Xu hướng nhà thông minh ở Việt Nam khá tương đồng với thế giới

16:34' - 01/07/2022
BNEWS Với nhu cầu ngày càng cao và sự bùng nổ của công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)…, thị trường nhà thông minh (Smart Home) hứa hẹn sẽ bùng nổ tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng giám đốc VNPT Technology, về mặt tiềm năng thị trường, Smart Home Việt Nam đang phát triển khá tương đồng với xu thế chung của thế giới.

Theo số liệu thống kê, thiết bị Smart Home thâm nhập hộ gia đình của Việt Nam hiện nay khoảng 11,9% tương ứng với 12,3% của thế giới. Tỉ lệ tăng trưởng CAGR 2020-2026 là  17,28% có phần nhỉnh hơn so với thế giới là 13,3%.

Về các công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực nhà thông minh, hiện nay các các nhà phát triển trong nước chưa làm chủ hoàn toàn những công nghệ lõi, tuy nhiên đã phát triển những công nghệ ứng dụng mới nhất để có thể đưa vào những tiện ích của công nghệ trong lĩnh vực nhà thông minh.

Hiện nay, có rất nhiều giải pháp nhà thông minh trên thị trường, trong đó giải pháp nền tảng kết nối ngôi nhà thông minh “Make in Vietnam” như ONE Home của Công ty VNPT Technology đem lại trải nghiệm dịch vụ tốt và an toàn cho khách hàng.

Trước lo ngại về các thiết bị IoT phục vụ gia đình phải đảm bảo an toàn và an ninh thông tin, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm và Giải pháp, Công ty VNPT Technology cho rằng, điều quan trọng nhất là làm chủ công nghệ thì mới có thể phòng ngừa những lỗ hổng về an toàn và an ninh.

Với giải pháp ONE Home, VNPT Technology chủ động hoàn toàn từ công đoạn nghiên cứu, thiết kế phát triển và sản xuất Phần mềm ứng dụng, Phần mềm nền tảng cho tới Phần cứng và firmware, toàn bộ hệ thống và dữ liệu của người dùng đều được lưu trữ và đặt tại Việt Nam.

Trong mô hình triển khai, công ty cũng khá linh hoạt, khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ trên Cloud, hoặc tùy chọn hệ thống xử lý tại chỗ với công nghệ Edge Computing, toàn bộ dữ liệu của khách hàng được lưu trữ và xử lý tại chính thiết bị trung tâm đặt tại hộ gia đình.

Ông Hải cho biết, ngoài rào cản về mặt chi phí và lo ngại về an toàn an ninh thông tin, quyền riêng tư thì vấn đề phức tạp trong việc cài đặt cũng là một rào cản lớn.

Về vấn đề này, VNPT Technology có hai hướng giải quyết: Thứ nhất cải tiến trong chính các sản phẩm hướng tới việc đơn giản dễ sử dụng mà khách hàng có thể tự làm được (Do it yourself), đối với phần mềm thân thiện dễ sử dụng.

Thứ hai, đối với các thiết bị cần lắp đặt và triển khai như các dạng thiết bị gắn vào tường, gắn vào thiết bị điện khác như các dạng công tắc điện, cơ cấu đấu nối …, VNPT Technology hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ (CSP) với mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật và triển khai rộng khắp 63 tỉnh thành, tới tận các xã/phường đều có những người phụ trách.

Hiện nay có một xu hướng đó là thay vì mua sản phẩm thì khách hàng hướng tới mua dịch vụ. Khách hàng chỉ cần quan tâm tới dịch vụ mà mình sử dụng, trải nghiệm có tốt không, mà không phải quan tâm tới từng sản phẩm riêng lẻ cấu thành dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ sẽ là người chịu trách nhiệm để làm thế nào đem lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của mình.

Với Smart Home, VNPT Technology đang từng bước dịch chuyển sang mô hình đó. Ví dụ, với dịch vụ cho thuê ánh sáng, khách hàng chỉ cần quan tâm tới độ sáng và trải nghiệm ánh sáng có đảm bảo không, chứ không cần lăn tăn rằng để có thể tạo ra ánh sáng theo chuyển động của người dùng thì cái công tắc thông minh cần ra sao, cái cảm biến chuyển động cần đặt chỗ nào...

Quan điểm của VNPT Technology là công nghệ phải “trong suốt” với người dùng, để họ tận hưởng các thành tựu, các trải nghiệm tuyệt vời mà không cần biết về cơ chế vận hành và các yếu tố phía sau.

Theo ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng giám đốc VNPT Technology. điểm mạnh của các sản phẩm Smart Home Việt nói chung và của VNPT Technology  nói riêng so với các sản phẩm nước ngoài là các tính năng được địa phương hóa, theo thói quen và hành vi sử dụng của người dùng trong nước, để làm được việc đó các nhà phát triển trong nước cần thấu hiểu tập khách hàng của mình.

Cùng đó, hiện nay xu hướng người dùng không chỉ mua một sản phẩm đơn thuần, mà cao hơn người dùng hướng tới mua các trải nghiệm dịch vụ, nhằm đáp ứng những nhu cầu của khách hàng. Để có thể cung cấp được một dịch vụ tốt, không đơn giản chỉ có một sản phẩm tốt, mà cần đầy đủ một chuỗi giá trị từ làm sản phẩm, phân phối, lắp đặt, chăm sóc khách hàng và hỗ trợ sau bán hàng. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục