Xuất khẩu cá tra Việt Nam - Bài 2: Bệ phóng trong năm 2019

11:04' - 30/12/2018
BNEWS Trước thành công của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2018, toàn ngành xem kết quả này như một bệ phóng để tạo đà phát triển hơn nữa cho ngành cá tra trong năm 2019.

Các doanh nghiệp trong ngành cá tra xác định, phải thay đổi kế hoạch sản xuất, chuyển sang nâng giá trị sản phẩm cá tra mới có thể tăng năng lực cạnh tranh trước các đối thủ trên thị trường thế giới.

Thu hoạch cá tra ở vùng nuôi cá tra thương phẩm của Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Thủy Sản An Mỹ (An Giang). Ảnh: Công Mạo-TTXVN

*Thêm nhiều đối thủ

Trong nhiều năm cá tra mang lại lợi nhuận lớn cho người nuôi và doanh nghiệp Việt Nam, điều này khiến nhiều quốc gia châu Á như Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Indonesia… cũng rục rịch "tấn công" vào ngành nuôi cá tra, tăng sự cạnh tranh cho loại thủy sản này; trong đó, không thể không kể đến Trung Quốc – một quốc gia tiêu thụ 60% sản lượng cá tra nguyên liệu của Việt Nam.

Theo đó,Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở đảo Hải Nam, sản lượng cá tra tại Ấn Độ đạt 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kể từ tháng 11/2018, nguồn nguyên liệu cá tra Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm, một phần do sự căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, làm cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra khó đưa hàng vào thị trường Mỹ, dẫn đến giảm nhập khẩu cá tra nguyên liệu từ Việt Nam.

Mặt khác, Trung Quốc cũng bắt đầu có chiến lược nuôi cá tra để giảm thiểu nhập khẩu cá tra nguyên liệu để cung ứng cho thị trường trong nước, tăng khả năng cạnh tranh với nguồn cung cá tra Việt Nam.

Ông Vĩ Tích Thành, Tham tán Thương mại và Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, người Trung Quốc gần đây rất thích ăn cá tra, basa cho món lẩu, nhất là người tiêu dùng ở các tỉnh xa biển, ít được ăn thủy sản.

Vì vậy, Trung Quốc bắt đầu hoạt động nuôi cá tra và đã tăng cường nhập khẩu giống cá tra từ Việt Nam, để cung ứng cho nhu cầu nuôi cá tra trong nước.

Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, qua khảo sát thông tin thị trường Trung Đông, mức chi tiêu trung bình của người tiêu dùng tại thị trường Trung Đông khá cao, và có xu hướng tăng dần qua từng năm. Do đó, đây là thị trường mới cho các mặt hàng nông sản; trong đó có cá tra.

Indonesia nhận thấy thị trường Trung Đông sẽ mở cửa cho mặt hàng cá tra Việt Nam trong thời gian tới, con cá tra sẽ có thêm nhiều cơ hội mang lợi nhuận lớn về cho Việt Nam.

Phía Indonesia cũng bắt đầu triển khai phát triển thương hiệu sản phẩm cá tra mới nhắm vào thị trường Trung Đông trong năm 2019.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, một số nước khác nuôi cá tra với mục đích chính là đáp ứng nhu cầu nội địa. Trong khi đó, hầu hết cá tra Việt Nam phục vụ cho xuất khẩu.

Nếu nguồn cung của nhóm nước này vượt quá nhu cầu nội địa, họ sẽ xuất khẩu phần thừa, dù khi bắt đầu thị phần rất nhỏ nhưng cũng làm tăng sức ép cạnh tranh đối với cá tra Việt Nam.

*Đặt mục tiêu nâng giá trị

Trước thế cạnh tranh mới trong năm 2019, toàn ngành cá tra Việt Nam xác định hướng đi khác biệt hơn so với khoảng thời gian trước đây để cạnh tranh với nguồn cung cá tra nguyên liệu từ các quốc gia nuôi cá tra mới nổi.

Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, dù các quốc gia đang có kế hoạch nuôi cá tra, nhưng xét đến cùng, chất lượng cá tra của các quốc gia này được đánh giá là thấp hơn so với sản phẩm cá tra hiện nay.

Vùng nuôi cá tra xuất khẩu ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Cụ thể, thịt cá tra được nuôi tại đảo Hải Nam, Trung Quốc có màu vàng nên chưa được khách hàng tại thị trường này ưa chuộng như đối với cá tra thịt trắng của Việt Nam.

Thêm vào đó, sự đa dạng trong chế biến biến sản phẩm cũng chưa cao, hầu hết chỉ mới dừng lại ở loại hình cá phi lê đông lạnh nên các sản phẩm cá tra chế biến của Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn đối với khách hàng tại các quốc gia này, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm nhận xét.

Điều này cho thấy, dù con cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh mới, nhưng những thành quả đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là các sản phẩm chế biến đã giúp sản phẩm cá tra Việt Nam đi đầu trong cuộc cạnh tranh này.

Vì vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu mới trong năm 2019 cho ngành cá tra.

Để ngành cá tra nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục tăng trưởng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cần nhanh chóng tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, giảm chi phí đầu vào và có phân khúc khách hàng riêng để tránh làm ảnh hưởng lẫn nhau.

Chính phương án nâng giá trị sản phẩm cá tra, đánh mạnh vào từng phân khúc cụ thể sẽ giúp ngành cá tra Việt Nam có thể ứng phó được những diễn biến khó lường của thị trường hiện nay.

Đặc biệt là diễn biến khó lường trong hoạt động nhập khẩu cá tra của thị trường Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, diện tích nuôi cá tra của Việt Nam trong năm 2018 đạt 5.400 ha, tăng 3,3% so với năm 2017, sản lượng thu được 1,42 triệu tấn, tăng 8,4%.

Với sản lượng này, chưa đủ cung ứng cho hoạt động, chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam trong năm 2018.

Thế nhưng, các địa phương sản xuất cá tra của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải thận trọng trong quy hoạch tăng diện tích sản xuất cá tra.

Trong thời gian tới, các địa phương giữ vững sản lượng nhưng tăng cường chế biến, đa dạng sản phẩm chế biến hơn nữa để nâng cao giá trị sản phẩm cá tra, giúp ngành cá tra ứng phó được biến động nguồn cung nguyên liệu khi các quốc gia khác gia tăng sản xuất cá tra, dẫn đến thừa nguyên liệu cá tra cung ứng ra thị trường thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục