Xử lý 12 dự án chậm tiến độ: Nhiều chỉ số tài chính đã tốt hơn

20:19' - 21/09/2018
BNEWS Hiện tại 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả đã có những chuyển biến tích cực, nhiều chỉ số tài chính đã tốt hơn so với đầu năm.

Trong đó có dự án tưởng chừng thất bại hoàn toàn của Công ty Cổ phần Hóa dầu và Sơ sợi dầu khí (PVTEX) đã khởi động lại và bán được sản phẩm.

Cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém từ 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương tổ chức chiều 21/9 tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã khẳng định như vậy tại cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém từ 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương tổ chức chiều 21/9 tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì.

*Chuyển biến tích cực

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi. Cụ thể, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lợi nhuận ước đạt 147,692 tỷ đồng; Nhà máy thép Việt - Trung lợi nhuận ước đạt 527,24 tỷ đồng.

4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn. Cụ thể, Nhà máy đạm Hà Bắc lỗ 203 tỷ đồng, giảm lỗ 210 tỷ đồng so với cùng kỳ; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lỗ 110,78 tỷ đồng, giảm lỗ 324,82 tỷ đồng so với cùng kỳ; Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình lỗ 701,845 tỷ đồng; Công ty DQS doanh thu thực hiện ước đạt 318,03 tỷ đồng, nộp Ngân sách nhà nước 3,29 tỷ đồng.

Với Nhà máy phân bón DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt Trung đều có lãi, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề xuất đưa hai dự án này khỏi danh sách thua lỗ. Bộ Công Thương cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Chính phủ xem xét, đưa ra khỏi Danh sách các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đối với một số dự án, doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại, vướng mắc, đã hoạt động ổn định trở lại và có lãi.

Nhận định về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo yêu cầu các thành viên nghiên cứu, quyết định để các dự án làm ăn bắt đầu có lãi "không bị mang tiếng, gặp khó khăn trong đàm phán với các đối tác". Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công Thương phải đưa ra tiêu chí, điều kiện cụ thể để Ban chỉ đạo xem xét.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo tiêu chí đề xuất của Bộ Công Thương dự án muốn đưa ra khỏi danh sách thua lỗ phải được phê duyệt xong quyết toán dự án hoàn thành và không còn vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC. Hơn nữa, các dự án này cũng phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi từ một năm trở lên.

Mặt khác, phải có phương án sản xuất kinh doanh ổn định, có lãi trong các năm tiếp theo và không còn phát sinh nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng có quan hệ cho vay vốn đối với dự án...

Ngoài ra, báo cáo xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ sau hơn một năm của Bộ Công Thương cũng cho thấy, Nhà nước đã thu về 1.000 tỷ đồng từ phần vốn góp của SCIC vào dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Tuy nhiên, quá trình xử lý hơn một năm qua có nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết. Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khó khăn lớn là tranh chấp tại các hợp đồng EPC của một số dự án dẫn đến chưa thể quyết toán được hợp đồng EPC.

Đáng lưu ý, vướng mắc tại một số dự án vay đầu tư lớn do vậy phải trả nợ gốc và lãi vay nhiều, thời hạn vay cũng tương đối ngắn làm dự án càng khó khăn hơn về tài chính. Đặc biệt, một số khó khăn khác như dự án phân bón không được khấu trừ VAT nguyên liệu đầu vào làm tăng chi phí sản xuất; thị trường đầu vào không ổn định, giá nguyên liệu tăng...

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng chỉ ra trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay như Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20/4/2018; 2 dự án còn lại đã chuẩn bị xong phương án khởi động lại nhà máy, hiện đang chọn thời điểm giá nguyên liệu thuận lợi như Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Ngoài ra, với 3 dự án xây dựng dở dang, hiện tại Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho; Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không muốn tiếp tục triển khai Dự án; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ.

Việc xử lý các dự án đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án, đồng thời Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc thu về cho Ngân sách Nhà nước 1.000 tỷ đồng từ phần vốn góp của SCIC vào dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Theo Kế hoạch hành động ban hành theo Quyết định số 4296/QĐ-BCĐĐANCT ngày 29/9/2017 của Trưởng Ban chỉ đạo, có 98 nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành, Tập đoàn và Tổng công ty để triển khai thực hiện; trong đó có 66 nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2017 và năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết đến thời điểm 31/8/2018, đã có 41 nhiệm vụ hoàn thành; còn 25 nhiệm vụ chưa hoàn thành; trong đó có 15 nhiệm vụ đã quá hạn.

Các nhiệm vụ chưa hoàn thành và đã quá hạn tập trung vào 3 nhóm vấn đề, gồm: xử lý dứt điểm vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án, đây là khó khăn lớn nhất; việc cơ cấu lại các khoản vay nợ, trích giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay và cuối cùng là phương án thoái vốn.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, đây cũng là những khó khăn, vướng mắc chung trong xử lý, khắc phục những hạn chế trong quá trình tiếp tục triển khai dự án và các hoạt động sản xuất kinh doanh.

*Đề xuất nhóm giải pháp

Đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty trong khắc phục những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, sản xuất kinh doanh để tạo ra những chuyển biến tích cực như hiện nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Cách đây hơn 1 năm khi Ban chỉ đạo bắt đầu nhận nhiệm vụ từ Thủ tướng Chính phủ, đi kiểm tra 9/12 dự án thì tình hình rất ảm đạm, vô cùng khó khăn nhưng tới nay nhiều dự án đã có nhiều điểm sáng.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra việc Bộ Công Thương thực hiện chuyển đổi dùng xăng E5 thay cho xăng A92 từ đầu năm 2018 đã góp phần thúc đẩy việc tiệu thụ nhiên liệu sinh học.

Dự kiến thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội việc sửa thuế suất đối với xăng sinh học, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học, hỗ trợ cho tiến trình hợp tác đầu tư, đưa 2 nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước đi vào hoạt động.

Ngoài ra, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã áp dụng các giải pháp cơ cấu lại các vấn đề tài chính (cho phép điều chỉnh khấu hao, thời gian trả nợ), tín dụng theo nguyên tắc thị trường nhằm hỗ trợ cho việc xử lý các dự án, nhà máy.

Bộ Tư pháp đã hỗ trợ Tổng công ty Thép đàm phán lại các vấn đề pháp lý tại Nhà máy thép Việt - Trung, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa Tổng công ty Thép với các nhà đầu tư Trung Quốc, tạo điều kiện đưa nhà máy đẩy mạnh hoạt động và có lãi.

Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng đồng tình việc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã cơ cấu lại chi phí sản xuất, cắt giảm lao động tại các nhà máy phân đạm, DAP, bảo đảm giá thành cao hơn biểu phí và kết quả là một số nhà máy hoạt động đã có lợi nhuận, một số đã giảm lỗ.

Phó Thủ tướng cho biết, tất cả các dự án đều được kiểm toán, thanh tra trách nhiệm các bên liên quan, bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật. Đáng lưu ý, việc thực hiện các giải pháp đặt ra trong kế hoạch triển khai hành động sẽ góp phần để năm 2018 xử lý căn bản các vướng mắc và tới năm 2020 sẽ cơ bản xử lý xong các yếu kém, thua lỗ của 12 dự án, nhà máy trong danh sách.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp trong quý IV/2018 phải chủ trì phối hợp với các Bộ Xây dựng, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước cùng lãnh đạo 4 Tập đoàn, Tổng công ty tổng hợp, rà soát các vướng mắc về pháp lý để tư vấn cho Ban chỉ đạo, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền khác về định hướng xử lý các vướng mắc.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần rà soát các kiến nghị vượt thẩm quyền của các tập đoàn, tổng công ty về bán tài sản khấu hao; giải quyết theo thẩm quyền cơ cấu nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ở một số dự án yếu kém, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đánh giá thuế xuất khẩu phân bón, thuế nhập khẩu thạch cao.

Đối với Ngân hàng Nhà nước phải chủ trì họp về tái cơ cấu nợ ở các tổ chức tín dụng tham gia các dự án, nhà máy thua lỗ yếu kém thuộc thẩm quyền của Thống đốc.

Theo đó, tiếp tục cơ cấu mạnh hơn, không thể cơ cấu nợ nửa vời vì sẽ càng ảnh hưởng tới ngân hàng và dự án. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho việc giải chấp nghĩa vụ bảo lãnh cho quá trình thoái vốn của Tisco ở Thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát việc bảo đảm môi trường tại các dự án, nhà máy, đôn đốc việc xác nhận xử lý sự cố vỡ đập bãi thải ở nhà máy DAP số 2 Lào Cai để nhà máy tiếp tục đi vào hoạt động.

Riêng với Bộ Công Thương, cần đánh giá rõ tác động của vấn đề thương mại toàn cầu tới các mặt hàng sản xuất, đồng thời khuyến cáo các Tập đoàn, Tổng công ty có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Về phía các Tập đoàn, Tổng công ty, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp theo Đề án được phê duyệt, chú ý đẩy mạnh một bước xử lý các vướng mắc của hợp đồng EPC trong quý IV; tăng cường quản trị cả về sản xuất kinh doanh, chi phí giá thành, nhân lực, tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc phát sinh khi cơ cấu lại các dự án này.

Theo Phó Thủ tướng, trong quý IV, các Tập đoàn khởi động lại toàn bộ các dây chuyền của PVTEX; đưa 2 nhà máy nhiên liệu sinh học hoạt động; xem xét phương án giải thể dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ; triển khai phương án bán đấu giá sản phẩm tồn kho của Nhà máy Bột giấy Phương Nam; tiếp tục giảm lỗ, tăng lãi ở các nhà máy còn lại.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Khi các nhà máy này có hoạt động, có sản phẩm, có lợi nhuận thì Nhà nước sẽ tiến hành cổ phần hoá hoặc bán, chứ không giữ để tái cơ cấu nữa"./.

>>> Nhiều bộ, ngành không muốn rời xa doanh nghiệp “sân sau”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục