Xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế

10:09' - 17/11/2022
BNEWS Đà suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên rõ rệt, lạm phát được dự báo duy trì ở mức cao, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức đan xen.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV vừa diễn ra từ ngày 20/10 – 16/11, báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ trình Quốc hội ghi nhận đà suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên rõ rệt, lạm phát được dự báo duy trì ở mức cao, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức đan xen. Để làm rõ hơn vấn đề này cũng như hướng tới các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Áp lực về lạm phát trên thế giới làm cho thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp khó khăn, bởi đồng tiền của các nước mất giá, khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh. Mặt khác, với độ mở của nền kinh tế hiện nay, lạm phát ở bên ngoài cũng tạo thêm áp lực cho lạm phát trong nước.

Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập và kinh tế rộng mở, tác động như vậy rất khó tránh. Vấn đề là phải nhìn nhận sớm để phản ứng sớm, kịp thời giải quyết chứ không để nước đến chân mới nhảy.

Đơn cử đối với việc nhận định sớm tình hình ảnh hưởng khó khăn do dịch COVID-19, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43); Chính phủ cũng đã khẩn trương triển khai gói hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết. Qua đó nhanh chóng ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh, tình huống đặc thù trong bối cảnh khó khăn của đất nước.

Vậy nhưng, có hay không nên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết 43. Bởi, Nghị quyết 43 có nhiều chính sách để thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội và  khi cung một lượng tiền lớn như vậy vào thị trường sẽ tác động rất nhiều đến tỷ giá và tạo sức ép lớn lên lạm phát.

Trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khi đã nhận thức rõ áp lực lạm phát lên nền kinh tế như vậy, nên chăng cũng cần xem xét thu gọn một số chính sách theo tinh thần Nghị quyết 43 để tiết kiệm nguồn lực tài chính của đất nước, dành nguồn lực, dư địa cho giai đoạn sau, giúp giảm trần nợ công, giảm bội chi ngân sách và giảm áp lực lạm phát. Tương tự, đối với chính sách tài khóa cũng cần tính toán kỹ lưỡng tránh lãng phí nguồn lực.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp)

Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, việc xem xét thu hẹp Nghị quyết 43 tại thời điểm này là cơ sở. Nếu thúc đẩy nguồn cung tiền nhiều và sâu ra thị trường thì đương nhiên sẽ tác động mạnh mẽ tới tình hình lạm phát cho dù nhờ đó có thể giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong những tháng cuối năm 2022.

Tôi đồng tình quan điểm phải lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát làm trọng. Bởi đó, chính là một trong những yêu cầu để đảm bảo ổn định toàn diện cho nền kinh tế. Vì thế việc hạn chế tới mức thấp nhất và trong khả năng cho phép chỉ số lạm phát là điều cần thiết. Tung tiền nhiều ra thị trường có thể nguy cơ là lợi bất cập hại. Nhờ lưu thông dòng tiền, xoay chuyển nguồn vốn, nền kinh tế chắc chắn sẽ có lợi, song, nếu dòng tiền không xoay vòng thì áp lực lạm phát chắc chắn sẽ tăng rất cao, rất rủi ro mà không lường được hậu quả.

Mặc dù, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hệ thống các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát ở mức 4% nhưng trong những tháng cuối năm, nhu cầu thiết yếu tăng cao nhưng dòng tiền lưu thông trên thị trường quay chậm, giá cả thì tăng cao thì kéo theo đó lạm phát sẽ rất căng thẳng.

Tôi cho rằng, cũng cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ, không thể vì bất kỳ một vấn đề nào đó mà "tung" tiền ra ngoài xã hội nhiều quá. Cái nào cần thiết, quan trọng, cốt lõi thì làm. Còn không thì cố gắng duy trì đà như hiện nay và tập trung huy động sức dân, huy động nguồn tiền từ trong người dân hiện nay. Người dân vẫn còn tích lũy rất nhiều, chính vì lo ngại lạm phát, sợ đồng tiền mất giá nên họ không dám gửi ngân hàng nên họ mua vàng và mua ngoại tệ dự trữ.

