TP.HCM giải đáp vướng mắc về lao động cho doanh nghiệp Hàn Quốc

20:45' - 24/06/2022
BNEWS Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc phàn nàn về khó khăn trong việc xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.

Hàn Quốc xác định Việt Nam là điểm đến đầu tư, kinh doanh quan trọng, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề vướng mắc về quy định lao động, thủ tục hành chính cần được tháo gỡ kịp thời để thuận lợi cho việc đẩy mạnh thu hút đầu tư thời gian tới.

 

Đây là nội dung được nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đề cập tại Chương trình đối thoại giữa lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp Hàn Quốc do UBND Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Tp.Hồ Chí Minh tổ chức chiều 24/6.

Ông Shon Young Il, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam thông tin một số vướng mắc về vấn đề lao động. Theo đó, cùng với thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc phàn nàn về khó khăn trong việc xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.

Chẳng hạn, ngay cả trong trường hợp thợ máy, vốn là nhân lực thiết yếu của các hãng hàng không, việc cấp giấy phép lao động bị chậm trễ được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng ủng hộ quan điểm và chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc thay thế lao động người nước ngoài bằng người Việt Nam. Theo quan điểm của các doanh nghiệp, việc giảm chi phí và giá nhân công là rất cần thiết, vì vậy ngay cả khi không bị tác động bởi bên ngoài về việc giảm nhân sự nước ngoài thì tự thân doanh nghiệp cũng cố gắng giảm sử dụng nhân viên nước ngoài.

Tuy nhiên, các công ty Hàn Quốc vẫn quyết định tuyển dụng nhân viên người Hàn Quốc với mức chi phí lao động tương đối cao là một phần thiết yếu của quản lý kinh doanh mà nhân viên Việt Nam không thể đảm trách được.

Theo ông Song Yong Il, vấn đề công nhận chuyên ngành đại học cũng gặp vướng khi bố trí nhân sự vì cơ quan quản lý Việt Nam xem xét mức độ phù hợp giữa bằng cấp với vị trí công việc sẽ đảm nhận khi cấp giấy phép lao động. 

Ví dụ, trường hợp công ty tuyển một nhân viên tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh và bố trí vào phòng nhân sự thì bị từ chối cấp giấy phép lao động vì yêu cầu chứng minh mối liên quan giữa chuyên ngành được học nghiệp vụ.

Yêu cầu này là không phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi mà không phải ai cũng làm đúng chuyên ngành được đào tạo và có nhiều trường hợp hợp tác giữa các ngành, nên tránh tập trung vào việc xác nhận chuyên ngành.

Việc thu phí hạ tầng cảng biển cũng được nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đề cập tại hội nghị. Cụ thể, kể từ ngày 1/4/2022, tất cả các phương tiện container ra vào cảng Cát Lái của Tp. Hồ Chí Minh đều phải trả thêm phí sử dụng hạ tầng cảng biển.

Tuy nhiên, việc thanh toán phí được thực hiện mỗi ngày. Đây là việc làm kém hiệu quả trong việc thông quan và vận chuyển do tốn nhiều thời gian và phải bố trí thêm nhân sự.

Các doanh nghiệp đề xuất nên thiết lập một quy trình thanh toán gộp theo tháng thông qua việc củng cố và cải tiến hệ thống điện tử. Đồng thời xem xét giảm mức phí trước những khó khăn thực tế do chi phí hậu cần tăng lên đối với các doanh nghiệp đã phải vật lộn trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Đại diện Công ty KFTC Việt Nam cho biết, doanh nghiệp hiện gặp có hai khó khăn, vướng mắc là gánh nặng thu phí sử dụng cảng biển quá cao khi sử dụng Cảng Cát Lái với mục đích tu sửa, xây dựng mới đường bộ bị hư hại do quá trình vận chuyển đường bộ.

Tuy nhiên, phí sử dụng hạ tầng cảng biển cần được miễn trừ trong trường hợp sử dụng sà lan qua đường thủy từ cảng của các tỉnh đi cảng Cát Lái. Việc thu phí hạ tầng trong khi chính sách của Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích vận chuyển đường thủy là không hợp lý.

Thêm vào đó, phí sử dụng hạ tầng quá cao đối với hàng hóa ra vào cảng Cát Lái từ kho ngoại quan. Hàng hóa gửi kho ngoại quan về cơ bản là các nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, hoặc phần lớn được sử dụng để khắc phục tình trạng trễ thời gian do giao hàng.

Tuy nhiên, hiện nay mức phí sử dụng hạ tầng đang được áp dụng quá cao đối với hàng hóa ra vào cảng Cát Lái xuất phát từ kho ngoại quan.

"Chính vì vậy, chúng tôi xin kiến nghị miễn trừ phí sử dụng cảng biển khi vận chuyển bằng đường biển từ cảng của các tỉnh đi cảng Cát Lái; áp dụng mức thu phí hạ tầng cơ bản đối với các hàng hóa ra vào cảng Cát Lái từ kho ngoại quan", đại diện Công ty KFTC Việt Nam nêu ý kiến.

Trả lời những vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc về thủ tục lao động, ông Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Tp. Hồ Chí Minh thông tin, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp muốn tuyển dụng lao động nước ngoài phải trình phương án sử dụng lao động.

Về hồ sơ xin giấy phép lao động hiện nay tại Tp.Hồ Chí Minh luôn được ưu tiên giải quyết nhanh chóng, buổi sáng nộp hồ sơ thì chiều nhận kết quả, nếu nộp hồ sơ buổi chiều thì sáng hôm sau sẽ có kết quả, không có hồ sơ nào giải quyết quá 5 ngày. 

Với những bất cập khác về thủ tục đối với lao động ngước ngoài, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Tp. Hồ Chí Minh sẽ ghi nhận và kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để có phẩn hồi sớm nhất cho doanh nghiệp.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Tp.Hồ Chí Minh giải đáp vấn đề liên quan đến thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trên địa bàn thành phố, nhấn mạnh mục tiêu là tái đầu tư các công trình hạ tầng kết nối giao thông phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, hiện thành phố cũng đã có danh mục dự kiến các công trình sẽ đầu tư từ nguồn thu phí hạ tầng cảng biển.

Song song việc triển khai thu phí hạ tầng cảng biển, Tp.Hồ Chí Minh cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và đang trong giai đoạn trình Trung ương xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, vừa đảm bảo nguồn thu vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh cho biết, sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tp.Hồ Chí Minh đang tích cực phục hồi phát triển kinh tế với những kết quả tích cực nhưng cũng nhiều thách thức mới. Sự phục hồi kinh tế của Tp.Hồ Chí Minh có sự dóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp Hàn Quốc.

Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Tp.Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc là cơ hội để hai bên trao đổi, chia sẻ, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, đề xuất từ đó kiến tạo lòng tin, sự thấu hiểu, cùng nhau vượt qua khó khăn, đồng hành cùng phát triển.

Với những nội dung doanh nghiệp kiến nghị, ông Phan Văn Mãi đề nghị Sở Ngoại vụ và các sở ngành liên quan sẽ tổng hợp đầy đủ và có câu trả lời cụ thể cho doanh nghiệp. Những vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết của Tp.Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị lên cấp trên và phản hồi cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.

"Chính quyền Tp.Hồ Chí Minh khẳng định luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm các Hàn Quốc đầu tư an toàn, hiệu quả, lâu dài. Tp.Hồ Chí Minh cũng khuyến khích và mong muốn cộng động đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục tiên phong trong lĩnh vực giới thiệu, tuyên truyền thu hút đầu tư mới từ Hàn Quốc vào Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung vì mục tiêu phát triển, thịnh vượng của hai đất nước", ông Phan Văn mãi nhấn mạnh./. 

>>>Thành phố Hồ Chí Minh vượt kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục