. Ảnh: Ngọc Minh-TTXVN

Lý giải về việc xin dự án mới khi mà dự án cũ chậm tiến độ, nhiều lần gia hạn và đến nay vẫn chưa được triển khai, ông Nguyễn Đức Lưu cho rằng việc triển khai đồng thời dự án du lịch cùng với Nhà máy thủy điện nhằm giải quyết hài hòa, ổn thỏa cả hai vấn đề nêu trên. Việc chậm trễ là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và xin chủ trương điều chỉnh dự án liên quan tới nhiều ngành chức năng.

“Thời điểm thác Năm Tầng có nhiều khách tham quan, chúng tôi sẽ ưu tiên nguồn nước cho thác, buổi tối hoặc những lúc vắng khách sẽ ưu tiên phát điện. Nếu đơn vị nào khác được cấp phép phát triển du lịch tại thác Năm Tầng dễ phát sinh mâu thuẫn, khó giải quyết hài hòa vấn đề vận hành Nhà máy và đảm bảo nguồn nước cho thác. Công ty cam kết sẽ giữ được khung cảnh tự nhiên cho thác Năm Tầng, dù công trình thủy điện chỉ cách đỉnh thác khoảng 200 m”, ông Lưu khẳng định.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Nông, tỉnh đã từng loại bỏ dự án thủy điện Đắk Glun (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức) do lo ngại ảnh hưởng đến thắng cảnh thác Đắk Glun và du lịch địa phương. Tuy nhiên, trường hợp thủy điện Đắk R’kéh và thác Năm Tầng lại khác bởi thác này là điểm du lịch “mới nổi”.

Đến nay chưa nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Đắk Nông (theo Nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐND ngày 30/5/2012 của HĐND tỉnh Đắk Nông). Thác mới thu hút khách du lịch từ 5 – 7 năm trở lại đây, trong khi dự án thủy điện được cấp phép từ năm 2008.

Theo một số người dân tại huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, việc xây dựng thủy điện đồng nghĩa với “bức tử” thác nước. Huyện Đắk R’Lấp cũng đã có trường hợp thác Diệu Thanh (xã Nhân Cơ) bị “xóa sổ” sau khi xây dựng công trình thủy điện Đắk R’tíh.

Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp khẳng định, huyện đồng ý chủ trương của các ngành chức năng về việc xây dựng công trình thủy điện phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đề nghị các ngành chức năng và chủ đầu tư lưu ý vấn đề gìn giữ nguồn nước, khung cảnh tự nhiên của thác Năm Tầng và đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trồng lúa nước.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông cho biết, hoạt động xây dựng, cải tạo tùy tiện của người dân hai bên thác đang làm tổn hại đến vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên vốn có của thác. Tình trạng này cần sớm được chấn chỉnh, xử lý và dự án thủy điện Đắk R’kéh cũng phải giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển du lịch./.

>>> Danh mục các đập, hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục