BNEWS
Xây dựng khu công nghiệp “xanh” để thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghiệp “xanh” là xu thế chung trên thế giới.
Giới phân tích cho rằng, khu công nghiệp truyền thống dần mất đi lợi thế cạnh tranh, thay vào đó khu công nghiệp hướng tới yếu tố xanh, bền vững ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. Đầu tư vào dự án công nghệ cao sử dụng nguyên liệu sạch, giảm phát thải khí carbon ra môi trường đang là xu thế hiện nay.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), khu công nghiệp truyền thống chỉ có nhà máy sản xuất thuần tuý, nhà ở và các dịch vụ tiện ích khác, đang mất đi lợi thế cạnh tranh. Thay vào đó, xu hướng phát triển khu công nghiệp “xanh” đang dần thu hút được nhiều nhà đầu tư hướng tới yếu tố xanh, bền vững.
Phát triển khu công nghiệp “xanh” là tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường nhằm mục tiêu hướng đến giảm thiểu phát thải khí carbon đến năm 2050 về 0. Xây dựng khu công nghiệp “xanh” để thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghiệp “xanh” là xu thế chung trên thế giới.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho rằng, việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp, khu kinh tế là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng khu công nghiệp, khu kinh tế , cho từng địa phương và cả nền kinh tế.
Với 403 khu công nghiệp đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.
Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý cho thấy, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.
Việc quan tâm xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.
MBS nhận thấy dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang thị trường cấp 2 có vị trí xa thành phố lớn, nhờ nguồn cung còn lớn, giá thuê thấp. Hiện có nhiều yếu tố hỗ trợ đi cùng thách thức mới trong phát triển bất động sản khu công nghiệp. Ấn Độ và Indonesia đang là đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Việt Nam trong thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao.
Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhờ những hiệp định thương mại đã ký kết, chi phí lao động và điện năng hấp dẫn. Việc nâng tầm lên đối tác chiến lược với Mỹ cũng sẽ giúp thu hút đầu tư vào phát triển công nghệ cao.
Tại miền Bắc dòng vốn FDI có xu hướng chảy sang thị trường cấp 2 như Quảng Ninh đã thu hút được hơn 3,1 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 3 cả nước trong năm 2023, tiêu biểu là dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Bắc Giang thu hút được 3 tỷ USD vốn FDI, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ; trong đó, dự án sản xuất chất bán dẫn Hana Micron Vina 2 đóng góp tới 0,6 tỷ USD.
Tỷ trọng dòng vốn vào thị trường cấp 2 từ 2018 đến nay ghi nhận mức tăng rõ rệt, từ mức 20% trong năm 2018 lên mức 53% trong năm 2023. Điều này là do giá thuê đất khu công nghiệp tại thị trường cấp 2 thấp hơn 20% so với thị trường cấp 1 có vị trí tại các thành phố lớn, diện tích đất thương phẩm còn lại nhiều (tỷ lệ lấp đầy thị trường cấp 2 mới chỉ đạt 64%).
Tại miền Nam, tỷ trọng dòng vốn FDI vào thị trường cấp 2 có xu hướng tăng trong năm 2023, từ mức 21,6% trong năm 2022 lên 23,2% trong năm 2023. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu hút được hơn 1 tỷ USD vốn FDI, tiêu biểu là dự án sản xuất sợi và vật liệu carbon của Hyosung Việt Nam có vốn đầu tư 540 triệu USD.
Bình Phước thu hút được hơn 40 dự án FDI với tổng vốn 758 triệu USD, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân là nhờ lợi thế về diện tích đất khu công nghiệp có thể cho thuê lớn, tỷ lệ lấp đầy thị trường cấp 2 chỉ đạt 63% trong khi thị trường cấp 1 đã đạt tới 90% (Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đạt 95%, còn tại Đồng Nai và Long An đạt trên 80%). Bên cạnh đó, giá thuê đất tại thị trường cấp 2 chỉ bằng một nửa so với giá tại thị trường cấp 1.
Kết thúc năm 2023, tổng diện tích đất công nghiệp cả nước đạt 89,2 nghìn ha tăng 1,5% so với cuối năm 2022, với mức tăng chủ yếu ở thị trường miền Bắc. Tổng diện tích đất khu công nghiệp đã cho thuê đạt khoảng 51,8 nghìn ha, tăng 2,8 nghìn ha, tăng 5,7% so với cuối năm 2022, tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%.
Tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%. Giá cho thuê ở miền Nam ổn định ở mức 168 USD/m2 trong khi giá cho thuê tại miền Bắc tăng 10% so với cuối năm 2022, đạt 123 USD/m2.
MBS cho rằng, triển vọng ngành bất động sản khu công nghiệp trong thời gian tới đến từ các điều kiện vĩ mô ổn định cùng việc nâng tầm quan hệ với các cường quốc giúp duy trì đà tăng FDI.
Tuy nhiên, thách thức mới sẽ tới từ sự cạnh tranh gia tăng ở các quốc gia khác, rủi ro thiếu điện trong sản xuất… Các doanh nghiệp có quỹ đất “sạch” lớn, tài chính lành mạnh sẽ có tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, năm 2023, vốn FDI giải ngân vào Việt Nam đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, phần lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Ngoài ra, tổng vốn FDI cam kết trong năm 2023 đạt 28,1 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2022. Do đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trong năm 2024, tập trung vào lĩnh vực sản xuất (các doanh nghiệp sản xuất và chất bán dẫn), năng lượng tái tạo.
SSI cho hay, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp niêm yết đã ký Biên bản ghi nhớ (“MOU”) về việc cho thuê đất công nghiệp với các khách thuê mới trong nửa cuối năm 2023, do đó công ty chứng khoán này cho rằng các hợp đồng MOU này sẽ được chuyển thành hợp đồng chính thức và ghi nhận doanh thu trong năm 2024.
Đối với các khu công nghiệp ở miền Bắc, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp dự kiến sẽ cao trong năm 2024, được thúc đẩy nhờ xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam, chủ yếu trong ngành điện tử và bán dẫn.
Các khu công nghiệp ở miền Nam có thể ghi nhận sự phục hồi kỹ thuật từ mức nền thấp trong năm 2023, với các doanh nghiệp thuê đất công nghiệp chính là các doanh nghiệp sản xuất (dệt may, gỗ, da giày), logistics và thực phẩm, đồ uống.
Nhờ môi trường kinh doanh khá thuận lợi, nhiều doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp báo lãi lớn trong năm 2023.
Có thể kể đến trường hợp của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (
Becamex- mã chứng khoán: BCM), doanh nghiệp này đạt doanh thu khoảng 8.200 tỷ đồng trong năm 2023, tăng gần 25% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế của công ty khoảng 2.314 tỷ đồng - mức cao nhất từ năm 2020 đến nay.
Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (mã chứng khoán SZL) ghi nhận doanh thu thuần đạt 441 tỷ đồng trong năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 104 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 4% so với năm ngoái. CTCP Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán SZC) có lợi nhuận đạt 218,87 tỷ đồng trong năm 2023, tăng trưởng 10,89% so với năm 2022.
Nhờ kết quả kinh doanh tích cực, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng tăng rất mạnh trong thời gian 1 tháng gần đây. Chỉ tính tuần giao dịch từ 29/1 - 2/2, SNZ tăng 22,74%/, SZC tăng 8,52%, SIP tăng 7,73%, IDC tăng 7,37%, D2D tưng 6,53%, BCM tăng 4,44%, SZL tăng 1,96%...