Do đó, tại sao khu vực ngân hàng không tính tới việc này, không tìm cách tính toán, huy động nguồn lực dự trữ từ trong dân. Tăng lãi suất huy động ngoại tệ của người dân để kích thích họ gửi tiết kiệm thay vì dự trữ trong nhà luôn có nguy cơ mất an ninh an toàn. Xem ra, huy động nguồn lực từ dân còn hiệu quả hơn cả việc vay vốn ODA từ các quỹ phát triển mà vẫn phải trả lãi suất. Trả lãi cho người dân xem ra thiết thực hơn nhiều.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội)

Nếu dùng biện pháp bán ngoại tệ ra, cung ngoại tệ nhiều hơn để giữ tỷ giá thì chúng ta sẽ không thể đủ lượng ngoại tệ lớn như vậy để dự trữ. Trong trường hợp đó, buộc lòng phải nâng giá đồng tiền của mình lên, bằng cách tăng lãi suất. Như vậy, tăng lãi suất cũng là một điều cần thiết trong bối cảnh nhằm mục đích cân đối tỷ giá ổn định, đồng thời cũng bảo đảm được yêu cầu chống lạm phát như là các nước đang làm.

Tuy vậy, rất khó để nói rằng liệu lãi suất có tăng lên nữa không hay bắt đầu hạ xuống, bởi hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ thị trường. Chúng ta không thể giữ giá đồng tiền của mình không biến động, trong khi cái đồng tiền khác tăng giá, cũng như không thể giữ tỷ giá không thay đổi, tức phải chấp nhận giá đồng tiền của Việt Nam có thể phải giảm xuống ở một chừng mực nhất định. Nhưng nếu tiền mất giá nhiều cũng dẫn đến ảnh hưởng các nhà đầu tư và người dân.

Ngoài ra, cũng phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát ở mức nhất định trong bối cảnh thế giới lạm phát gia tăng để giữ cân bằng cho hoạt động xuất nhập khẩu, bởi nếu để lạm phát quá cao sẽ ảnh hưởng ngay đến đời sống, đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Phải căn cứ vào diễn biến của thị trường thế giới để từ đó điều hành các chính sách trong nước. Khi đồng tiền của các nước bắt đầu không tăng giá, lãi suất cũng được giữ ổn định thì khi đó chúng ta có thể bắt đầu giảm dần tỷ giá xuống. Hay khi cung cầu tiền tệ đã tương đối cân đối thì cũng không nhất thiết phải tăng lãi suất để thu hút quá nhiều dòng tiền nhàn rỗi, bởi tăng lãi suất hiện nay cũng có tác động 2 mặt.

Thứ nhất là sẽ hạn chế việc huy động tiền vốn vào những khu vực đầu tư mà không mang lại hiệu quả ngay, thí dụ như đầu cơ bất động sản hay vào những lĩnh vực “đầu tư chậm”. Nhưng tăng lãi suất cũng đồng thời với việc tăng lãi suất huy động, dẫn đến thu hút được tiền nhàn rỗi trong doanh nghiệp và người dân, qua đó giảm lượng tiền mặt trong lưu thông. Đó chính là biện pháp để giảm lạm phát.

Cho nên tăng lãi suất là một trong những biện pháp để chúng ta giữ cho lạm phát không tăng quá cao, nhưng nếu tăng mạnh lãi suất thì cũng có thể dẫn đến tác động tiêu cực đến chương trình trình phục hồi kinh tế và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long)

Chất lượng tăng trưởng năm 2022 được dự báo ở mức cao hơn nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt là áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm 2022 nhiều khả năng tiếp tục tạo sức ép lớn lên điều hành chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô. Điều này, có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội gia tăng chi phí sinh hoạt, tăng thêm khó khăn cho người dân.

Do đó, tôi đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu, tiếp tục mở rộng hỗ trợ tài khóa hướng đến khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, tập trung vào 2 khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng. Xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Chính phủ cũng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền và điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về giá gắn với công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cũng như hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa, thiết bị, vật tư, y tế phòng, chống dịch bệnh, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu đến mặt bằng giá cả của một số mặt hàng, tiến tới đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả trong phạm vi cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục