Xử lý các ổ dịch lở mồm long móng trên gia súc

16:19' - 06/11/2020
BNEWS Ngành chức năng tỉnh Bến tre đang tích cực triển khai các biện pháp xử lý khẩn cấp dịch bệnh lở mồm long móng trên bò, trâu tại huyện Thạnh Phú.

Ngày 6/11, ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre cho biết, ngành chức năng địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp xử lý khẩn cấp dịch bệnh lở mồm long móng trên bò, trâu tại huyện Thạnh Phú.

Theo đó, ngày 31/10, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre nhận được tin xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc tại hai xã Giao Thạnh và Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú.

Qua kiểm tra ngành chuyên môn xác định có 114 con bò (trong đó có 5 con chết) của 20 hộ chăn nuôi có biểu hiện bệnh lở mồm long móng, nên được ngành thúy y lấy hai mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.

Sau đó, Chi cục Thú y vùng VI có kết quả hai mẫu bệnh phẩm nhiễm vi rút lở mồm long móng type O. Đáng chú ý, toàn bộ đàn bò bị bệnh đều chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng.

Ông Trần Quang Thái cho hay, hiện đàn gia súc bị bệnh đang có dấu hiệu hồi phục, không phát triển rộng nữa. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thống nhất với địa phương cho thống kê đàn trâu, bò để đưa vào diện tiêm phòng và đồng thời xin chủ trương UBND tỉnh cho phép tạm thời chưa công bố dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc tại địa bàn huyện Thạnh Phú để tiến hành các giải pháp phòng, chống dịch như phòng, chống dịch trong điều kiện công bố dịch.

Cụ thể, ngành chức năng tỉnh triển khai tiêm phòng vắc xin cho toàn bộ đàn trâu, bò trong diện tiêm phòng và vệ sinh tiêu độc cho đàn gia súc với tần suất 2 lần/tuần trong 3 tuần liên tục tại xã có dịch.

Đối với 8 xã vùng uy hiếp có nguy cơ lây bệnh gồm: Thới Thạnh, Quới Điền, thị trấn Thạnh Phú, Bình Thạnh, Mỹ Hưng, Thạnh Phong, An Nhơn và An Điền triển khai tiêm phòng cho toàn bộ trong diện tiêm phòng và vệ sinh tiêu độc cho toàn bộ đàn gia súc với tuần suất 1 lần/tuần trong 3 tuần liên tục.

Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh tiếp tục theo dõi và điều trị cho những gia súc bệnh; trường hợp gia súc chết tiến hành tiêu hủy có hỗ trợ theo quy định.

Mặt khác, ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác giám sát dịch bệnh; quản lý chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, kiểm soát giết mổ để kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh nhanh, gọn trên phạm vi hẹp.

Theo ông Thái, tỉnh Bến Tre có trên 220.000 con bò nuôi tập trung ở các huyện: Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú... Thời gian gần đây, bệnh lở mồm long móng thường xuất hiện rải rác trên đàn bò nhưng tất cả các ổ dịch đã được xử lý kịp thời, không gây bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh dịch bệnh lở mồm long móng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh rất cao, nếu người dân không tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc. Do đó, ông Thái khuyến cáo người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tổ chức tiêm phòng cho đàn bò, nhất là bệnh lở mồm long móng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục