Xử lý vi phạm thương mại điện tử: Khó do đâu?

19:32' - 10/01/2020
BNEWS Một số hành vi vi phạm trên thương mại điện tử như đăng tải các hình ảnh, thông tin về thuốc chữa bệnh có kê đơn, rượu, thuốc lá lậu… nhưng chưa có chế tài xử lý đối với các hoạt động này.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Thương mại điện tử phát triển mang lại nhiều lợi ích cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng mua sắm tiện lợi hơn, giá cả rẻ hơn, giúp doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, tiếp cận thị trường, giảm chi phí… Tuy nhiên, chính yếu tố trực tuyến đã và đang tạo ra những thách thức cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý hiệu quả để quản lý hoạt động thương mại điện tử cũng như việc thực thi ngăn chặn các gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo Công tác phối hợp bảo vệ người tiêu dùng và quyền sở hữu trí tuệ từ môi trường mạng đến thị trường trong khu vực châu Á do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Hiệp hội chống hàng giả quốc tế (REACT) đồng tổ chức ngày 10/1 tại Hà Nội.

Theo ông Trần Hữu Linh, việc đăng ký bán hàng trên nền tảng internet và website dịch vụ thương mại điện tử ngày càng thuận lợi, bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp nào đều có thể dễ dàng đăng ký tài khoản để bán hàng trên website, mạng xã hội hoặc tạo ra ứng dụng di động để bán hàng.

Các cơ sở kinh doanh offline truyền thống thông thường phải trải qua một số điều kiện nhất định như đăng ký kinh doanh, đăng ký địa điểm bán hàng, đăng ký thuế, điều kiện về kho chứa hàng hóa... Trong khi đó cơ sở kinh doanh trực tuyến thường lại không bị kiểm soát chặt chẽ ở các khâu này.

Do vậy, các đối tượng vi phạm đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế, nhất là tại các quốc gia đang phát triển nơi người dân có thu nhập thấp, thiếu hiểu biết, chế tài pháp lý và thực thi pháp luật còn nhiều bất cập, hạn chế.

Tình trạng này gây nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp chủ thể quyền, môi trường kinh doanh cũng như nguồn thu thuế của chính phủ.

Chính vì thế, hội thảo hôm nay là dịp để các cơ quan thực thi pháp luật, doanh nghiệp, hiệp hội trong khu vực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đưa ra các giải pháp và sáng kiến hợp tác nhằm tăng cường kiểm soát, thực thi đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại thông qua môi trường thương mại điện tử.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ về những khó khăn trong việc kiểm tra kiểm soát thị trường mạng, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, trong giai đoạn Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, nhiều loại hình kinh doanh thương mại mới được hình thành và phát triển đặc biệt hoạt động thương mại điện tử đang tỏ ra cực kỳ hữu hiệu và có xu hướng phát triển rất nhanh nhờ những lợi ích, sự thuận tiện mà nó đem lại cho cả người mua và người bán.

Tuy nhiên, đi cùng với đó là những bất cập gây khó khăn cho việc kiểm soát của lực lượng chức năng như nhiều cơ sở kinh doanh đã lựa chọn sử dụng các ứng dụng di động, nhất là các mạng xã hội như Facebook, Zalo để hoạt động thương mại điện tử.

Đáng lưu ý, địa điểm hoạt động thường là các khu chung cư, đặc biệt nhiều đối tượng sử dụng các khu chung cư cao cấp (muốn lên các phòng phải sử dụng thẻ…) dẫn đến rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, kiểm tra, xử lý.

Không những thế, một số website kinh doanh các mặt hàng cấm kinh doanh, các mặt hàng nhập lậu trên các website thương mại điện tử hoặc trên các ứng dụng di động.

Đa phần các cơ sở này đều không đưa thông tin cụ thể về địa chỉ website hoặc có đưa lên cũng là các địa chỉ ảo, việc giao hàng thường thông qua các dịch vụ vận chuyển như Grab, Be… nên khó nắm bắt quy luật hoạt động.

Ngoài ra, một số hành vi vi phạm trên thương mại điện tử như đăng tải các hình ảnh, thông tin về thuốc chữa bệnh có kê đơn, rượu, thuốc lá lậu… nhưng chưa có chế tài xử lý về mặt thương mại điện tử đối với các hoạt động này dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai.

Đáng lưu ý, trong hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng, nhiều đơn vị lợi dụng các ứng dụng trên website, hoặc ứng dụng di động để viết bài hoặc tư vấn về tác dụng của thực phẩm chức năng không đúng, thổi phồng các công dụng của thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm cho khách hàng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tại hội nghị, ông Hoàng Đại Nghĩa cũng đề xuất việc tăng cường, phối hợp trong thông tin, tuyên truyền để người dân khi tham gia mua hàng cần quan tâm đến tính minh bạch của các trang thương mại điện tử, không mua hàng ở những nơi không có địa chỉ rõ ràng hoặc niêm yết giá bán rẻ hơn nhiều so với giá trị thực tế hàng hóa.

Cùng với đó, phải có giải pháp cụ thể để xác minh, xác định địa chỉ các website đang hoạt động, đặc biệt là các website có tên miền quốc tế như các tên miền có đuôi .com, .online, .site…

Đặc biệt, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tài khoản trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo… đây là công cụ chính của hoạt động bán lẻ trên thương mại điện tử hiện nay.

Mặt khác, chủ sở hữu của các nhãn hàng hóa phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm có được những thông tin nhanh, kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử.

Ngoài ra, để làm tốt nhiệm vụ này cần bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ để có những cán bộ, kiểm soát viên thị trường có trình độ, có kinh nghiệm trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát và không thực hiện luân chuyển đối với những cán bộ, kiểm soát viên là hạt nhân, đầu mối trong đấu tranh, xử lý các hoạt động sai phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục