Xây dựng văn hóa tiêu dùng người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

08:50' - 13/03/2023
BNEWS Ban Chỉ đạo Chương trình hành động Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong năm 2023.

Nhằm tiếp tục triển khai đẩy mạnh Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động), Ban Chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động (Ban chỉ đạo Bộ Công Thương) xây dựng kế hoạch tăng cường triển khai hoạt động thực hiện hiệu quả Cuộc vận động trong năm 2023.

Chương trình nhằm mục đích tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Điều này nhằm tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng.

Bên cạnh đó, vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, tập trung vào các doanh nghiệp ngành công thương, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam, hướng tới hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và tự hào sử dụng hàng Việt Nam.

Ngoài ra, để góp phần thực hiện theo tinh thần, chủ đề điều hành của Chính phủ năm 2023, Chương trình cũng nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Đồng thời, tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp, tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch.

Hơn nữa, chú trọng vai trò quan trọng của các tập đoàn tổng công ty có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm trong sự nghiệp phát triển ngành công thương.

Mặt khác, tăng cường đổi mới xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối các nhà cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam với đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành nghề chế biến, chế tạo. Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đáng lưu ý, Chương trình cũng tập trung phát triển nền tảng thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới và các nền tảng số cho các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nhằm kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử, các nền tảng số.

Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới và công nghệ số hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, kết hợp phương thức phân phối hiện đại với phân phối truyền thống tại các địa phương, tập trung vào các vùng nông thôn với các sản phẩm chủ lực.

Đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ); trong đó, tập trung triển khai nội dung về truyền thông, xây dựng hệ thống phân phối với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam”.

Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, hàng hóa gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp./.

Tin liên quan

  • Hợp tác đưa hàng Việt vào hệ thống AEON DN cần biết

    Hợp tác đưa hàng Việt vào hệ thống AEON

    16:06' - 30/12/2022

    Hiện tại có khoảng 2.000 doanh nghiệp cung ứng hàng hoá cho AEON, chứng tỏ chất lượng và nguồn cung hàng Việt ngày càng được cải thiện, phù hợp tiêu chí thu mua cũng như yêu cầu của người tiêu dùng.


Tin cùng chuyên mục