Xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc

16:19' - 19/05/2021
BNEWS Cục Thú y đề nghị các địa phương có dịch bệnh viêm da nổi cục thực hiện công bố dịch theo quy định; tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch.

Thực hiện Công điện số 631/CĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, dây dưa kéo dài.

Theo đó, Cục Thú y rà soát, điều chỉnh, bổ sung bệnh viêm da nổi cục vào danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

Cục tiếp tục tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vaccine để tiêm phòng khẩn cấp chống dịch.

Hiện đã có hai doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhập khẩu 3 loại vaccine của 3 nhà sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập với số lượng là 4,12 triệu liều, bảo đảm đủ số lượng để tiêm phòng cho trên 50% tổng đàn trâu, bò của Việt Nam.

Tính ngày 10/5, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 2,6 triệu liều vaccine và đã cung ứng trên 1,53 triệu liều cho các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi. Hiện, các doanh nghiệp còn trên 1 triệu liều đang được bảo quản tại kho của các doanh nghiệp. Dự kiến trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu trên 4,3 triệu liều, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Theo Cục Thú y, kết quả tiêm phòng đã phát huy hiệu quả chống dịch. Báo cáo của các địa phương như Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi... cho thấy, nhờ có việc tiêm phòng vaccine, nên tình hình dịch bệnh tại các địa phương này đã được kiểm soát, 2/3 số ổ dịch đã giảm, không phát sinh thêm gia súc bị bệnh.

Cũng theo Cục Thú y, chi phí tiêm phòng khoảng 35.000 đồng/liều vaccine và như vậy, so với giá trị con trâu, bò là rất rẻ. Do vậy, Cục đã đề nghị chính quyền địa phương và người dân chủ động tiêm phòng sớm, tiêm phòng đầy đủ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các địa phương cũng cần có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh viên da nổi cục; trong đó, đặc biệt là kinh phí mua vaccine để tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm.

Cục Thú y cũng đã đề nghị các địa phương đang có dịch bệnh viêm da nổi cục thực hiện công bố dịch theo quy định; tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan, dây dưa kéo dài.

Các địa phương tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng...

Các ngành chức năng, địa phương thực hiện tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu, bò.

Cục Thú y cho biết, bệnh viêm da nổi cục không lây sang người nên người chăn nuôi và người dân không hoang mang, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch bệnh. Các địa phương cũng cần phổ biến tuyên truyền để người dân biết về loại dịch bệnh này và các biện pháp phòng chống. Người dân tuyệt đối không bán chạy, buôn bán, giết mổ trâu, bò có dấu hiệu bị bệnh mà cần báo cáo với chính quyền địa phương để tổ chức các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương thực hiện việc kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định tại Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ngành thú y, giai đoạn 2021 - 2030

Để phối hợp, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Cục Thú y đã thành lập hơn 50 đoàn công tác đến địa phương. Từ nay đến 25/5/2021, Cục Thú y tiếp tục thành lập 7 đoàn công tác đến các địa phương có dịch, địa phương có nguy cơ cao để chỉ đạo, hướng dẫn chống dịch bệnh viêm da nổi cục.

Hiện nay, cả nước có 1.347 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục tại 201 huyện của 28 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Từ khi bệnh viên da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10/2020, đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 1.901 xã, thuộc 224 huyện của 33 tỉnh, thành phố, với tổng số trên 53.244 con mắc bệnh; số chết và tiêu hủy trên 7.300 con, chiếm 13,7% trong tổng số gia súc mắc. So với tổng đàn trâu bò trên cả nước là 8 triệu con thì mới chỉ 0,66% trâu bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục