Xét tuyển đại học bằng kỳ thi đánh giá năng lực: Làm sao để đảm bảo công bằng?

15:48' - 29/03/2022
BNEWS Hướng tới giảm dần chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, năm 2022, nhiều trường đại học tốp đầu đã tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực.

Do đó, nhiều học sinh đã đăng ký tham dự kỳ thi này bên cạnh việc tập trung ôn tập các môn thi truyền thống của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

 

Ghi nhận việc năm nay các cơ sở giáo dục đại học sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, đó cũng là ưu điểm của tự chủ đại học.

Tuy nhiên, các trường cũng phải tăng trách nhiệm giải trình với người học và xã hội. Đồng thời, phải bảo đảm công bằng cho các thí sinh giữa các phương thức khác nhau và đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định.

Đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần phải có lộ trình giảm (ví dụ không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm), không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh.

Chia sẻ cụ thể về phương án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Năm 2022, các phương án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội cơ bản ổn định như năm 2021. Tuy nhiên, chỉ tiêu phân bổ theo từng phương thức có thể thay đổi.

Các ngành/nhóm ngành đào tạo có điểm chuẩn cao sẽ dành nhiều chỉ tiêu hơn cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực (HSA).

Cách thức xét tuyển năm 2022 cũng sẽ linh động hơn đối với các trường/khoa về thời gian. Các đơn vị sẽ có kế hoạch xét tuyển phù hợp để bảo đảm quyền lợi của học sinh từ các nguồn tuyển và tuyển chọn được các thí sinh chất lượng.

Đến thời điểm hiện tại, nếu kể cả các khoa/trường trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Thái Nguyên, sẽ có hơn 60 đơn vị đào tạo sử dụng kết quả bài thi HSA để tuyển sinh.

Trước băn khoăn của học sinh, phụ huynh về việc các thí sinh ở vùng khó khăn không thể ra thành phố lớn để thi đánh giá năng lực sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khi xét tuyển, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo cho rằng: Hầu hết các trường đại học đều sử dụng tối thiểu 3 phương thức tuyển sinh. Do đó, thí sinh có nhiều con đường để vào đại học.

Đối với bài thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ lệ phí cho thí sinh thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, thí sinh dân tộc, miền núi... Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tổ chức thi tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để mang kỳ thi đến gần với thí sinh hơn, tạo điều kiện địa lý thuận lợi cho thí sinh.

Bên cạnh đó, bài thi HSA chỉ thực hiện trong 1 buổi, thí sinh được phép lựa chọn ca thi (giờ thi) nên càng chủ động kế hoạch di chuyển. Với các thí sinh bộ đội cũng không gặp khó khăn gì nếu được phép tiếp cận internet để đăng ký ca thi trực tuyến. Thời gian đăng ký cũng chỉ mất tối đa 5-10 phút. Quyền lợi của thí sinh bộ đội hay thí sinh tự do là như nhau.

Với mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, góp phần tuyển chọn được những thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo, năm 2022, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực vào tháng 3 và tháng 5, tại 17 địa phương. Kỳ thi đợt 1 vừa diễn ra ngày 27/3 đã thu hút lượng thí sinh đông nhất từ trước đến nay (gần 80.000 thí sinh), với 36 cụm thi và 80 địa điểm thi.

Năm nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến dành tối thiểu 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng hình thức thi đánh giá năng lực. Đặc biệt, kết quả kỳ thi này được hơn 80 trường đại học, cao đẳng ngoài Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng để tuyển sinh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), năm nay, thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng vào các trường, đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên, từ cao xuống thấp. Sau khi kết quả thi được công bố, thí sinh có thể đăng ký bổ sung và sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng xét tuyển.

Đối với thí sinh đã đăng ký thi đánh giá năng lực nhưng không thể dự thi đợt 1 do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ để các em thi đợt 2 mà không phải đóng lệ phí dự thi.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với kỳ thi đánh giá tư duy cũng thu hút đông đảo thí sinh đăng ký dự thi và hơn 20 trường đăng ký tham gia lấy kết quả xét tuyển trong năm 2022.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Hải, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Năm nay, nhiều trường đại học, đặc biệt là trường khối ngành kỹ thuật công nhận và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh làm quen với kỳ thi, nhà trường đã tổ chức các đợt thi thử, giúp thí sinh tiếp cận với dạng bài thi và nội dung kiến thức cần ôn tập.

Trước thực tế các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy đang thu hút thí sinh dự thi để tăng cơ hội xét tuyển vào đại học, một số cá nhân, tổ chức đã thông báo chiêu sinh các lớp luyện thi cấp tốc dưới hình thức học online. Tuy nhiên, đại diện các cơ sở đào tạo đều khẳng định, không tổ chức các khóa ôn luyện kỳ thi này, các thí sinh cần lưu ý, tránh “tiền mất, tật mang”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội không phát hành cuốn sách hay bất cứ tài liệu nào trong kỳ thi đánh giá tư duy. Những cuốn sách có ghi "theo cấu trúc đề thi của Đại học Bách khoa Hà Nội" hoàn toàn không phải mẫu đề của nhà trường.

Để tránh những thông tin mạo danh, đánh vào tâm lý người dự thi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền chia sẻ: Các thí sinh nên tự ôn thi, tự học và tham gia kỳ thi thử do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Kỳ thi đánh giá tư duy không khuyến khích khóa luyện, khóa ôn, học tủ, học lệch, học thêm.

Mục tiêu của kỳ thi là tuyển chọn thí sinh có năng lực tư duy tốt, phù hợp với các ngành đào tạo kỹ thuật và công nghệ.

Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo lưu ý: Để làm tốt bài thi đánh giá năng lực, việc đầu tiên là thí sinh phải quen với cấu trúc bài thi, dạng thức câu hỏi.

Vì thế, thí sinh nên làm đề tham khảo trước khi đăng ký dự thi và trước 1-2 ngày thi. Cùng với đó, thí sinh nên có kế hoạch học tập thật nghiêm túc, tránh sa đà vào các nhóm luyện thi, mất thời gian mà kết quả không mấy khả quan.

Đề thi đánh giá năng lực yêu cầu thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông để vận dụng từ thấp đến cao chứ không phải câu hỏi mẹo, câu hỏi khó hoặc đánh đố...

Muốn dự thi đánh giá năng lực, thí sinh hãy dành thời gian đọc và tìm hiểu về kỳ thi tại trang web chính thức của Đại học Quốc gia Hà Nội, không nên lan man trên các diễn đàn. Việc tìm hiểu sẽ giúp thí sinh hiểu và yên tâm hơn về kỳ thi, đợt thi, từ đó, có kế hoạch ôn tập, đăng ký thi phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục