Xuất khẩu gạo: Đối mặt khó khăn

16:35' - 01/11/2019
BNEWS Sản lượng xuất khẩu gạo tiếp tục tăng, nhưng kim ngạch lại giảm khá mạnh. Đây là mặt hàng xuất khẩu truyền thống, phải cạnh tranh để thay đổi, phát triển.
10 tháng, xuất khẩu gạo giảm trên 9% giá trị. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Sản lượng xuất khẩu gạo tiếp tục tăng, nhưng kim ngạch lại giảm khá mạnh. Nguyên nhân là do giá xuất khẩu gạo năm nay liên tục giảm và duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với năm 2018. Thậm chí có thời điểm, giá gạo xuất khẩu đã “chạm đáy” trong 12 năm qua. Điều này đặt ra yêu cầu các bộ, ngành liên quan có các giải pháp trước mắt và lâu dài cho mặt hàng này.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng năm 2019, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 5,56 triệu tấn với 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 9 tháng đạt 1,89 triệu tấn với 773,8 triệu USD, gấp 2,9 lần về khối lượng và gấp 2,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng năm 2019 đạt 435,6 USD/tấn, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, giá gạo có thời điểm xuống thấp nhất còn khoảng 325 USD/tấn. Khó khăn trong xuất khẩu lúa gạo chủ yếu là sang Trung Quốc.
"Năm nay, lượng gạo tồn kho của Trung Quốc khá cao và họ liên tục xả kho. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiến hành kiểm soát chặt vấn đề chất lượng, đa dạng hóa thị trường cung cấp gạo. Trung Quốc cấp hạn ngạch cho các thị trường khác như: Myanmar, Campuchia… nên xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc càng gặp nhiều khó khăn.", ông Trần Công Thắng cho hay.
Nhiều năm liền, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Trung Quốc duy trì ổn định ở mức 2 triệu tấn/năm, giá trị khoảng 900 triệu USD. Đây là thị trường thường xuyên duy trì vị trí đứng đầu trong nhập khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2018 xuất khẩu gạo sang thị trường này có xu hướng giảm khá mạnh, do Trung Quốc đã bắt đầu thực thi hàng loạt quy định đối với nông sản Việt Nam khi muốn xuất khẩu vào thị trường này; trong đó có mặt hàng gạo.
Đối với các doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo, Trung Quốc yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật được đặt ra bởi cả Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc chưa đạt được các yêu cầu kiểm tra của họ.
Hiện nay, Việt Nam mới có 20 doanh nghiệp đang được phép xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện nay có thêm các nước tham gia cung cấp gạo nên Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác. Bên cạnh đó, hiện Trung Quốc đồng ý đẩy nhanh việc xem xét đề nghị của 40 doanh nghiệp Campuchia muốn xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc.
 Xuất khẩu gạo Campuchia sang Trung Quốc tăng mạnh. Ảnh minh họa: Nguyên Lý-TTXVN 
Chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) Song Saran cho biết, trong 9 tháng năm 2019, xuất khẩu gạo Campuchia sang Trung Quốc tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 157.800 tấn, chiếm 39,6% tổng lượng gạo xuất khẩu của Campuchia. Trong khi cả năm 2018, Campuchia chỉ xuất khẩu 170.000 tấn gạo trong số 300.000 tấn gạo trong hạn ngạch được phép vào thị trường Trung Quốc. CRF kỳ vọng có thể xuất được toàn bộ 300.000 tấn trong hạn ngạch và hướng đến xuất khẩu được 400.000 tấn vào năm 2020.
Chưa kể có những thời điểm Trung Quốc tiến hành xả kho gạo dự trữ. Do nhu cầu giảm nên phía Trung Quốc càng thắt chặt việc nhập khẩu bằng nhiều cách như: tăng thuế nhập khẩu gạo nếp từ 5% lên 50% và kiểm soát chặt nhập khẩu gạo.
Một thương nhân ở Tp. Hồ Chí Minh nói rằng, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường mới để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh lượng gạo xuất sang Trung Quốc. Không chỉ khó khăn từ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu gạo sang các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như: Indonesia, Bangladesh cũng không thuận lợi do các nước này đều giảm nhập khẩu.
Năm ngoái, Philippines đã trải qua lạm phát đạt đỉnh 6,7% trong tháng 10/2018, mức cao nhất trong gần một thập kỷ. Nguyên nhân được cho là do giá lương thực, đặc biệt là gạo, là tác nhân chính gây ra lạm phát cao trong năm ngoái. Do đó, nông dân Philippines sẽ tiếp tục trồng lúa mặc dù giá loại lương thực này còn thấp. Cùng với đó là hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp lúa gạo sẽ cải thiện trong năm tới.
Có lẽ bởi vậy mà Philippines đã mua rất nhiều gạo trong thời gian gần đây để gia tăng lượng hàng dự trữ của họ. Sau khi nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục trong năm nay, Philippines dự kiến sẽ giảm nhập khẩu mặt hàng này trong năm tới, trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và năng suất của các doanh nghiệp trong nước được cải thiện.
Việc thiếu vắng các thỏa thuận mới, đặc biệt là do nhu cầu từ Philippines suy giảm trong bối cảnh có những dự báo thị trường quan trọng này có thể cắt giảm nhập khẩu gạo để hỗ trợ nông dân địa phương. Điều này đã tạo sức ép lên giá gạo của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Indonesia cho biết sẽ ưu tiên nhập khẩu nhiều loại nông sản; trong đó, có gạo từ Ấn Độ, sau khi quốc gia Nam Á này đồng ý cắt giảm thuế nhập khẩu dầu cọ thô từ Malaysia và Indonesia vào đầu tháng 9/2019. Indonesia sẽ dành ưu tiên cho các sản phẩm của Ấn Độ, nhất là gạo basmati.
Nhu cầu tiêu thụ gạo đang giảm đi, trong khi các nước tăng cường chấn hưng nông nghiệp, gia tăng nguồn cung trong nước… nhằm bảo đảm an ninh lương thực, ổn định chính trị, xã hội. Điều này không chỉ tác động đến việc xuất khẩu gạo Việt Nam mà ngay cả nước đứng đầu xuất khẩu gạo thế giới là Thái Lan cũng gặp không ít khó khăn.
Thái Lan dự báo sản lượng xuất khẩu gạo năm nay giảm và sẽ chỉ đạt khoảng 8-8,1 triệu tấn, giảm 3,5 triệu tấn so với năm 2018 và thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Mức dự báo trên thấp hơn mức chỉ tiêu xuất khẩu 9 triệu tấn gạo đặt ra cho cả năm. Rất nhiều nhà xuất khẩu của Thái Lan đã thua lỗ do đồng baht của nước này tăng giá, nhưng vẫn cố gắng “cầm cự” để bảo vệ thị phần.
Giá xuất khẩu gạo giảm mạnh so với năm 2018. Ảnh minh họa: Đình Huệ - TTXVN
Trước tình hình thị trường như vậy, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, gạo là mặt hàng xuất khẩu truyền thống, phải cạnh tranh để thay đổi, phát triển. Giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo trong thời gian tới là phải thúc đẩy gỡ khó trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu khác cần đẩy mạnh là Philippines, châu Phi…
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này đã tổ chức mời đoàn doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc sang Việt Nam nhằm kết nối, giao thương và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại gạo. Các doanh nghiệp Trung Quốc được thăm quan thực địa tại các địa phương có sản lượng gạo hàng hóa lớn và tập trung nhiều doanh nghiệp xuất khẩu để có thể thấy được những tiến bộ về chất lượng gạo Việt Nam, tiềm năng trong sản xuất cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, giúp doanh nghiệp Trung Quốc có những đánh giá thực tế về hoạt động sản xuất, chế biến gạo và thương hiệu gạo Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, giải pháp trước mắt là mở rộng thị trường mới, tập trung gồm châu Phi, ASEAN để bù đắp sự sụt giảm ở thị trường Trung Quốc. Trong sản xuất sẽ cơ cấu các giống lúa cho phù hợp những nhóm thị trường trên.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, chủ trương ngành sẽ giảm 500.000 ha đất lúa để chuyển sang đối tượng sản xuất nông nghiệp khác là thủy sản, trái cây... Mỗi vùng miền có thế mạnh nào sẽ chuyển đổi đối tượng đó để giảm áp lực về sản lượng lúa gạo.
Ngành lúa gạo cần tập trung chế biến sâu hơn nữa, chuỗi giá trị gạo không chỉ là hạt gạo mà là các sản phẩm phụ như trấu, cám, dầu, kể cả sản phẩm gạo cũng phải đa dạng như: gạo hữu cơ, gạo dược liệu… mới đem lại hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục