Xuất khẩu gỗ tăng cao nhờ mặt hàng mới và thị trường mới

06:30' - 15/10/2017
BNEWS Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2017 có khả năng đạt mức 8 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm là 7-7,5 tỷ USD..
Xuất khẩu gỗ tăng cao nhờ mặt hàng mới và thị trường mới. Ảnh minh họa: TTXVN

* Xuất khẩu gỗ năm 2017 có thể đạt mức 8 tỷ USD

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt khoảng 5,9 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu quan trọng nhất. Bình quân giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào 5 thị trường này chiếm gần 90% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam

Nguyên nhân mang lại tốc độ tăng trưởng trên, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, là do năm 2017, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ván nhân tạo, ván dăm, MDF và gỗ viên nén tăng rất mạnh trong khi những năm trước, tỷ lệ xuất khẩu mặt hàng này ở mức thấp. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam còn khai thác được thêm nhiều thị trường mới và đây sẽ là tiền đề để kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trưởng trong những năm tới. Ông Quyền nhấn mạnh, với tốc độ tăng trưởng bình quân 11%/tháng, và thời vụ xuất khẩu chính của ngành gỗ là tháng 3 tháng cuối năm thì con số 8 tỷ USD xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm chắc chắn sẽ đạt được.

Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng nhanh nên ngành gỗ Việt Nam đang gặp phải thách thức là khan hiếm nguồn gỗ nguyên liệu. Cạnh tranh thể hiện ở cả nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung từ thị trường trong nước. Cụ thể, về nguồn cung nhập khẩu, chính sách cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên của chính phủ Trung Quốc cùng với chính sách siết chặt việc khai thác, thương mại và xuất khẩu gỗ nguyên liệu tại một số quốc gia cung cấp gỗ rừng tự nhiên từ rừng nhiệt đới đã làm nguồn cung gỗ thiếu hụt, gây ra tình trạng cạnh tranh mua gỗ trên phạm vi toàn cầu. Về nguồn cung trong nước, cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu trong nước đặc biệt gay gắt đối với gỗ rừng trồng và gỗ cao su, giữa các công ty chế biến đồ gỗ và các công ty chế biến dăm gỗ; giữa các công ty trong nước và nước ngoài...

Bên cạnh đó, một số nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ tăng cường kiểm soát tính pháp lý của nguồn gốc gỗ. Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends, Mỹ đang có chính sách hướng nội, mong muốn mang lại công việc trở lại nước Mỹ. Như vậy, sau Trung Quốc (hàng năm xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD mặt hàng gỗ vào Mỹ), Việt Nam có thể là nước tiếp theo bị “để ý" khi kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam sang thị trường này đã vào khoảng 2,7 tỷ USD.

Ngoài ra, tại các thị trường xuất khẩu chính khác, có những tín hiệu cho thấy sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách của chính phủ nhằm quản lý chặt hơn các mặt hàng gỗ nhập khẩu. Tín hiệu rõ ràng nhất có thể thấy ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, là 2 trong 5 thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ lớn nhất của Việt Nam. Nếu đúng theo lộ trình của Chính phủ Hàn Quốc, cuối năm 2017 các nhà nhập khẩu Hàn Quốc bắt đầu phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ. Tiến trình tương tự sẽ diễn ra ở Nhật Bản nhưng có thể muộn hơn, khoảng tháng 3-2018). Việc thực hiện các quy định này sẽ tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này.

Do đó, việc tìm ra các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu rủi ro là chiến lược phát triển lâu dài cho mỗi doanh nghiệp và cả ngành gỗ của Việt Nam trong tương lai.

* Để ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững

Trước những thách thức và áp lực kể trên, tháng 5-2017, sau 6 năm đàm phán, Việt Nam đã chính thức ký tắt Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (VPA/FLEGT). Thực thi Hiệp định này, Việt Nam sẽ đảm bảo toàn bộ các sản phẩm gỗ nằm trong danh mục đã được thống nhất giữa Chính phủ Việt Nam và EU, bao gồm cả các sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa và các sản phẩm xuất khẩu là các sản phẩm hợp pháp. Việc ký kết VPA/FLEGT là sự kiện đặc biệt quan trọng, có thể tạo ra những thay đổi căn bản ngành chế biến gỗ của Việt Nam, cho cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, bao gồm cả các quốc gia cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam và các quốc gia tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam.

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc từ nhập khẩu, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu “sạch” là nhu cầu cấp bách. Điều này không những nhằm đáp ứng với các yêu cầu hiện nay từ các thị trường xuất khẩu quan trọng truyền thống của Việt Nam mà còn góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho ngành gỗ Việt Nam trong việc đáp ứng với các yêu cầu mới tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai. Để làm điều điều này cần có sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và cơ chế kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, ông Võ Đình Tuyên, Vụ Kinh tế ngành - Văn phòng Chính phủ cho rằng để dễ dàng đảm bảo nguồn gốc trong nước hợp pháp, vấn đề quan trọng là phải gắn kết nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu. Điều này giúp ngành chế biến gỗ hướng đến phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục