Xây dựng và phát triển thương hiệu Nấm Bắc Giang

14:57' - 29/09/2016
BNEWS Trong những năm gần đây, nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu ở Bắc Giang phát triển mạnh mẽ, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nấm hàng hóa cho thu nhập cao.

Nhận thấy được tiềm năng này, tỉnh Bắc Giang đã và đang thực hiệu nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và từng bước đưa nấm trở thành hàng nông sản đặc trưng của tỉnh.

Trong những năm gần đây, nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu ở Bắc Giang phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh họa: TTXVN

Huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh về sản xuất nấm; trong đó chủ yếu là các loại nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, nấm mộc nhĩ. Từ năm 2013 huyện đã triển khai đề án phát triển sản xuất nấm.

Đến nay, huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nấm tập trung tại 6 xã là Tiên Lục, Nghĩa Hưng, Tân Dĩnh, Phi Mô, Tân Thanh, Mỹ Hà với 276 hộ tham gia, diện tích hơn 46 nghìn m2, tổng sản lượng nấm các loại trung bình đạt gần 2 nghìn tấn/năm, doanh thu đạt hơn 23 tỷ đồng.

Gia đình anh Đồng Văn Hiệp, ở thôn Khoát, xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang có thu nhập cao từ trồng nấm. Năm 2012 học lớp trồng nấm do huyện tổ chức về, anh tận dụng vườn nhà xây 500 m2 lán trồng mộc nhĩ, nấm sò và nấm rơm, năm đầu tiên đã thu về gần 100 triệu đồng.

Sau đó được sự hỗ trợ chuyển giao dự án trồng nấm của tỉnh, năm 2015 anh đầu tư mở rộng lán trại lên 5.000 m2, trong đó 700 m2 là nhà xưởng, mỗi vụ đưa vào sản xuất trên 300 tấn nguyên liệu nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ, thu về trên 1 tỷ đồng/năm.

Anh Hiệp chia sẻ: "Nghề trồng nấm đã giúp gia đình tôi có của ăn, của để, sản phẩm làm ra đều được các thương lái đến thu mua. Do vậy để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, chúng tôi luôn tuân thủ chặt chẽ các quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chăm sóc và thời gian thu hái".

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạng Giang Nguyễn Văn Giang cho biết, xây dựng và phát triển thương hiệu nấm, huyện đã dành hàng tỷ đồng để hỗ trợ giá giống, vật tư cho các hộ tham gia sản xuất, xây dựng khu trung tâm sản xuất bịch nấm nhằm chủ động nguồn cung cho các hộ; đầu tư cải tạo, nâng cấp đường giao thông vào khu sản xuất nấm tập trung xã Tiên Lục.

Huyện cũng đã chỉ đạo các xã thành lập ban chỉ đạo sản xuất nấm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, tích cực tuyên truyền về hiệu quả và các cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất nấm; vận động thành lập tổ sản xuất, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nấm.

Đặc biệt, huyện luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, hướng dẫn bà con nuôi trồng đúng kỹ thuật, nhằm đảm bảo sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng, hướng tới xây dựng thương hiệu an toàn cho nấm. Đầu năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể sản phẩm cho “Nấm Lạng Giang".

Mô hình trồng nấm dược liệu tại xã Cẩm Đàn, Sơn Động, Bắc Giang. Ảnh: sondong.bacgiang.gov.vn

Cùng với huyện Lạng Giang, nhiều hộ gia đình ở huyện Sơn Động cũng đã thoát nghèo, có thu nhập cao từ nghề trồng nấm. Là huyện miền núi vùng cao của tỉnh, ngoài lợi thế trồng nấm ăn, Sơn Động còn có lợi thế để phát triển các loại nấm dược liệu.

Gia đình ông Chu Văn Hồi, xã Quế Sơn, huyện Sơn Động đã chuyển đổi hơn 300 m2 đất đồi sang trồng nấm. Ngoài 3 nghìn bịch nấm mộc nhĩ, nấm sò, ông còn mạnh dạn trồng 1 nghìn bịch nấm linh chi trên thân gỗ keo.

Ông Hồi cho biết, trồng nấm linh chi trên gỗ keo rất phù hợp, trồng một lần có thể thu hoạch trong vòng 2 năm, vừa tiết kiệm lại năng suất. Đến nay, trung bình mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 70 triệu đồng.

Ngoài gia đình ông Hồi, trên địa bàn huyện Sơn Động đã có nhiều mô hình trồng nấm mang lại thu nhập cao như gia đình anh Vi Văn Công ở thôn Han 2 xã An Lập, ông Đào Lý Chí ở thôn Khuân Cầu 1 xã Quế Sơn.

Theo Bà Hoàng Thị Ninh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Động, trên địa bàn huyện có 26 hộ gia đình tham gia mô hình sản xuất nấm, cho thu nhập từ 50- 70 triệu đồng/năm.

Nhận thấy điều kiện tự nhiên và khí hậu ở địa phương phù hợp với việc phát triển trồng nấm, đặc biệt là nấm linh chi, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp dạy nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu.

Đồng thời chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình này, đưa nấm trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Để giúp các hộ thuận lợi trong việc tiếp cận kỹ thuật trồng nấm và bao tiêu sản phẩm, năm 2015 huyện đã thành lập Hợp tác xã sản xuất tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu Sơn Động. Từ 22 thành viên ban đầu, đến nay hợp tác xã có 26 thành viên, với tổng sản lượng nấm cung cấp ra thị trường năm 2015 đạt khoảng 15 tấn.

Năm 2015 huyện đã trích 50 triệu đồng, năm 2016 trích trên 100 triệu đồng hỗ trợ về phôi giống, bịch nấm cho các gia đình trồng nấm linh chi và xây dựng thương hiệu.

Giám đốc Hợp tác xã sản xuất tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu Sơn Động Nông Văn Rót cho hay, hiện nay sản phẩm nấm của Hợp tác xã vẫn chủ yếu là tiêu thụ nhỏ lẻ, do chưa có thương hiệu nên không tìm được hợp đồng bao tiêu, các siêu thị đều từ chối vì lo lắng về chất lượng và an toàn thực phẩm. UBND tỉnh Bắc Giang đã cho phép Hợp tác xã sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu huyện Sơn Động sử dụng địa danh “Sơn Động” để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho nấm Sơn Động.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có khoảng 600 hộ gia đình và hơn 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia sản xuất nấm, với diện tích gần 20 ha, sản xuất từ 7 nghìn đến 8 nghìn tấn nấm nguyên liệu/năm, sản lượng nấm tươi đạt khoảng 4 nghìn tấn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2020, sản lượng nấm toàn tỉnh đạt 8 nghìn đến 9 nghìn tấn/năm, giá trị đạt khoảng 250 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016 - 2020 Bắc Giang dành hơn 27 tỷ đồng để hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã, đầu tư nhà xưởng; xây dựng mô hình sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ sản phẩm, thông tin tuyên truyền. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng 12 mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu; trong đó có 5 mô hình hợp tác xã, 7 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với đó, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng mới 3 mô hình sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao với mức hỗ trợ 800 triệu đồng/mô hình. Hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp 4 mô hình sản xuất nấm tập trung hiện có trên địa bàn tỉnh sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao với mức hỗ trợ 350 triệu đồng/mô hình. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/mô hình...

>>> Mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên làm giàu ngay tại quê hương Bắc Giang

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục