Xét xử vụ án ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ: Tòa trả hồ sơ để làm rõ dòng tiền liên quan Công ty Việt Á

19:29' - 17/07/2024
BNEWS Sau khi nghị án lần 2 vào ngày 16/7, Hội đồng xét xử đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra làm rõ dòng tiền trong vụ án.
Ngày 17/7, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã tuyên trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ liên quan Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Trần Tiến Lực (sinh năm 1987), nhân viên kinh doanh Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á; Phạm Ngọc Thùy (sinh năm 1987) và Đỗ Thị Yến Phương (sinh năm 1990), cùng là nhân viên xét nghiệm của Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Đa khoa thành phố Cần Thơ.

Theo đó, sau khi nghị án lần 2 vào ngày 16/7, Hội đồng xét xử đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra làm rõ dòng tiền trong vụ án.

 
Theo cáo trạng, từ năm 2017-2021, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ sử dụng kit xét nghiệm kèm hóa chất do Việt Á sản xuất. Các loại kit và hóa chất đi kèm để xét nghiệm Viêm gan B, viêm gan C, Lao, Geno type C.

Cáo trạng cáo buộc, trong thời gian phối hợp thực hiện hợp đồng mua bán kit xét nghiệm và hóa chất, vào cuối năm 2017, Trần Tiến Lực thông tin với Thùy và Phương nếu quá trình xét nghiệm có tiết kiệm được hóa chất thì Công ty Việt Á sẽ hỗ trợ mua lại.

Từ đó, các bị can thống nhất cách thực hiện bằng cách đưa vào đơn hàng mua sắm của Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ số lượng kit và hóa chất xét nghiệm nhiều hơn số lượng cần sử dụng. Số lượng nhiều hơn đó được giao bằng hàng khống là nước lọc.

Bệnh viện đã chi trả cho số hàng khống số tiền 1,9 tỷ đồng, Công ty Việt Á giữ lại hơn 672 triệu, chi lại cho Phương, Thùy thông qua Lực gần 1,25 tỷ. Ba bị cáo đã chiếm đoạt 1,25 tỷ đồng và gây thiệt hại cho bệnh viện hơn 672 triệu.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Cần Thơ nhận định, vì lòng tham, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, bị cáo Đỗ Thị Yến Phương và Phạm Ngọc Thuỳ đã cấu kết với bị cáo Trần Tiến Lực đặt mua hàng khống tương đương với hàng thật để tham ô tài sản của bệnh viện. Trong vụ án, bị cáo Phương và Thuỳ có vai trò ngang nhau. Từ gợi ý của Lực, hai bị cáo cùng nhau thực hiện hành vi nâng khống, đặt mua kit xét nghiệm khống và chia nhau số tiền thu lợi bất chính. Còn bị cáo Lực đã giúp sức cho Phương và Thuỳ thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo không có hưởng lợi nên có vai trò thấp hơn.

Quá trình điều tra, các bị cáo có tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhân thân tốt, các bị cáo đã tác động khắc phục hậu quả và đại diện bị hại là Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo Phương và Thuỳ.

Xét tính chất, mức độ hành vi, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt hai bị cáo Phương và Thuỳ mức án từ 15-16 năm tù, bị cáo Lực 7-8 năm tù về tội tham ô tài sản.

Sau khi nghe Viện Kiểm sát công bố cáo trạng, hai bị cáo Phương và Thuỳ đều thừa nhận mình có tội nhưng mong Hội đồng xét xử xem xét lại số tiền cáo buộc và tội danh. Bị cáo Phương và Thuỳ khai chỉ nhận mỗi người 400 triệu đồng. "Bị cáo chỉ nhận 400 triệu đồng, quy kết tội danh tham ô quá nặng cho bị cáo", bị cáo Thuỳ nói.

Còn bị cáo Lực cho rằng bản thân không gợi ý về việc chia hoa hồng, bị cáo cũng không có hưởng lợi.

Tranh luận tại toà, luật sư bào chữa cho bị cáo Phương và Thuỳ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh cho các bị cáo và đề nghị Viện Kiểm sát làm rõ dòng tiền bị chiếm đoạt. Hội đồng xét xử cũng đề nghị Viện Kiểm sát tranh luận làm rõ vấn đề này, tuy nhiên Viện Kiểm sát không tranh luận mà đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục