Mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên làm giàu ngay tại quê hương Bắc Giang

16:44' - 28/09/2016
BNEWS Với niềm đam mê, mạnh dạn khởi nghiệp, quyết tâm vươn lên làm giàu ngay tại quê hương, những năm qua, nhiều dự án, mô hình kinh tế của thanh niên tỉnh Bắc Giang đã được triển khai.

Từ đó hình thành doanh nghiệp trẻ, hợp tác xã, mô hình kinh tế tiêu biểu của thanh niên, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình, và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Chủ trang trại nấm doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm

Câu chuyện khởi nghiệp của anh Đồng Văn Hiệp (sinh năm 1981) bắt đầu từ một khóa học trồng nấm do Trung tâm Dạy nghề huyện Lạng Giang tổ chức.

Trước khi đến với nghề trồng nấm, anh Hiệp đã trải qua rất nhiều nghề như làm công nhân, làm lò đốt gạch thủ công, chăn nuôi gà, lợn nhưng đều cho thu nhập thấp và không ổn định. Năm 2012, Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang phối hợp với Trung tâm giống Nấm Bắc Giang mở khóa học trồng nấm cho người dân trong xã, anh đã đến học.

Qua khóa học, anh nhận thấy trồng nấm rất phù hợp với điều kiện của địa phương vì tận dụng được diện tích vườn nhà và nguồn nguyên liệu rơm rạ có sẵn. Nghĩ vậy, anh bắt đầu tìm tòi, học hỏi, tham quan các mô hình trồng nấm khác của tỉnh.

Anh Đồng Văn Hiệp-chủ trang trại nấm doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: bacgiang.gov.vn

Tháng 4/2013 anh mạnh dạn cải tạo 500 m2 chuồng trại để làm lán trồng mộc nhĩ, nấm sò và nấm rơm. Do chịu khó tìm tòi, học hỏi, cộng với việc vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, những bịch nấm đầu tiên đều phát triển tốt, sau khi thu hoạch lại được các thương lái đến tận nhà thu mua nên năm đầu tiên gia đình anh đã thu về hơn 100 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả của mô hình này, năm 2014 anh tiếp tục mở rộng lán trại lên 1.500 m2 với hơn 10 nghìn bịch nấm, trừ chi phí gia đình anh thu về gần 200 triệu đồng.

Năm 2015, anh Hiệp được tiếp nhận chuyển giao dự án trồng nấm của tỉnh lên tới gần 1 tỷ đồng. Với số tiền được hỗ trợ, anh mạnh dạn vay vốn thêm từ ngân hàng và bạn bè để đầu tư nhà xưởng, mở rộng lán trại lên 5.000m2, trong đó 700 m2 là nhà xưởng.

Anh tiếp tục học hỏi kinh nghiệm trồng nấm ở một số nơi để áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm chi phí như lắp đặt giàn phun tưới nấm tự động, lắp đặt nồi hơi, lò hấp thanh trùng nguyên liệu, băng tải, che phủ để hạ nhiệt độ lán trại sản xuất nấm rơm vào mùa hè.

Nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật, năm 2015 tổng doanh thu từ trang trại trồng nấm của gia đình anh lên tới trên 1,2 tỷ đồng.

Không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, trang trại của anh Hiệp còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng/ người và hàng chục lao động mùa vụ. Vừa qua, anh Hiệp đã được Tỉnh Đoàn Bắc Giang tuyên dương vì có thành tích trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Mô hình làm cán chổi xuất khẩu

Lớn lên ở xã nghèo Đông Sơn của huyện miền núi Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, anh Đoàn Văn Dũng (sinh năm 1985) đã nhiều năm lặn lội đi làm thuê khắp nơi. Chính những nhọc nhằn, kinh nghiệm của năm tháng ấy đã cho anh ý chí, nghị lực trở về quê hương khởi nghiệp.

Nhận thấy nguyên liệu sản xuất cán chổi ở quê hương rất dồi dào trong khi đó nhiều nông dân lại không có việc làm, năm 2013 anh Dũng quyết định dành số tiền tiết kiệm, vay thêm bạn bè, tổng cộng được khoảng 200 triệu đồng đầu tư mở xưởng sản xuất cán chổi xuất khẩu.

Quyết định khởi nghiệp với nghề mới tại địa phương nên lúc đầu xưởng của anh gặp nhiều khó khăn về vốn, nguyên liệu đầu vào, mẫu mã sản phẩm, đặc biệt khó khăn lớn nhất là tìm thị trường cho sản phẩm. Năm đầu tiên do không có đơn hàng, sản phẩm sản xuất ra không bán được.

Không nản chí, anh Dũng bôn ba nhiều nơi từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... để tìm kiếm các cơ sở tiêu thụ chổi, chào hàng, bán với giá rẻ. Bằng nỗ lực không ngại khó khăn, sự nhạy bén, nhanh nhẹn của tuổi trẻ, cộng với chất lượng của sản phẩm, dần dần sản phẩm của xưởng đã tìm được thị trường.

Đến nay, sau gần 3 năm, xưởng sản xuất của anh đi vào hoạt động ổn định với 3 dây chuyền hoạt động, mỗi tháng xuất khẩu được gần 60 vạn cán chổi sang các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và vùng Trung Đông, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng.

Xưởng của anh còn tạo việc làm cho khoảng 20 lao động, chủ yếu là những lao động nghèo tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/tháng/người.

Với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, anh Đoàn Văn Dũng là một trong 10 mô hình phát triển kinh tế thành công, được Tỉnh Đoàn Bắc Giang tuyên dương.

Tỷ phú VAC

Về thôn Tân Mùi, xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang mọi người đều biết đến chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hảo đã thành công trong việc cải tạo khu đồi hoang thành trang trại VAC cho thu nhập hàng tỷ đồng. 

Sinh năm 1991, thành công của Hảo trên con đường phát triển kinh tế khiến nhiều người phải nể phục. Năm 2011, sau một thời gian dài tìm tòi, Nguyễn Văn Hảo nhận thấy trồng cây ăn quả đang là một xu hướng phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao.

Được sự động viên của gia đình và tạo điều kiện của các cấp chính quyền, Hảo đã chọn địa điểm thích hợp để làm trang trại trồng cây, đó là một khu đồi hoang có diện tích gần 10 ha, có hồ nước thuận tiện cho việc tưới tiêu.

Tuy nhiên đường vào đây lại rất khó khăn, chủ yếu là cây dại, để cải tạo được khu đồi này cần đầu tư rất nhiều. Nhiều người khi biết ý định của Hảo đều cho anh là "hâm", vì khu đồi hoang đã nhiều năm nay rất khó cải tạo. Tự tin vào quyết định của mình, "có sức người sỏi đá cũng thành cơm", đầu năm 2012 Hảo bắt tay thực hiện dự án.

Với số tiền khoảng gần 200 triệu đồng vay mượn từ họ hàng, gia đình, Hảo cải tạo, mở rộng, tạo mới đường sá để thuận tiện cho giao thông, sau đó san đồi, tạo vùng đất bằng phẳng để làm luống trồng cây.

Ban đầu Hảo trồng 700 cây cam canh, trên đỉnh đồi đào ao vừa để thả cá, vừa để dự trữ nước tưới cho cây vào mùa khô, xung quanh đồi anh xây dãy chuồng để nuôi lợn.

Do địa hình của trang trại nằm ở vị trí đặc biệt, bên cạnh là bìa rừng, ở dưới là hồ nước nên Hảo mày mò thiết kế và thi công hệ thống đường ống cỡ lớn chôn dọc khắp triền đồi, xen kẽ giữa các lô đất trồng cây ăn quả, đồng thời đặt các hệ thống trạm bơm di động công suất đủ lớn để đẩy nước từ dưới thung lũng chảy ngược lên núi tưới cây vào mùa khô và thoát nước vào mùa mưa.

Không phụ công người, cây ăn quả đều phát triển tốt do được chăm sóc đúng kỹ thuật. Đến nay, sau 4 năm thực hiện dự án của mình, với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng, trang trại của Hảo có 700 cây cam Vinh, 500 cây nhãn, 300 cây cam canh, 200 cây bưởi Diễn, 160 con lợn thương phẩm, ước tính tổng doanh thu mỗi năm đạt gần 2 tỷ đồng.

Hiện trang trại của Hảo tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/ tháng/ người và hàng chục lao động mùa vụ. Nguyễn Văn Hảo đã được Tỉnh Đoàn Bắc Giang khen thưởng trong chương trình Diễn đàn khởi nghiệp của thanh niên Bắc Giang vừa qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục