Hồi sinh dự án thua lỗ ngành công thương: Mấu chốt là gỡ từ chính sách

12:55' - 14/07/2018
BNEWS Việc kịp thời có các chính sách hỗ trợ sẽ là "liều thuốc bổ" giúp các doanh nghiệp mới "ốm dậy" có thể trụ vững, sản xuất ổn định và tiến tới trả hết nợ trong bối cảnh nguồn ngân sách không còn nữa.
Trong phân xưởng kéo sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Ảnh: PVTex

Mặc dù nhiều dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương cuối cùng cũng đã tìm thấy “ánh sáng nơi cuối hầm” nhưng để các doanh nghiệp mới “ốm dậy” như vậy có thể hồi sinh thực sự trong bối cảnh không còn nguồn ngân sách cứu trợ thì sự can thiệp kịp thời về chính sách của Chính phủ là rất cần thiết.

Xuất sản phẩm cho khách hàng tại Nhà máy PVTex Đình Vũ. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Tín hiệu tích cực

Sau hơn 1 năm Ban Chỉ đạo Chính phủ, các bộ ngành liên quan và các doanh nghiệp quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý tổng thể, đến nay, nhiều dự án trong số 12 dự án thua lỗ yếu kém của ngành công thương đã có sự chuyển biến tích cực.

Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường cho biết, cả 4 dự án sản xuất phân bón thua lỗ của Vinachem đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhà máy DAP Vinachem từ tháng 8/2017-5/2018 đã có lợi nhuận tích luỹ đạt trên 114 tỷ đồng.

Các dự án còn lại gồm DAP Lào Cai, Phân đạm Ninh Bình, Phân đạm Hà Bắc đã vận hành ổn định hơn, với công suất cao hơn nên số lỗ luỹ kế đã giảm đáng kể.

Tương tự như vậy, nhóm các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã có tín hiệu khả quan. Cụ thể, dự án yếu kém đến mức phải ngừng hoạt động trong thời gian dài là Nhà máy xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX)-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được khởi động lại 3 dây chuyền sản xuất sợi vào ngày 20/4/2018.

Sau 2 tháng vận hành trở lại, Nhà máy đã sản xuất được gần 500 tấn sợi DTY các loại với chất lượng cao nên sản phẩm đầu ra đã được đã được các doanh nghiệp dệt may trong nước mua hết.

Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PVTex Đào Văn Ngọc, biên lợi nhuận của sản phẩm xơ trên thị trường hiện khá tốt. Giá sản phẩm sau khi trừ chi phí nguyên liệu chính thì biên lợi nhuận là 220-230 USD/tấn, trong khi chi phí gia công của PVTex vào khoảng 170-180 USD/tấn. Vì vậy, PVTex đặt mục tiêu đưa cả 29 dây chuyền DTY hoạt động trở lại vào cuối năm 2018.

Trong khi đó, nhóm các nhà máy nhiên liệu sinh học như Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm vận hành trở lại.

Nhìn nhận về những tín hiệu tích cực này, Trưởng ban Kế hoạch Bộ Công Thương Dương Duy Hưng chỉ rõ, điểm quan trọng nhất là các dự án này hoạt động trở lại khi không sử dụng thêm bất kỳ nguồn ngân sách nào nên tuân thủ theo đúng nguyên tắc mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã đề ra.

Không những thế, phần vốn góp nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ở Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đã rút về được gần 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, dư nợ cấp tín dụng của các dự án này đến 31/1/2018 tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng đã giảm được 193 tỷ đồng; nợ phải trả đối với ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) đã giảm được khoảng 45 tỷ đồng. “Con số thì không nhiều nhưng phản ánh được mức độ phục hồi của các dự án”, ông Hưng khẳng định.

Bốc dỡ phân bón tại kho xuất của Nhà máy DAP Đình Vũ. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Gỡ khó từ chính sách

Đến thời điểm này, cho dù nhiều dự án đã hoạt động trở lại nhưng khó khăn với “những doanh nghiệp mới ốm dậy” vẫn thực sự ở phía trước.

Thực tế cho thấy, lãi suất vay thời điểm triển khai các dự án của ngành công thương có khi lên tới 13% cao hơn rất nhiều so với mặt bằng 8% hiện nay. Vì vậy, “lãi suất gần gấp đôi nên nếu điều chỉnh được thì cũng giảm được rất nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp”, Chủ tịch Vinachem Nguyễn Phú Cường đề xuất.

Cũng theo ông Cường, giải pháp giãn khấu hao thì cũng đã được bộ Tài chính cho phép nhưng bây giờ giãn nợ thì cũng giảm bớt sức ép về tài chính đối với các doanh nghiệp bởi nếu không trả kịp nợ thì bị đưa vào nhóm nợ xấu. Và khi đó lãi suất bị đưa vào nhóm 150% so với nhóm bình thường và câu chuyện là họ đã khó khăn rồi lại càng khó thêm.

Đặc biệt, với các doanh nghiệp phân bón chưa thoát lỗ thì khó khăn lại càng chồng chất bởi đến thời điểm này, việc đưa mặt hàng phân bón từ diện chịu thuế VAT 5% sang diện không chịu thuế theo quy định của Luật 71/2014/QH13 đang tiếp tục tạo ra những bất lợi lớn khi các chi phí đầu vào khâu được khấu trừ thuế. Trong khi đó, các nhà sản xuất phân bón nước ngoài có nhiều lợi thế về khấu hao, khi nhập khẩu về Việt Nam chỉ phải chịu mức thuế suất rất thấp.

Trong ba năm vừa qua (từ 2015-2017), tổng chi phí không được hoàn thuế của DAP Vinachem là 361 tỷ đồng. Nếu số này được hoàn thuế thì lỗ luỹ kế của doanh nghiệp được giải quyết hết, Tổng Giám đốc Công ty DAP Vinachem Nguyễn Văn Sinh khẳng định.

Trong khi đó, với PVTEX, khó khăn lớn nhất là phải thống nhất được với đối tác An Phát về hợp đồng hợp tác kinh doanh để An Phát cung cấp nguồn vốn lưu động cho nhà máy vào hoạt động ổn định, lâu dài.

Hiện hai bên vẫn tiếp tục đàm phán chi tiết từng điều khoản của hợp đồng nên nếu cuối tháng 7 này “chốt” được hợp đồng thì Nhà máy mới có thể đưa vào vận hành thêm các dây chuyền kéo sợi khác, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PVTex Đào Văn Ngọc cho biết.

Từ 2013 đến nay, Nhà máy vẫn phải tính khấu hao, chịu chi phí lãi vay và chi phí tài chính cho đầu tư ban đầu, kể cả trong quãng thời gian dài ngừng hoạt động. Vì vậy, đây thực sự là gánh nặng đang chất lên “vai” một doanh nghiệp mới “ốm dậy” như PVTex, ông Ngọc chia sẻ.

Do đó các doanh nghiệp chỉ mong mỏi Chính phủ xem xét có các cơ chế hỗ trợ phù hợp cũng như có chính sách đảm bảo về mặt pháp lý để chia sẻ một phần rủi ro cho nhà đầu tư như An Phát khi hợp tác sản xuất với các doanh nghiệp như PVTex; đồng thời giúp các nhà đầu tư yên tâm ký kết hợp đồng hợp tác mà không bị ảnh hưởng trong suốt quá trình hợp tác.

PVTex là nhà máy độc lập; trong đó, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu nguyên liệu, lại không gắn kết vào chuỗi giá trị nên khó trụ vững trong bối cảnh thị trường lên xuống.

Vì vậy, đối tác An Phát đã đề xuất được quyền bao tiêu sản phẩm từ các nhà máy hoá dầu như Nghi Sơn, Dung Quất và nếu đề xuất này được chấp thuận thì đây sẽ là cách để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho PVTex, ông Ngọc chia sẻ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để tạo cơ hội cho tiêu thụ sản phẩm cho các nhà máy trong nước,

Theo Tổng Giám đốc Công ty DAP Vinachem Nguyễn Văn Sinh, hiện phân bón trong nước có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh với phân bón nhập ngoại. Vì vậy, nếu chủ trương của Chính phủ được triển khai quyết liệt thì chắc chắn là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất của doanh nghiêp.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp sản xuất thạch cao nhân tạo và xi măng trong ưu tiên sử dụng bã thải của DAP Đình Vũ.

Đây sẽ là lợi ích cho cả hai phía vì DAP Đình Vũ giảm được lượng chất thải trong khi các doanh nghiệp sản xuất này có được nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ lại ổn định, ông Sinh cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục