Xuất khẩu gạo kỳ vọng những tín hiệu tốt

16:47' - 05/08/2021
BNEWS Trong 7 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,58 triệu tấn với giá trị 1,94 tỷ USD, giảm 10,6% về khối lượng và giảm 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Giá gạo xuất khẩu gần đây có xu hướng giảm nhưng theo các doanh nghiệp đây chỉ là biến động trong ngắn hạn.

Thời gian tới, giá gạo xuất khẩu vẫn có khả năng tăng trở lại, nhưng quan trọng nhất là phải kiểm soát tốt dịch COVID-19 trong nước để việc lưu thông, vận chuyển được dễ dàng hơn.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7/2021 ước đạt 550 nghìn tấn với giá trị đạt 289 triệu USD.

Như vậy, tổng khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đạt 3,58 triệu tấn với giá trị 1,94 tỷ USD, giảm 10,6% về khối lượng và giảm 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng năm 2021 với 35,2% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,09 triệu tấn với 579,8 triệu USD, giảm 20,6% về khối lượng và giảm 8,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 6 tháng năm 2021, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Bangladesh với mức tăng gấp 142 lần. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Indonesia với mức giảm 60,5%. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 544 USD/tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo jasmine và gạo thơm chiếm 42,7% tổng kim ngạch; gạo trắng chiếm 38,2%; gạo nếp chiếm 16,4%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 2,7%, còn các loại gạo khác chiếm 0,1%.

Về thị trường xuất khẩu gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines chiếm 26,8%, Ghana chiếm 23% và Bờ Biển Ngà chiếm 14%. Với gạo trắng, thị trường lớn nhất của Việt Nam cũng là Philippines chiếm gần 59%, Cuba chiếm trên 10% và Bangladesh chiếm 5%.

Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc chiếm trên 80%, Malaysia chiếm trên 6% và Philippines gần 6%. Với gạo japonica và gạo giống Nhật, đứng đầu vẫn là Philippines, tiếp đến là Trung Quốc và Malaysia.

Trên thị trường thế giới, trong tuần vừa qua, giá gạo 5% tấm tại Thái Lan và Việt Nam giảm, còn Ấn Độ giữ nguyên. Giá gạo 5% tấm trung bình của Thái Lan đạt 397 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn so với tuần trước đó. Mặc dù giá gạo Thái Lan đã giảm trong thời gian qua nhưng lượng người mua vẫn không tăng lên nhiều.

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đạt mức trung bình 364 USD/tấn, tương đương so với tuần trước. Các thương nhân Ấn Độ cho biết, nhu cầu từ các nước châu Á và châu Phi đang khá ổn định.

Giá gạo Việt Nam loại 5% tấm ước tính đạt 390 USD/tấn, giảm 8 USD/tấn so với tuần trước. Khối lượng gạo được bán ra đang rất chậm do sự hạn chế vận chuyển trong bối cảnh dịch bệnh.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex cho biết, xuất khẩu gạo tuy có giảm nhưng cũng không hẳn là khó khăn. Khó khăn chính là các doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được đơn hàng.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Nam bộ khiến thiếu lao động bốc xếp và đơn vị muốn mua hàng nhưng cũng không có người làm. Chưa kể, nếu phát hiện một chuyến hàng hay một nhà máy có lao động bị nhiễm COVID-19 là tất cả bị “đóng băng”.

Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu thu mua lúa qua thương lái. Thương lái lại gặp khó khăn trong hoạt động. Theo quy định, lao động làm việc không đảm bảo được phòng dịch cũng không được hoạt động, trong khi hoạt động bốc xếp lúa gạo đòi hỏi nhiều lao động.

Các nhà máy của Tập đoàn Intimex vẫn hoạt động bình thường nhờ tổ chức phương án “3 tại chỗ” sớm. Hệ thống máy móc trong nhà máy tự động hóa nhiều nên cũng không phải sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên, khâu bốc xếp hàng hóa thì cần lực lượng lao động bên ngoài và rất khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó tình trạng này.

"Trong tình hình hiện nay, vẫn có những doanh nghiệp xuất khẩu nhưng cũng lượng rất thấp so với trước đây. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước trong khu vực còn đỡ về chi phí, nếu bán sang châu Phi giá vận chuyển quá cao. Việc giá gạo đi xuống trong thời gian vừa qua chỉ là biến động ngắn hạn. Giá gạo vẫn có cơ hội tăng trở lại, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đang rất e ngại về giá vận chuyển", ông Đỗ Hà Nam cho hay.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, trong tình hình xuất khẩu khá trầm lắng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng doanh nghiệp đã có hợp đồng xuất khẩu hơn 10.000 tấn gạo.

Tuy nhiên, thực hiện giãn cách, nhân lực của doanh nghiệp nghỉ đến 2/3 nên không đủ năng lực sản xuất, chế biến phục vụ xuất khẩu. Với 1/3 công nhân hiện tại không thể đảm đương được hết các công đoạn từ sản xuất, đóng hàng, vận chuyển.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, họ đã ký kết hợp đồng và phải giao hàng. Trong bối cảnh hiện nay, các công ty đang cố gắng đàm phán tìm tàu và container đóng hàng để kịp giao hàng. Thậm chí, có doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, do phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch nên việc thu mua, chế biến, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp rất khó khăn.

Nhưng đây chỉ là khó khăn nhất thời, về tổng quan thì tổng nhu cầu gạo trên thị trường thế giới sẽ tăng, trong khi nguồn cung từ các quốc giá xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan sẽ giảm. Đây là cơ hội để gạo Việt đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo ông Đỗ Hà Nam, khó khăn chính trong xuất khẩu gạo hiện vẫn là ở trong nước và quan trọng là nhanh chóng kiểm soát được dịch COVID-19. Hiện nay, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 ở các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm còn hạn chế. Các địa phương cần có phương án tổ chức tiêm vaccine sao cho đạt hiệu quả phòng chống dịch tốt nhất.

Với những nỗ lực của Chính phủ cùng các bộ, ngành, những khó khăn trong hoạt động sản xuất, cung ứng, tiêu thụ và xuất khẩu đang được cải thiện đáng kể. Kỳ vọng Việt Nam sớm kiểm soát tốt dịch COVID-19 và xuất khẩu gạo sẽ lạc quan hơn./.

>>Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục