Xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống phân phối sẽ gia tăng trong năm 2025

14:22' - 25/12/2024
BNEWS Việc hàng Việt xuất khẩu trực tiếp qua nhiều hệ thống phân phối nước ngoài không chỉ giúp nhà sản xuất tăng lợi nhuận, hàng Việt còn có cơ hội xuất khẩu bằng thương hiệu riêng.

Việc hàng Việt Nam xuất khẩu trực tiếp thông qua nhiều hệ thống phân phối nước ngoài không chỉ giúp nhà sản xuất tăng lợi nhuận, hàng Việt còn có cơ hội xuất khẩu bằng thương hiệu riêng. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng thành công thương hiệu Việt tại thị trường quốc tế.

Thời gian qua, Liên hiệp hợp tác xã Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã liên tục gia tăng tỷ lệ hàng Việt xuất khẩu vào nhiều thị trường thế giới thông qua việc bắt tay với nhiều chuỗi phân phối trên toàn cầu. Năm 2025, Saigon Co.op dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 120 tỷ đồng hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt.

Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, trước bối cảnh thương hiệu Việt ngày càng khẳng định vị thế tại nhiều thị trường khó tính và nhu cầu tiêu dùng hàng Việt tại thị trường nước ngoài tăng cao, Saigon Co.op đã đưa ra chiến lược phát triển thị phần xuất khẩu gồm nhóm hàng nhãn riêng và xuất khẩu hàng hóa của nhà cung cấp. Theo đó, Saigon Co.op từng bước thiết lập hành lang xuất khẩu an toàn cho hàng Việt xuất khẩu bằng cách hợp tác với nhiều chuỗi phân phối toàn cầu. 

Năm 2023, thông qua hợp tác với NUTC Fair Price - đơn vị bán lẻ hiện đại chuyên nghiệp có trên 260 siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… đóng góp 57% thị phần tại Singapore, Saigon Co.op đã xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam sang thị trường này với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 90 tỷ đồng.

 

Mới đây, Saigon Co.op đã bắt tay cùng Công ty STC Natural Vina xuất khẩu nước chấm, bún, phở, gia vị, trà, cà phê… giá trị đơn hàng gần 70.000 USD. Toàn bộ sản phẩm sẽ được bày bán tại hệ thống siêu thị H-mart thuộc Tập đoàn Hee Chang (Hàn Quốc) với hơn 100 điểm bán tại Hoa Kỳ. Trước đó, hai đơn vị cũng xuất thành công 2 container hàng Việt sang thị trường Canada. 

Theo ông Nguyễn Anh Đức, điểm khác biệt khi xuất khẩu hàng Việt thông qua Saigon Co.op so với việc doanh nghiệp tự xuất khẩu là không phải tự tìm đơn hàng và có thể cộng gộp đơn hàng cùng doanh nghiệp khác trong hệ thống cung ứng của Saigon Co.op khi xuất khẩu. Qua đó, doanh nghiêp được mở rộng thị phần nhanh và bền vững với chi phí hợp lý và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hỗ trợ sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tránh nguy cơ tổn thất bị trả hàng.

Cùng với sự vào cuộc của Saigon Co.op, triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài tới năm 2030” của Bộ Công Thương, hàng Việt đã được đẩy mạnh xuất khẩu vào hệ thống Aeon. Thông qua đề án, nhiều loại sản phẩm Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn cao của Nhật Bản đã được Aeon nhập khẩu và đưa vào tiêu thụ tại hàng trăm siêu thị trong hệ thống tại Nhật Bản và các nước khác.

Thống kê cho thấy, sản lượng thu mua hàng hóa tại Việt Nam vào hệ thống AEON tăng trưởng mạnhqua các năm và dự kiến đạt 1 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, nhiều mặt hàng nông sản chuối, xoài tươi… đã được Aeon thu mua 100% từ Việt Nam và được đánh giá chất lượng vượt trội so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Philippines…Do đó, Aeon sẽ tìm kiếm doanh nghiệp Việt có năng lực và đápứng tiêu chí, quy chuẩn để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn trong hệ thống Aeon TopValu toàn cầu. 

Ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang chú trọng và chọn những nhà cung cấp có xu hướng phát triển sản xuất xanh. Chẳng hạn như với sản phẩm chuối, doanh nghiệp sẽ chọn những nhà cung ứng sản xuất ít phát thải ra môi trường hay cà phê từ những doanh nghiệp bảo đảm công bằng thương mại tại nơi thu mua.

Là một trong những chuỗi phân phối lớn nhất thế giới, nhiều năm qua, Walmart đã thu mua các mặt hàng từ xoài đông lạnh, trà, cà-phê đến hàng điện tử, dệt may, da giày, hàng nội ngoại thất, hàng gia dụng, đồ chơi…của Việt Nam. Đơn cử, năm 2023, Walmart thu mua 7 tỷ USD hàng Việt, chủ yếu là hàng điện tử, dệt may, đồ chơi.

Hiện tại, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống Walmart toàn cầu và đang vươn lên vị trí thứ hai sau Trung Quốc. Hàng Việt không chỉ thâm nhập vào hệ thống Walmart tại Hoa Kỳ mà còn tại các thị trường lớn khác như Trung quốc, Canada, Mexico….Dự kiến chiến lược của Tập đoàn Walmart là tập trung xây dựng Việt Nam trở thành Trung tâm cung ứng hàng hóa khu vực châu Á.

Tương tự, ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail chia sẻ, tại Việt Nam, trong các hệ thống siêu thị Central có tới 95% sản phẩm là hàng Việt như: tôm Cà Mau, cá ba sa, xoài cát Hòa Lộc... Còn tại siêu thị của Central Retail Thái Lan, nhiều mặt hàng Việt cũng được ưa chuộng như thanh long, phở, bún, cà-phê, chè… Tập đoàn sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm được nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam để đưa vào hệ thống và xuất khẩu ra nước ngoài.

Mới đây, Tập đoàn LuLu đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức thành công sự kiện “Tuần hàng Việt Nam tại Đại siêu thị Lulu” tại Sylicon Oasis, Dubai nhằm quảng bá sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tại UAE và thể hiện sự ưa chuộng hàng Việt của người tiêu dùng UAE nói chung và người tiêu dùng trong hệ thống bán lẻ Lulu nói riêng.

Ông Thamban Kanna Poduval - Giám đốc Lulu tại Dubai cho biết, Lulu là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất UAE và là nhà bán lẻ đầu tiên đưa sản phẩm Việt Nam vào thị trường này. Đến nay, đã có hơn 300 sản phẩm Việt có mặt tại hệ thống siêu thị Lulu tại UAE.

Tới đây, với lợi thế của Hiệp định Đối tác Toàn diện Việt Nam- UEA (CEPA) mà hai nước đã ký, Tập đoàn Lulu có kế hoạch tăng cường nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam, nhất là rái cây tươi, thực phẩm chế biến, thủy sản, đồ dùng gia đình, sản phẩm dệt may, hàng tiêu dùng nhanh…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao sự tham gia tích cực của Tập đoàn Lulu vào Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030”, nhằm thúc đẩy mối liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam với mạng lưới phân phối bán lẻ và nhà nhập khẩu nước ngoài.

Để tăng cường hợp tác, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị Tập đoàn Lulu phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng bộ cẩm nang Hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào hệ thống Lulu ở các nước nói chung và ở UAE nói riêng. Cùng đó, tiếp tục duy trì ngày Việt Nam tại hệ thống Lulu những năm tiếp theo để người dân UAE có thêm cơ hội tiếp cận hàng Việt chất lượng cao và giá cả cạnh tranh.

Ông Tạ Hoàng Linh- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, nếu hàng Việt tiếp cận các chuỗi bán lẻ lớn như Aeon, Walmart, Amazon, Central Retail… doanh nghiệp sẽ cắt bớt khâu trung gian trong xuất khẩu và tăng giá trị hàng Việt ra thị trường nước ngoài. Điều này làm giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt về giá cũng như quảng bá thương hiệu.

Nắm bắt được vấn đề này, 2 năm trở lại đây Bộ Công Thương đã tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing) nhằm kết nối thẳng doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với kênh phân phối lớn của thế giới. Theo đó, nhiều doanh nghiệp Việt đã tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp phân phối hoặc doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới, sở hữu chuỗi sản xuất toàn cầu và ký kết hợp đồng mở ra cơ hội lớn để xuất khẩu. 

Tuy nhiên, để hiện thực hoá việc đưa hàng Việt xuất khẩu qua hệ thống phân phối, doanh nghiệp cần có năng lực sản xuất đủ lớn, sản phẩm có sự ổn định về chất lượng, giá cả cạnh tranh. Đồng thời, đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm xanh, sạch…cũng như chiến lược dài hạn để thâm nhập thị trường và phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục