Khánh thành nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam

15:35' - 19/08/2017
BNEWS Ngày 19/8, tại xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, Công ty cổ phần Gỗ công nghiệp Quảng Nam đã tổ chức khánh thành, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam.
Các đại biểu thăm quan sản phẩm của nhà máy. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN

Đây là nhà máy chế biến gỗ được thiết kế có quy mô lớn nhất khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, với quy mô rộng 18 ha.

Qua 4 năm xây dựng, Nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam đã hoàn thành giai đoạn 1 rộng hơn 11 ha, có quy mô 18.000 m2 nhà xưởng, 10 hầm sấy hơi nước với công suất 1.500 m3/tháng, 30.000 m2 sân phơi, cũng như hoàn thiện các hạng mục phụ trợ phục vụ sản xuất.

Nhà máy có 2 dây chuyền sản suất ván dán và ván ghép thanh với quy mô công suất 75.000 m3 sản phẩm/năm.

Đây là hai dây chuyền sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay trong lĩnh vực chế biến gỗ.

Hiện nay, nhà máy đang giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân mỗi tháng gần 4 triệu đồng/người.

Nguyên liệu gỗ đầu vào của nhà máy được thu gom từ nguồn gỗ rừng trồng của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chủ yếu là gỗ keo.

Để đảm bảo nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu bền vững, nhà máy đang quy hoạch trồng vùng nguyên liệu gỗ lớn với diện tích khoảng 50.000 ha.

Sản phẩm của Nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam không chỉ phục vụ nhu cầu thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, Nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam có tổng công suất lên 200.000 m3 sản phẩm/năm, trở thành nhà máy chế biến gỗ lớn nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, với hơn 200.000 ha đất rừng sản xuất, tỉnh Quảng Nam là một địa phương có tiềm năng lớn để phát triển lâm nghiệp, cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Việc đưa vào sản xuất Nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam sẽ góp phần tạo đầu ra ổn định cho vùng trồng gỗ lớn nguyên liệu của tỉnh.

Đây cũng là kết quả của những nỗ lực của tỉnh trong việc tạo mọi điều kiện đầu tư tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp lên đầu tư ở các huyện miền núi giàu tiềm năng nhưng còn khó khăn của tỉnh./.

Xem thêm:

>>>Tây Nguyên đình chỉ hàng trăm cơ sở chế biến gỗ sai phạm

>>>Doanh nghiệp chế biến gỗ “lao đao” vì thiếu nguyên liệu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục