Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

14:08' - 25/07/2023
BNEWS Chăn nuôi có hai rủi ro lớn là dịch bệnh và giá cả. Giá cả sẽ phụ thuộc vào thị trường nhưng rủi ro về dịch bệnh đến từ khâu chăm sóc vật nuôi nên có thể kiểm soát được.

Chăn nuôi Việt Nam đang có sự tăng trưởng khá hàng năm nhờ sự kiểm soát tốt an toàn dịch bệnh, đặc biệt là việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, đến nay, cả nước có 2.458 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh; trong đó, có 1 vùng cấp tỉnh, 38 vùng cấp huyện, còn lại vùng cấp xã và cơ sở. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y thế giới công nhận. Vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam cũng còn khá khiêm tốn so với sự phát triển của ngành.

Tại Tọa đàm trực tuyến Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chế biến, xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi do Báo Nông thôn ngày nay phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 25/7, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đều nhận định, chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ giúp kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo sinh kế cho người dân mà còn đưa sản phẩm chăn nuôi ra thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Quang Hiếu – Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH De Heus Việt Nam đánh giá, chăn nuôi có hai rủi ro lớn là dịch bệnh và giá cả.  Giá cả sẽ phụ thuộc vào thị trường nhưng rủi ro về dịch bệnh đến từ khâu chăm sóc vật nuôi nên có thể kiểm soát được. 

 

Để kiểm soát an toàn cho đàn giống vật nuôi, ngay từ khi đặt nền móng sản xuất, Công ty TNHH De Heus Việt Nam đã chọn vị trí sản xuất phải đảm bảo an toàn sinh học; quy hoạch tổ hợp chăn nuôi trong trang trại để giảm thiểu lây nhiễm giữa các nhóm vật nuôi; áp dụng quy trình hiện đại trong chăn nuôi, giảm rủi ro trong dịch bệnh.

Công ty áp dụng tự động hóa cao để giảm sai sót trong hoạt động của công nhân hay nguy cơ công nhân mang mầm bệnh vào trang trại… Việc xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học trong các trang trại giống được công ty áp dụng rất ngặt nghèo.

Bên cạnh đó, công ty cũng có giải pháp hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh cho khách hàng. Công ty có đội ngũ kỹ thuật rộng khắp hỗ trợ người nuôi, đặc biệt là người mới chăn nuôi từ xây dựng chuồng trại, huấn luyện, đào tạo, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng vaccine đúng….

Là một đối tác trong chuỗi sản xuất gà để xuất khẩu sang Nhật Bản của Công ty Koyu & Unitek, ông Nguyễn Minh Kha - chủ chuỗi trang trại Miền Đông cho rằng, tham gia chuỗi liên kết là mô hình tiên tiến nhất trong chăn nuôi. Trong chuỗi, “4 nhà” cần có sự ràng buộc về trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng. Người chăn nuôi chỉ cần tập trung vào chuyên môn hóa khâu chăn nuôi để chăn nuôi an toàn, giảm giá thành sản xuất. 

“Tiến tới sản xuất bền vững, sản phẩm ra được thế giới thì phải tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận các bên ký kết. Bám vào thỏa thuận để cùng đồng hành về trách nhiệm và nghĩa vụ”, ông Kha nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó Trưởng phòng Khuyến nông chăn nuôi và thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, từ năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng những mô hình thí điểm về xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh trên lợn và gia cầm ở 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ và 3 tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Thông qua các hoạt động tập huấn, đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ công nhận 188 mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức tốt các hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học cho khuyến nông viên và người chăn nuôi.

Điểm mới là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang thực hiện thí điểm tổ khuyến nông cộng đồng để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, vùng chăn nuôi an toàn. Trung tâm phối hợp cùng doanh nghiệp để nông dân sản xuất sản phẩm đạt chuẩn, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Nguyễn Văn Hưởng thông tin.

Tháng 5 vừa qua, Tập đoàn De Heus đã cùng Cục Thú y ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu giai đoạn 2023 – 2028 ở 7 tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Thỏa thuận này hứa hẹn mang lại lợi ích lớn cho ngành chăn nuôi gà tại Việt Nam nói chung và tại khu vực phía Nam nói riêng, góp phần nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm gà Việt trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Hiếu mong muốn, 7 tỉnh vùng Đông Nam Bộ có những kế hoạch mạnh mẽ hơn để thực hiện thoả thuận. Doanh nghiệp cam kết sẽ cùng các cơ quan nhà nước, địa phương hình thành các vùng an toàn dịch bệnh, cùng các chủ trang trại xây dựng chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, không kỳ vọng đem lại nhiều lợi nhuận nhưng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sẽ mang lại mục tiêu quan trọng là tiêu thụ sản phẩm để tạo việc làm, sinh kế cho người chăn nuôi. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn cần thiết sự tham gia của toàn thể xã hội với vai trò quan trọng là địa phương và doanh nghiệp. 

Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, để xuất khẩu sản phẩm động vật chế biến phải xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, địa phương cần có cơ chế chính sách, thu hút doanh nghiệp làm hạt nhân cùng phối hợp xây dựng. Mục tiêu đầu tiên là chăn nuôi an toàn để đạt hiệu quả cao, tiến đến xuất khẩu sản phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục