Xử lý buôn lậu ở khu vực Tây Nam bộ vẫn còn nhiều khó khăn

17:47' - 19/01/2018
BNEWS Hiện nay, tình trạng buôn lậu thuốc lá, đường cát, xăng dầu và một số mặt hàng điện tử, quần áo đã qua sử dụng tại Tây Nam bộ diễn biến ngày càng phức tạp.
Xử lý buôn lậu ở khu vực Tây Nam bộ vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: TTXVN

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, thuốc lá, đường cát vẫn là hai mặt hàng được các đối tượng buôn lậu đưa về để tiêu thụ, ngoài ra buôn lậu xăng dầu và vàng có chiều hướng gia tăng. Năm 2018 khi một số mặt hàng có thuế suất về 0% thì tình trạng buôn lậu dự báo sẽ giảm, nhưng tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ gia tăng và tập trung ở một số mặt hàng điện tử và mỹ phẩm.

Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần xem xét để có những chỉ đạo cho lực lượng chuyên ngành đi sâu, đi sát trong phòng chống gian lận thương mại và buôn lậu.

Theo ông Toại, trong thời gian tới buôn lâu sẽ càng ngày càng tinh vi hơn, do đó cần có những chuyên đề để tập huấn cho lực lượng chuyên nghiệp thì mới có thể làm được. Mặc dù, hiện nay, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật ra đời nhưng việc xử lý vẫn còn hạn chế bởi quá trình chuyển giao và tập huấn đã làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước ở cơ sở.

Trong khu vực Tây Nam bộ, An Giang là tỉnh có đường biên giới dài nên các đối tượng buôn lậu nhất là trong mùa nước nổi thường xuyên lợi dụng địa hình phức tạp để vận chuyển hàng lậu. Các đối tượng thường sử dụng ghe, xuồng tốc độ cao để vận chuyển hàng lậu từ biên giới về địa bàn tỉnh với thời gian ngắn, có khi chỉ mất vài phút là hàng lậu đã về đến nơi nên vấn đề kiểm kiểm soát buôn lậu gặp nhiều khó khăn.

Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, chống buôn lậu sẽ gặp nhiều khó khăn vì thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi, tìm đủ mọi cách để qua mặt lực lượng chức năng.

Còn theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, đa phần người dân sống ở biên giới còn gặp nhiều khó khăn, sinh kế chưa bền vững nên bị các đối tượng buôn lậu dụ dỗ, lôi kéo để tham gia. Ngoài ra, thông tư 26 của Bộ Khoa học và Công nghệ đang gây khó khăn trong việc xử lý tình trạng phân bón giả, lực lượng chức năng phải lên kế hoạch và báo trước khi đi kiểm tra. Vì vậy, việc kiểm tra, xử lý tình trạng phân bón giả gặp nhiều khó khăn.

Lý giải về những khó khăn này, ông Đức cho hay để kiểm tra thì phải lên kế hoạch từ đầu năm. Trước ngày kiểm tra 5 ngày phải báo cho đối tượng được kiểm tra biết, khiến việc kiểm tra không còn hiệu quả. Cũng theo người đứng đầu ngành công thương tỉnh Long An, với việc lấy mẫu, nếu mẫu thứ nhất không đạt mà mẫu thứ hai đạt thì coi đó là mẫu cuối cùng, như vậy hiệu quả trong chống hàng giả trong lĩnh vực phân bón rất là khó khăn.

Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng thường xé nhỏ hàng để vận chuyển bằng xe khách, xe máy với tốc độ cao và được ngụy trang bằng nhiều hình thức nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Ngoài ra, thực trạng đang tồn tại nhiều năm mà vẫn chưa thể xử lý là các đối tượng buôn lậu khi gặp lực lượng chức năng thường để lại xe máy, rồi bỏ chạy. Sau đó cử người chủ của xe đến nhận, làm cho lực lượng chức năng không thể xử lý. Ngoài ra, các đối tượng tìm đủ mọi cách để trốn tránh trách nhiệm, đây là thực trạng mà nhiều tỉnh, thành đang gặp phải.

Ông Nguyễn Minh Trung cho biết thêm, các đối tượng này thường tìm mọi cách để đối phó, trốn tránh thực thi quyết định, khi lực lượng kiểm tra đến thường thì không có nhà. Quyết định sau 1 năm thì hết hiệu lực nên lực lượng chức năng rất khó xử lý, ông Trung nói.

Trong năm 2017, lực lượng chức năng các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ đã bắt giữ hơn 25.000 vụ buôn lậu với tổng số tiền trên 520 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục