Xuất khẩu lâm sản năm 2021 có thể đạt 15,5 tỷ USD

16:48' - 07/07/2021
BNEWS Xuất khẩu lâm sản nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020. Với đà tăng trưởng này, kim ngạch lâm sản năm 2021 sẽ đạt giá trị trên 15,5 tỷ USD.

Tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 do Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức ngày 7/7 tại Hà Nội, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, xuất khẩu lâm sản nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ; Nhật Bản; Trung Quốc; EU, Hàn Quốc. Với đà tăng trưởng này, ông Bùi Chính Nghĩa nhận định, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2021 sẽ đạt giá trị trên 15,5 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2020. 
Các doanh nghiệp chế biến gỗ tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: tủ bếp, đồ nội thất… Đây cũng là những sản phẩm đã có sự tăng trưởng lớn với mức 40%; sản phẩm dăm, viên nén thì vẫn duy trì mức tăng trưởng như năm ngoái. Ngành chế biến gỗ đã có sự tăng trưởng và chuyển dịch lớn từ sản xuất các sản phẩm thô sang các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn, ông Bùi Chính Nghĩa đánh giá. 

Các doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều đơn hàng, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, EU. Đây là hiệu quả của sự hợp tác song phương giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và EU cũng như việc triển khai các hiệp định thương mại tự do, giúp các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận sâu rộng hơn với các thị trường truyền thống. 

Liên quan đến việc Hoa Kỳ điều tra một số sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, ngành sản xuất, chế biến gỗ càng cần phải sản xuất bài bản, thận trọng để các nước thấy rằng Việt Nam đang hướng tới một nền thương mại minh bạch, rõ ràng và là đối tác tin cậy của các thị trường.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, nhằm từng bước đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước minh bạch, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ thực hiện kế hoạch cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững; phối hợp chặt chẽ với Chương trình Xác nhận chứng nhận rừng (PEFC) quốc tế để đẩy nhanh việc công nhận hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và đủ điều kiện để liên thông với chứng chỉ rừng PEFC, được sử dụng nhãn hiệu của PEFC quốc tế.
Bên cạnh những thuận lợi thì ngành lâm nghiệp nói chung và xuất khẩu gỗ và lâm sản nói riêng còn nhiều thách thức. Theo đó, cùng với sự phát triển kinh tế chậm lại so với phát triển ngành gỗ cùng với sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế thế giới, việc này sẽ ảnh hưởng đến thương mại hai chiều giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, chi phí logistics đang tăng cao, thiếu container rỗng, chi phí vận tải tăng, chi phí vật tư như sơn, keo trong ngành gỗ cũng tăng cao. Ngoài ra, việc tăng trưởng quá lớn tại một số thị trường trọng điểm dẫn đến những áp lực cân đối hài hòa giữa việc phát triển thương mại giữa các quốc gia.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đánh giá cao những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm mà ngành lâm nghiệp đạt được. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm ngành lâm nghiệp không được chủ quan bởi dịch bệnh COVID-19 vẫn có diễn biến khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành; trong đó có lâm nghiệp. Đặc biệt là những rào cản thương mại từ các thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, Tổng cục Lâm nghiệp cần lên kịch bản, lường hết tất cả các khó khăn, từ sản xuất, lưu thông đến xây dựng các chuỗi giá trị và kể cả trong phòng cháy chữa cháy rừng, từ đó xây dựng các phương án cụ thể, để nếu có xảy ra sẽ không bị lúng túng.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, không chỉ lo trồng rừng mà còn chăm sóc, bảo vệ để lâm nghiệp thực sự phát triển là ngành kinh tế. Đây là nhiệm vụ không chỉ là trước mắt và lâu dài, gắn với việc triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025.
Đến nay, cả nước đã trồng mới tập trung được 108.258 ha, đạt 41,6% kế hoạch. Cả năm ước trồng được 260.000 ha, đạt 100% kế hoạch năm. Chăm sóc rừng trồng được 303.138 ha, bằng 85,2% so với cùng kỳ năm 2020.  Trồng phân tán cả nước đã trồng 48,5 triệu cây, đạt 40,4% kế hoạch. Cả năm sẽ trồng được 120 triệu cây, đạt 100% kế hoạch.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã phát hiện 1.329 vụ vi phạm ảnh hưởng tới rừng, 109 vụ cháy rừng. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.210 ha, giảm 1.380 ha (tương ứng giảm 53%) so với cùng kỳ năm 2020. Trong số đó, diện tích thiệt hại do cháy là 283 ha, do phá rừng trái pháp luật 672 ha.
Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tăng cường trong quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2021 giảm 10% số vụ vi phạm và 20% về diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục