Xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng để Cà Mau sớm trở về trạng thái bình thường mới

16:04' - 23/09/2021
BNEWS Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Cà Mau có chủ trương tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 diện rộng.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau về những vấn đề dư luận quan tâm.

* Phóng viên: Hiện nay, dư luận đang quan tâm đến vấn đề vì sao tỉnh Cà Mau lại chủ trương xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng, xin ông thông tin rõ về chủ trương này?

* Ông Trần Hồng Quân: Ban Chỉ đạo, phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau chủ trương thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 diện rộng. Đây là việc làm rất cần thiết, đã được Ban Chỉ đạo tỉnh quán triệt, triển khai sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương này đến người dân trong toàn tỉnh.

Theo quan điểm của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, đối với người dân những địa bàn xã, phường có nguy cơ cao, tỉnh chủ trương xét nghiệm SARS-CoV-2 thường xuyên, 2-3 ngày/lần, cao điểm từ ngày 23/9 đến 30/9. Các xã, phường có yếu tố nguy cơ sẽ xét nghiệm sàng lọc 100% số hộ, khoảng 80% nhân khẩu (trừ trẻ em từ 12 tuổi trở xuống). Các xã, phường có nguy cơ nhưng vẫn là vùng tương đối “sạch” thì sẽ thực hiện xét nghiệm 100% số hộ, với khoảng 60% số khẩu (trừ trẻ em từ 12 tuổi trở xuống).

* Phóng viên: Thưa ông, việc người dân phải chi trả phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 có đúng với quy định của Bộ Y tế và tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19?

* Ông Trần Hồng Quân: Tỉnh chủ trương xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng là để chủ động kiểm tra, làm sạch địa bàn và kiểm soát, quản lý chặt chẽ các ca F0, F1, không để bùng phát lây lan trong cộng đồng. Tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương mà tổ chức xét nghiệm một cách an toàn, chủ động tính toán sử dụng nguồn kinh phí linh hoạt, hợp lý với khả năng của ngân sách địa phương và điều kiện của người dân để cùng nhau hợp tác.

Với chủ trương xét nghiệm sàng lọc COVID-19 diện rộng, khả năng về nguồn tài chính và các vật tư phục vụ xét nghiệm của tỉnh có giới hạn. Do vậy, ở những vùng nguy cơ cao, chi phí xét nghiệm do ngân sách chi trả. Với những khu vực khác, tỉnh chủ trương kêu gọi nguồn xã hội hóa, khuyến khích người dân tự nguyện xét nghiệm để bảo vệ sức khỏe, thể hiện rõ trách nhiệm đối với cộng đồng.

Vì vậy, các cấp chính quyền, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ chủ trương này của tỉnh. Từ đó, người dân sẽ chủ động cùng với chính quyền "làm sạch" dịch bệnh để bảo vệ an toàn cho sức khỏe bản thân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ đạo các địa phương xã hội hóa bằng cách vận động các nhà hảo tâm ủng hộ vật tư xét nghiệm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số đối tượng khác theo quy định.

* Phóng viên: Như ông vừa thông tin, chủ trương của tỉnh về xét nghiệm diện rộng để "làm sạch" địa bàn là việc làm rất cần thiết nhằm sớm đưa Cà Mau trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm hiện nay nếu xét nghiệm diện rộng sẽ tốn kém nhiều kinh phí và nếu không quản lý, kiểm tra chặt chẽ có thể xảy ra vấn đề tiêu cực, gây ảnh hưởng đến chủ trương chung của tỉnh. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

* Ông Trần Hồng Quân: Tôi cho rằng việc tiết kiệm chi phí là rất cần thiết nhưng nếu tiết kiệm mà để bùng phát dịch diện rộng thì đây lại là sự lãng phí vô cùng lớn. Ví dụ như trước đây ở một số địa bàn ban đầu chỉ ghi nhận vài ca F0, nếu như xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng ngay từ đầu thì có khả năng ngăn chặn được nhiều ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng và giảm bớt thiệt hại về nhiều mặt.

Tuy nhiên, sau khi các địa phương này chủ trương xét nghiệm diện rộng, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Do vậy, thực hiện phát hiện sớm, quản lý phù hợp các trường hợp F0, F1 trong cộng đồng rồi mới "mở cửa'', phát triển kinh tế - xã hội sẽ tốt hơn, khôi phục kinh tế nhanh hơn và người dân cũng thấy an tâm, thoái mái hơn…

Việc thực hiện xét nghiệm COVID-19 ở Cà Mau là không có chuyện tiêu cực, bởi cơ quan chức năng tỉnh quy định rất rõ, công khai, minh bạch và hướng dẫn cụ thể cho tất cả các huyện, xã, các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng cũng như cộng tác viên cơ sở.

Sở Y tế tỉnh đã có hướng dẫn; cho phép một số công ty dược trong tỉnh công bố công khai, cụ thể những loại vật tư, giá cả sản phẩm dùng để xét để mong người dân có sự chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Ngoài ra, tất cả vật tư, sản phẩm xét nghiệm phải nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.

Thực tế, nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau đã phát sinh ca dương tính với SARS-CoV-2 và trở thành chùm ca bệnh trong cộng đồng. Bởi vì rất khó nhận biết được chủng virus nguy hiểm này (chủng Delta) đang hiện diện ở đâu. Do vậy, nếu tỉnh ‘‘mở cửa’’ trở lại mà không an toàn, vẫn còn lo lắng, nghi ngờ và nếu dịch COVID-19 bùng phát bất ngờ, lúc đó người dân sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống rất nhiều và kinh tế, xã hội của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng.

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau có chủ trương là phải có xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng để kiểm soát, cách ly y tế và quản lý hiệu quả đối với các trường hợp F0, F1 nhằm đảm bảo làm sạch dịch bệnh trong cộng đồng, để sớm đưa tỉnh trở về trạng thái bình thường mới.

Tỉnh nhận rõ việc xét nghiệm diện rộng dù có tốn kém nhưng cái lợi thu được lớn nhất là sàng lọc kỹ, sớm phát hiện ca bệnh F0 ở các địa phương nhằm kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Điều này sẽ mang kết quả là người dân có sự yên tâm hơn, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh cũng nhanh chóng khôi phục và phát triển tốt hơn...

* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục