Xuất hiện tình trạng lợi dụng chuyển phát nhanh vận chuyển hàng lậu, hàng giả

16:22' - 06/12/2024
BNEWS Tình hình buôn bán hàng cấm, hàng lậu gian lận thương mại giảm nhưng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có xu hướng tăng cao và diễn biến phức tạp trên nhiều không gian thương mại.
Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hợp tác trong chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ” do Tạp chí Hải quan tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 6/12.

Bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan thông tin: Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua tiềm ẩn diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường. Nhiều loại hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, hàng hóa khan hiếm trên thị trường như khoáng sản, xăng dầu và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như đường cát, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, điện tử, hàng tiêu dùng, phụ tùng xe đạp, xe máy… có chiều hướng gia tăng mức độ phức tạp trên các tuyến, địa bàn trong cả nước và cả trên không gian mạng.

 
Theo số liệu của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 9 tháng năm 2024, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý trên 39.000 vụ vi phạm, giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, trong khi tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu ghi nhận 6.118 vụ, giảm 18,3%; gian lận thương mại, gian lận thuế là 31.473 vụ, giảm 21,7%; thì hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ghi nhận 1.426 vụ, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Mức độ nghiêm trọng của các vụ việc cũng có chiều hướng tăng lên với 810 vụ việc bị khởi tố hình sự với 1.132 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2023 ghi nhận tăng 9% về số vụ và tăng 14,3% về số đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước trên 2.854 tỷ đồng.

Riêng ngành Hải quan, trong 9 tháng năm 2024 toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 12.949 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 23.757 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 21 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 128 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 522 tỷ đồng. Trong số các vụ việc bị phát hiện, bắt giữ, xử lý, nhiều trường hợp hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều đường khác nhau như nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu, gian lận thương mại…

Thời gian gần đây cũng ghi nhận tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Sendo...), các mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, Youtube...) và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt, trong năm 2024 nổi lên tình trạng buôn lậu các mặt hàng có giá trị cao, hàng xa xỉ như kim cương, vàng, ngoại tệ, hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng như HERMÈS, Apple…

Đại diện một nhãn hàng cho rằng, thời gian qua lực lượng chức năng đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp kiểm soát chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, thu được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn xuất hiện nhiều nơi, gây thiệt hại cả về kinh tế, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng hàng chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng lậu, hàng giả. Thủ đoạn là dùng chuyển phát nhanh, chia nhỏ các đơn hàng gửi cho nhiều cá nhân, nhiều địa chỉ khác nhau. Nhưng sau đó các đối tượng tập hợp lại tạo thành khối lượng hàng lớn để kinh doanh, kiếm lợi bất chính. Do đó, công tác phối hợp chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ giữa các cơ quan chức năng, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý cần được chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa.

Ông Vũ Hoài Linh, Phó Đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, nhận định: Trong thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán, nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng được dự báo sẽ tăng cao. Đi liền với đó là hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cũng sẽ gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây tổn hại nặng nề đến lợi nhuận và thương hiệu của doanh nghiệp; thất thu thuế của Nhà nước và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo toàn ngành tập trung vào một số giải pháp như: Chủ động sử dụng hệ thống nghiệp vụ, phối hợp trong và ngoài ngành (Công an, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng...) để xác định trọng điểm, phát hiện và xử lý vi phạm về hàng giả, giả mạo sở hữu trí tuệ, xuất xứ trong xuất nhập khẩu. Theo dõi phương thức lợi dụng công nghệ, pháp luật để buôn lậu, giả mạo sở hữu trí tuệ  , đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài.

Lực lượng chống buôn lậu chủ động xây dựng kế hoạch theo địa bàn, loại hình trọng điểm, tổ chức kiểm soát hiệu quả, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế. Tăng cường kiểm soát địa bàn, đối tượng, loại hình để ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, giả mạo sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại điện tử.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục