Xử lý tồn tại thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

07:51' - 25/06/2022
BNEWS Trong thực tế nảy sinh những vấn đề khi thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động cần được xử lý kịp thời để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Cục An toàn Vệ sinh lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) dẫn ra trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghề nghiệp trong khoảng thời gian đơn vị sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc theo quy định. Sau đó, đơn vị sử dụng lao động đã thực hiện truy đóng đầy đủ (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định), cần xác định rõ việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho các trường hợp này.

Các phương án giải quyết được đưa ra là: Kiến nghị xem xét, giải quyết cho những trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chưa đóng nhưng đã khai trình bảo hiểm hoặc chưa kịp khai trình bảo hiểm trong vòng 30 ngày kể từ ngày giao kết hoặc tuyển dụng; Kiến nghị chỉ xem xét, giải quyết cho những trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chưa kịp đóng nhưng đã khai trình bảo hiểm.

Phân tích về từng phương án, bà Nguyễn Thị Thu Hường nhận định, phương án 1 có ưu điểm thể hiện sự chia sẻ rủi ro cao đối với người sử dụng lao động; thu hút, hấp dẫn người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do việc đóng bảo hiểm là do người sử dụng lao động đóng. Song phương án này có nhược điểm là có thể dẫn đến việc lạm dụng quỹ, trốn đóng, khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động mới tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động.

Phương án 2 có ưu điểm là nâng cao ý thức người sử dụng lao động trong việc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tránh việc trốn đóng và lạm dụng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động song có nhược điểm là hạn chế sự chia sẻ rủi ro với người sử dụng lao động và chưa phù hợp với thực tiễn khai trình tham gia bảo hiểm xã hội.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2015 thì phương thức đóng bảo hiểm xã hội là hàng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. Khoản 1 Điều 99 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định việc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội trong vòng 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng hoặc tuyển dụng. Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động đóng theo quỹ lương, để quỹ bảo hiểm xã hội đứng ra thực hiện việc giải quyết hậu quả tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thay cho người sử dụng người lao động.

Nếu việc quản lý Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tốt và chặt chẽ, thông qua giám sát quỹ tiền lương và hệ thống thuế thì người sử dụng lao động rất khó trốn đóng và khó có thể lạm dụng được quỹ bảo hiểm. Tuy nhiên, trình độ quản lý hiện tại chưa phát triển, nên đề nghị chọn phương án 2. 

Bà Hường đề nghị tham vấn thêm kinh nghiệm của các nước  như Đức, Nhật bản, Hàn quốc trong vẫn đề giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các trường hợp này.     

Thực tế cũng cho thấy có phát sinh việc giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các trường hợp tồn đọng trước đây, đã nghỉ việc nhưng chưa làm thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm. Về phương án giải quyết với tình huống này, bà Hường kiến nghị xem xét, bổ sung quy định về thủ tục hồ sơ đối với trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã nghỉ việc nhưng chưa làm thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm, tồn đọng trước đây tương tự theo thủ tục, trình tự quy định hiện hành để giảm thiểu các thủ tục hành chính hoặc có nhưng điều khoản riêng.

Hiện nay, không có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thanh tra, kiểm tra công tác điều tra, kết luận các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể. Đoàn điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm pháp lý gì khi kết luận điều tra không đúng, không kịp thời. 

Với trường hợp này, đề xuất được đưa ra là xem xét, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ kèm theo các chế tài nghiêm khắc như: trách nhiệm bồi thường cho đơn vị, quỹ bảo hiểm xã hội trong trường hợp kết luận không đúng…  đối với việc điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giám định tỷ lệ thương tật sai để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ của cấp trên đối với cấp dưới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục