​Xét xử vụ AIC: AIC trúng thầu do “cài thầu, thông thầu” là nguyên nhân thiệt hại vụ án

21:24' - 27/12/2022
BNEWS Luật sư Phạm Kỳ Dương bào chữa cho bị cáo Nguyễn Công Tiến cho rằng, việc Công ty AIC trúng thầu do gian lận, “cài thầu, thông thầu” là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại trong vụ án.

Ngày 27/12, tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo, luật sư Phạm Kỳ Dương bào chữa cho bị cáo Nguyễn Công Tiến (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thẩm định giá và tư vấn đầu tư xây dựng Thế hệ mới) cho rằng, việc Công ty AIC trúng thầu do gian lận, “cài thầu, thông thầu” là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại trong vụ án.

 

Công ty AIC trúng thầu là kết quả của câu kết tập thể

Phân tích về luận điểm này, luật sư đã trích lời khai của bị cáo Nguyễn Trí Tuân (Trưởng nhóm Hồ sơ - Ban Quản lý dự án 1, Công ty AIC) về việc: Do tham gia nhiều lĩnh vực, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho lập ra nhiều công ty thành viên, công ty hợp tác để thuận tiện trong lập, báo giá, tham gia dự thầu, trong đó có Công ty Mopha, Công ty Cổ phần uy tín Toàn cầu, Công ty Cổ phần công nghệ cao, Công ty Cổ phần thiết bị Y tế và Môi trường.

Gói thầu 52 có 4 nhà thầu mua Hồ sơ dự thầu, bao gồm: Công ty Cổ phần thiết bị Y tế và Môi trường, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Công ty Trách nhiệm hữu hạn dược phẩm trang thiết bị y tế T.D, Công ty Cổ phần Mopha. Khi nộp Hồ sơ dự thầu, chỉ có 3 công ty, trong đó có Công ty AIC và hai “quân xanh” của Công ty AIC. Luật sư phân tích, do bị “cài thầu” nên chỉ có Công ty AIC và hai công ty “quân xanh” mà không có nhà thầu khác tham gia, đảm bảo cho Công ty AIC hoặc Công ty thay thế AIC là đơn vị trúng thầu. Việc lập hồ sơ mời thầu, xét Hồ sơ dự thầu không đúng quy định là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Luật sư Dương nêu quan điểm: Kết quả Công ty AIC trúng thầu có trước khi bị cáo Nguyễn Công Tiến phát hành Chứng thư Thẩm định giá, việc Công ty AIC trúng thầu là kết quả của câu kết tập thể. Chứng thư có phát hành hay không, động tác “cài thầu” vẫn thực hiện xong và kết quả là Công ty AIC chắc chắn trúng thầu.

Mặt khác, theo luật sư, việc thu thập báo giá tại thời điểm năm 2013 đối với thiết bị y tế là rất khó khăn. Bị cáo Nguyễn Công Tiến khai: “Thiết bị y tế chuyên dụng là rất khó khăn trong việc xác định giá và thu thập các báo giá. Do vậy, tôi phải đồng ý với đề nghị của Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC Nguyễn Thị Thúy Nga và hiểu là toàn bộ giá của máy móc, vật tư, thiết bị của các gói thầu sẽ do phía chị Nga cung cấp và báo giá kèm theo”.

Luật sư cho biết, sau khi vụ án bị phát hiện, bị cáo Tiến đã rất ăn năn, hối hận và chủ động hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ án. Mặc dù trong vụ án này, bị cáo Tiến không được hưởng bất kỳ lợi ích vật chất nào, nhưng bị cáo đã tác động với gia đình tự nguyện nộp 100 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả. Luật sư mong mỏi Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc, xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tiến thấp hơn mức đề nghị từ 6 -7 năm tù của đại diện Viện Kiểm sát.

Công ty AIC có nhiều việc làm mạo hiểm

Tự bào chữa trước Tòa, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (lãnh đạo duy nhất của Công ty AIC có mặt tại phiên xét xử) cho rằng, thời gian đầu, Nga có quan hệ thân thiết với bị cáo Nhàn. Sau đó phát sinh nhiều mâu thuẫn, Nga mở công ty ra làm riêng. Theo bị cáo Nga, do “Công ty AIC có nhiều việc làm mạo hiểm nên bị cáo quyết định đi con đường riêng".

Bị cáo Nga cho biết, thời điểm thực hiện đấu thầu dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo chỉ là Trưởng ban, làm việc theo giấy ủy quyền của bị cáo Nhàn. Do mỗi người trong công ty thực hiện các khâu khác nhau, bị cáo không thể chỉ đạo cấp dưới làm trái pháp luật.

Sau đó, Nga không xin giảm nhẹ hình phạt cho mình nhưng đề nghị tòa giảm nhẹ cho những người từng là cấp dưới.

Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga đã giúp sức tích cực cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn thực hiện hành vi: Nhiều lần cùng Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp gỡ, tiếp xúc với Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh ủy, Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đặt vấn đề chỉ đạo thực hiện tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật; ký toàn bộ hồ sơ kỹ thuật tham gia thầu, điều chỉnh thời hạn thực hiện hợp đồng; chỉ đạo nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu của Dự án Bệnh viện Đồng Nai với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng, gây thiệt hại trên 148 tỷ đồng.

Xác định vai trò của bị cáo

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội), luật sư Nguyễn Văn Tú lập luận, xét về vai trò, bị cáo Thuyết chỉ là thứ yếu. Như Viện Kiểm sát nhận định trước đó, đây là vụ án đồng phạm, số lượng doanh nghiệp là "quân xanh" lên tới 8 và Công ty Thành An chỉ là một trong số đó.

Theo luật sư, bị cáo Thuyết chỉ đại diện cho Công ty Thành An Hà Nội ký hồ sơ dự thầu. Công ty được hưởng lợi gần 2 tỷ đồng trên tổng thiệt hại 152 tỷ đồng bị quy kết của vụ án. Luật sư cho rằng: "Sự hưởng lợi với tỷ lệ thấp, chứng minh vai trò của bị cáo là thứ yếu trong vụ án".

Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Thuyết đã gửi bản tường trình từ Mỹ về Hội đồng xét xử trình bày nội dung vụ án và hành vi cá nhân. Bị cáo Thuyết xin được xét xử vắng mặt và xin chấp nhận mọi phán quyết của Tòa. Xác định đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Thuyết, luật sư Tú đã đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo Thuyết được hưởng án treo, thấp hơn mức đề nghị từ 3-4 năm tù của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục