Xu hướng chuyển đổi số báo chí: Bài 1: Tạo nội lực để chuyển đổi số thành công

08:52' - 18/06/2022
BNEWS Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông sẽ diễn ra mạnh mẽ và rất nhanh chóng.

Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội mà báo chí trong thời kỳ mới phải là "bộ lọc" thông tin, giải đáp hướng dẫn, phân tích, chỉ ra được bản chất của các hiện tượng, câu chuyện, vấn đề trong xã hội để bảo đảm thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, phát triển theo hướng hiện đại.

Sự chuyển dịch phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng, dẫn dắt (gợi ý) người dùng diễn ra nhanh chóng và là xu thế chủ đạo, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tổ chức, vận hành, quản lý hoạt động theo mô hình mới (đa nền tảng, tăng tính tương tác...) để có thể đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Chùm bài "Xu hướng chuyển đổi số báo chí" được thực hiện nhằm chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong việc chuyển đổi số của các cơ quan báo chí; đồng thời đề ra các giải pháp của các cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ báo chí trong việc chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Bài 1: Tạo nội lực để chuyển đổi số thành công

Xác định xu thế tất yếu là chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất, thực hiện các mô hình kinh doanh báo chí mới để đa dạng hóa nguồn thu, giảm lệ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới và doanh thu quảng cáo.

* Tối ưu hóa mô hình tổ chức hoạt động

Hiện nay, một số cơ quan báo chí đã tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata…

Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hay VietnamPlus, VnExpress, Zing…

Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang…

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, TTXVN đã bắt đầu tổ chức đầu tư rất sớm cho phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ báo chí.

Từ đầu những năm 1990, TTXVN đã xây dựng các phần mềm soạn thảo trên máy tính cũng như thực hiện thu phát thông tin trên môi trường số và điện tử để phục vụ công tác của ngành; tiếp đó, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin được đầu tư, phát triển nhằm phục vụ từng nhiệm vụ cụ thể.

Riêng đối với công tác sản xuất thông tin, hiện tại toàn bộ các đơn vị sản xuất tin nguồn của TTXVN được trang bị hệ thống phần mềm tác nghiệp dùng chung do TTXVN đầu tư phát triển và giữ bản quyền. Các đơn vị tòa soạn của TTXVN cũng đã thực hiện tin học hóa toàn bộ quy trình sản xuất.

Hầu hết tòa soạn đã được xây dựng các báo hoặc trang thông tin điện tử cùng với các hệ quản trị nội dung đi kèm. Đối với nhiệm vụ chỉ đạo thông tin, việc hỗ trợ công tác điều hành sản xuất thông tin đã được xây dựng trong các hệ thống tác nghiệp trực tuyến.

Nhiều công nghệ về điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng tại TTXVN (dù quy mô còn nhỏ) như: Chatbot thông minh, nhận dạng tiếng nói, tổng hợp tiếng nói, nhận dạng hình ảnh...

TTXVN cũng đang tập trung triển khai 3 hoạt động ứng dụng công nghệ: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao khả năng phổ biến thông tin, tiếp cận độc giả trên các kênh thông tin điện tử chính của TTXVN; ứng dụng công nghệ thông minh, hiện đại hóa hệ tác nghiệp thông tin đa phương tiện của TTXVN; phát triển các hệ thống tự động hóa, kết nối dịch vụ số hóa, định danh điện tử trong hệ thống hành chính quốc gia cũng như để tạo ra các kênh thông tin mới của TTXVN.

TTXVN đã bước đầu xây dựng trung tâm dữ liệu chính tại Hà Nội và Trung tâm dữ liệu dự phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu tập trung.

Về cơ bản, hạ tầng máy chủ tại các trung tâm dữ liệu được đầu tư khá tốt. Hệ thống máy chủ hiện nay của TTXVN đã được xây dựng trên nền tảng ảo hóa và được quy hoạch trên các cụm phần cứng hiệu suất cao, kết nối với các hệ thống lưu trữ SAN với kiến trúc mở và mềm dẻo.

Để bảo vệ trung tâm dữ liệu, TTXVN đã tổ chức được hệ thống đảm bảo an toàn thông tin nhiều lớp, sử dụng kết hợp các tường lửa, thiết bị phát hiện và chống tấn công, hệ thống giám sát, cảnh báo kết hợp với quy trình quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO27001.

Đáng chú ý, ngày 10/12/2021, Quyết định phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số của TTXVN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được ban hành, hướng đến mục tiêu ứng dụng, khai thác công nghệ số, dữ liệu số, các công cụ thông minh trong đa dạng các hoạt động của ngành; tập trung vào các khâu: nâng cao hiệu quả điều hành, quản trị, thu thập, phân phối, xử lý thông tin nhằm gia tăng hiệu quả trong quản lý, điều hành và sản xuất thông tin, đảm bảo chất lượng thông tin và xây dựng được các mô hình truyền thông mới. Hướng tới mục tiêu chung là xây dựng TTXVN thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực quốc gia.

Nhóm phóng viên TTXVN tác nghiệp tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37, tháng 11/2020. Ảnh: TTXVN

Là một trong những báo điện tử hàng đầu ở Việt Nam, VnExpress ngay từ khi thành lập đã xác định vai trò không thể tách rời, có tính chất quyết định của công nghệ trong hoạt động đặc thù của loại hình báo chí điện tử.

Việc áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu, ngữ cảnh và Maching Learning (máy tự học) đã giúp tối ưu hóa nhân lực, tăng tốc độ xuất bản nội dung, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, trực quan... Theo đó, VnExpress xác định rõ Data (nguồn dữ liệu) chính là "kho dầu thô" quý giá cần khai thác triệt để nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả trong thời đại chuyển đổi số.

Ban biên tập phân loại từng thể loại tin bài có thể áp dụng thuật toán Al để trực quan hóa hình thức thể hiện, giúp độc giả dễ dàng tiếp nhận, so sánh các thông tin.

Trên cơ sở thu thập hành vi, thói quen của 40 triệu độc giả thường xuyên, hệ thống xuất bản đã phân tích và tự động đề xuất các nội dung theo sở thích của người đọc.

VnExpress cũng xác định tiêu chí lấy độc giả là trung tâm, phát triển đa dạng các bài trực quan, tăng tương tác, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho người dùng.

Hệ thống CMS tối ưu, liên tục được nâng cấp giúp VnExpress làm chủ hệ thống xuất bản hiện đại, giúp phóng viên, biên tập viên có thể xử lý tin bài ở bất cứ đâu...

Bên cạnh đó, nhiều tờ báo ở địa phương đã có những sự thay đổi đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi số. Tiến sỹ Nguyễn Tri Thức, Tạp chí Cộng sản nhận định: Không chỉ tích hợp về mặt nội dung, nhiều tòa soạn đã tích hợp cả nhân  lực, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin từ báo in, báo mạng điện tử, sản xuất nội dung video, sử dụng các trang mạng xã hội với những fanpage để quảng bá, chuyển tải thông tin một cách đa dạng, nhanh chóng tới công chúng. Nhiều cơ quan báo đảng địa phương còn thường xuyên tổ chức các buổi tường thuật trực tiếp trên báo điện tử của mình nhân những sự kiện lớn của địa phương.

Có thể dễ dàng kể ra những sự thay đổi tích cực của các tòa soạn báo đảng địa phương nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số, như: Tuyên Quang, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương…

Mỗi cơ quan báo đảng địa phương đều được đầu tư nguồn nhân lực, vật lực nhiều hơn, tập trung hơn để có thể trở thành những kênh thông tin quan trọng, chiếm lĩnh nhiều mặt trận thông tin trên các nền tảng, loại hình khác nhau, để đáp ứng một cách nhanh nhất, chính xác, hiệu quả nhất thông tin về mọi mặt, tất cả các lĩnh vực xảy ra trên địa bàn địa phương mình và những vấn đề nổi bật, đáng quan tâm ở trong nước và trên thế giới. Chắc chắn chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo đảng địa phương đến gần với công chúng hơn.

 

* Báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số

Theo thống kê của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 30/11/2021, đã có 259/816 cơ quan báo chí có phiên bản điện tử  (trong đó, 230 báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử; 29 báo chí điện tử độc lập (không có bản in); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình; 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.

Ngoài ra, có 224 cơ quan báo chí (164 cơ quan báo chí trung ương; 60 cơ quan báo chí địa phương) thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử. Có 227 chuyên trang của 88 cơ quan báo chí điện tử, gồm: 178 chuyên trang của 62 cơ quan báo chí Trung ương; 49 chuyên trang của 26 cơ quan báo chí địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan báo chí chưa có phiên bản điện tử hay trang thông tin điện tử, chuyên trang, tập trung phần lớn ở khối tạp chí, nhất là tạp chí khoa học.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế - xã hội trong nước, nhưng cũng đem lại cơ hội tăng tốc chuyển đổi số quốc gia. Với tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển đất nước bắt kịp với xu thế của thời đại, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số".

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam.

Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung.

Nhận định về những điều kiện thuận lợi trong việc báo chí chuyển đổi số, trong bài viết "Báo chí, truyền thông trong xu thế chuyển đổi số", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Hà, Đại học Đại Nam nêu rõ: Báo chí truyền thông là một trong những ngành quan trọng trong hệ thống nền kinh tế quốc dân, một lĩnh vực luôn phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội. Để thực hiện tốt các chức năng của mình, báo chí truyền thông không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, thậm chí cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông trước hết chính là việc sử dụng các công cụ, giải pháp công nghệ số để đổi mới mô hình, cách thức tác nghiệp, sản xuất, phân phối nội dung theo hướng tối ưu hóa mô hình tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí truyền thông.

Đây chính là hoạt động ứng dụng công nghệ số để làm mới quy trình truyền thống trong sáng tạo và phân phối cũng như hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ báo chí truyền thông.

Để thực hiện bước chuyển này, các đơn vị, chủ thể hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông phải thực hiện số hóa thông tin liên quan đầu vào của hoạt động báo chí truyền thông và số hóa các quy trình tác nghiệp.

Thực chất là chuyển đổi thông tin trên giấy và các quy trình thủ công thành định dạng kỹ thuật số, là sử dụng công cụ kỹ thuật số để tự động hóa và cải thiện cách làm việc hiện tại.

Đây được xem là bước khởi đầu của quá trình chuyển đổi số và hiện nay nhiều cơ quan báo chí truyền thông ở Việt Nam đã, đang triển khai, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Hà, chuyển đổi số báo chí truyền thông hiện nay ở Việt Nam có nhiều thuận lợi, trước hết là quyết tâm chính trị và chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở cấp chiến lược. Tháng 9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số". Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, theo đó hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số; đồng thời, Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành giai đoạn 2021 - 2025 gồm 5 danh mục dự án: Hạ tầng số, nền tảng số, phát triển dữ liệu, ứng dụng - dịch vụ và an toàn thông tin. Việc triển khai kế hoạch này sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi số báo chí truyền thông lĩnh vực quan trọng trong hoạt động thông tin và truyền thông nói chung.

Đáng chú ý, ở Việt Nam hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao (hơn 70% người dân sử dụng Internet, thiết bị thông minh); dân số Việt Nam trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh, được đào tạo tương đối tốt, lao động chăm chỉ, có truyền thống hiếu học... là những lợi thế cho quá trình chuyển đổi số nói chung, trong lĩnh vực báo chí truyền thông nói riêng.

Ngoài ra, do điều kiện lịch sử trong phát triển, quá trình hiện đại hóa, số hóa muộn hơn so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam chưa bị trói buộc vào các công nghệ cũ và có tiềm năng để ứng dụng các công nghệ mới. Đây chính là lợi thế của nước đi sau trong tiến trình hiện đại hóa.

(Bài 2: Con đường tất yếu)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục