Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát

10:37' - 25/07/2023
BNEWS Ngành nông nghiệp Hà Nội xác định việc kiểm soát tốt dịch bệnh vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm để duy trì tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng đàn trâu tiếp tục xu hướng tăng với số lượng hiện có 28.800 con, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022; trong khi, đàn bò duy trì ở mức tương đương cùng kỳ với 129.600 con. Chăn nuôi lợn có sự phục hồi, giá thịt lợn hơi tăng nhẹ trong quý II/2023 góp phần giảm bớt áp lực về chi phí, tạo động lực các hộ chăn nuôi mở rộng đàn. Đến nay, tổng đàn lợn toàn thành phố hiện có 1,46 triệu con, tăng 4,4% so với cùng kỳ (chưa bao gồm lợn sữa 1,3 triệu con, tăng 4,1%).

Tổng đàn gia cầm cũng ghi nhận mức tăng trưởng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022, hiện đạt 40,8 triệu con; trong đó, riêng đàn gà hiện có 27,1 triệu con, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm 2022, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng từ đầu năm 2023 ước đạt 1.035 tấn, tăng 5,6%. Tương tự, sản lượng thịt bò đạt 5.411 tấn, tăng 0,1%; thịt lợn đạt 124.000 tấn, tăng 8%; trứng gia cầm đạt gần 1,4 triệu quả, tăng 4,2%.

Bên cạnh chăn nuôi, diện tích nuôi trồng thủy sản trong những tháng đã qua của năm 2023 ước đạt 22.500ha (chủ yếu là diện tích nuôi cá), tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022. So với cùng kỳ năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 56.700 tấn, tăng 3,3%

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao.

Cùng đó là dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông lâm thủy sản… Tuy nhiên, lĩnh vực chăn nuôi, thuỷ sản của Hà Nội vẫn tăng trưởng cao, góp phần vào kết quả tích cực chung của ngành nông nghiệp từ đầu năm 2023 đến nay.

 

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp hai lĩnh vực chăn nuôi - thuỷ sản của Hà Nội tăng trưởng ấn tượng trong những tháng qua của năm 2023 là việc kiểm soát tốt dịch bệnh. Ngành nông nghiệp Hà Nội xác định đây vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm để duy trì tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Cụ thể, Sở đang tiếp tục chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch bệnh; thực hiện tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Sở giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động lấy mẫu giám sát để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Cụ thể như: cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, bệnh dại động vật... Từ đó khoanh vùng, dập dịch ngay khi có dấu hiệu của dịch bệnh, đảm bảo khống chế nhanh gọn, không để lây lan ra diện rộng.

Đối với lĩnh vực thủy sản, Chi cục Thuỷ sản phối hợp với chính quyền các cấp hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tăng cường thông tin, hướng dẫn các địa phương và người nuôi thủy sản trong xử lý môi trường ao nuôi… Đặc biệt, Hà Nội chú trọng đến phát triển các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển nuôi các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá chép lai, cá rô phi đơn tính và các loại thủy đặc sản (cá trắm đen, cá lăng, diêu hồng, tôm càng xanh,...); đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; cơ chế, chính sách, chỉ đạo của Trung ương, thành phố về phát triển nuôi trồng thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm thủy sản.

Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, xây dựng nhãn hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủy sản an toàn, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, Hà Nội còn đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp quản lý của các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội, câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản; tập trung nghiên cứu, hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Tổ chức ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn đối với 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thủy sản nhỏ lẻ; kiên quyết xử lý và công khai các trường hợp vi phạm theo quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục