Xuất khẩu 8 tháng và điểm sáng khu vực kinh tế trong nước

17:59' - 03/09/2020
BNEWS Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,31 tỷ USD, giảm 4,5%.

Từ cuối tháng 7 trở lại đây Việt Nam liên tục ghi nhận các ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng cùng diễn biến phức tạp kéo dài hơn so với kịch bản và dự báo đã và đang tác động mạnh đến hầu hết các ngành kinh tế.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế, với những giải pháp linh hoạt, kịp thời, Việt Nam lại tiếp tục xuất siêu 11,9 tỷ USD trong 8 tháng năm 2020.

Vượt lên thách thức

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2020 đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước, chủ yếu do Công ty Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới Note 20; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17 tỷ USD, tăng 8%.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2020 tăng 6,5% so với tháng 7/2020 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5 tỷ USD là mức cao nhất tính theo tháng trong năm 2020.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2020 tăng 2,5%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,6%.

Tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,31 tỷ USD (chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 4,5%.

Đáng chú ý, trong 8 tháng có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 31,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD, tăng 24,8%; hàng dệt may đạt 19,2 tỷ USD, giảm 11,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD, tăng 31,9%; giày dép đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6%...

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, mặc dù trong tháng 8/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2019 nhưng xét tới các nhóm hàng, mặt hàng chính vẫn cho thấy sự khó khăn nhất định.

So với tháng 8/2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng chủ yếu đến từ đà tăng trưởng cao của một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với mức tăng 15%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 43,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 21,7%.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực khác vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019 như điện thoại các loại và linh kiện ,hàng dệt và may mặc, giày dép, xơ, sợi, dệt các loại...

Ngoài ra, một số mặt hàng nông, thủy sản cũng ghi nhận sự sụt giảm như thủy sản, hạt điều, cà phê, chè các loại, hạt tiêu.

Phân tích thêm về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng, ông Trần Thanh Hải cho hay, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản của Việt Nam có sự sụt giảm, chỉ có nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhẹ.

Tính tới thời điểm hết tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu của đa số các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước như thủy sản giảm 5,3%; rau quả giảm 11,3%; cà phê giảm 1,3%; hạt tiêu giảm 20%; cao su giảm 12,7%.

Ngoài ra, xuất khẩu hạt điều và chè dù tăng 9% và 3,5% về lượng nhưng lại giảm 5,4% và 6,2% về kim ngạch do giá xuất khẩu giảm.

Trong khi đó, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019, tăng 15,6% về lượng và 3,6% về kim ngạch.

Riêng mặt hàng gạo giảm nhẹ 1,7% về lượng nhưng tăng 10,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019, đạt 4,5 triệu tấn, kim ngạch 2,2 tỷ USD.

Trong 8 tháng/2020, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng gạo đã tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 489 USD/tấn.

Tuy nhiên, do giá gạo thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ở mức cao trong thời gian qua dẫn đến các hoạt động thương mại gạo không được sôi động như những tháng đầu năm.

Hơn nữa, dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ…

Một số nước khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, mở cửa biên giới lại phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai quay trở lại đã ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại.

Vì thế, trong 8 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 46,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến lần lượt là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2020 đạt 23 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 0,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,7 tỷ USD, tăng 7,5%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 8/2020 tăng 2,8%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 4,4%.

Như vậy, tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 162,21 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 72,05 tỷ USD, tăng 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 90,16 tỷ USD, giảm 6,0%.

Ông Trần Thanh Hải chia sẻ thêm, chiếm 88,45% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 là nhóm hàng cần nhập khẩu gồm nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước với kim ngạch đạt 143,5 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, trong tháng 8/2020, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này có tăng trưởng dương với mức tăng 4% so với tháng 7/2020 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tương tự, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng giảm khá mạnh 15,6% trong 8 tháng; trong đó, kim ngạch nhập khẩu rau quả và ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm mạnh nhất, giảm tới 35,6% và 46,8%.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,3 tỷ USD, kế đó là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU.

Theo đó, tháng 8 xuất siêu cả nước đạt 3,5 tỷ USD nên tính chung 8 tháng, xuất siêu đã đạt 11,9 tỷ USD; trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đã xuất siêu 23,1 tỷ USD.

Linh hoạt các giải pháp

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất nhập khẩu trong những tháng tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, Bộ Công Thương đã xây dựng những văn bản quy định về xuất xứ hàng hóa, chống gian lận xuất xứ hàng hóa, bước đầu mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ lớn trong điều hành và phát triển xuất khẩu bền vững.

Hơn nữa, Cục Xuất Nhập khẩu đã nghiên cứu, xây dựng kịch bản xuất nhập khẩu cho các thị trường, ngành hàng, đề ra các nhóm giải pháp phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp, địa phương ngành hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại đánh giá lại các nhóm hàng có nguy cơ liên quan đến các tranh chấp thương mại kể cả các đối tác lớn cũng như đối tác ngày càng quan trọng của Việt Nam.

Mặt khác, để có những giải pháp hữu hiệu nhằm tiếp cận mục tiêu tăng trưởng, theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Bộ Công Thương tiếp tục đôn đốc, tổng hợp kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, triển khai các kế hoạch này.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp.

Tới đây, Bộ Công Thương tiến hành xây dựng Kế hoạch hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững với mục tiêu rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam; hình thành hệ thống nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường chuyên sâu cho các ngành hàng chủ lực; rà soát, xác định các thị trường mục tiêu tiềm năng.

Đáng lưu ý, Bộ tiếp tục triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch.

Đặc biệt, Bộ Công Thương còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số, tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục