Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc - Bài 1: Thích ứng, hoà nhập nhanh

16:29' - 28/06/2019
BNEWS Chất lượng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc được đánh giá khá cao, thích ứng, hoà nhập nhanh... Do đó, lao động Việt Nam được coi là lựa chọn ưu tiên của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc.
Văn phòng EPS tổ chức gặp gỡ các lao động Việt Nam để trao đổi, hỗ trợ thông tin về chính sách pháp luật. Ảnh: Thành Trung/BNEWS
Với nhiều lợi thế về khoảng cách địa lý, tương đồng về văn hóa và phù hợp về trình độ lao động, Hàn Quốc là thị trường khá hấp dẫn đối với lao động Việt Nam. Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (gọi tắt là chương trình EPS) đã thu hút hàng trăm nghìn lượt lao động Việt Nam sang làm việc tại quốc gia này. Chất lượng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc được đánh giá khá cao, thích ứng, hoà nhập nhanh... Do đó, lao động Việt Nam được coi là lựa chọn ưu tiên của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đều nỗ lực để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động này.

Bài 1: Thích ứng, hoà nhập nhanh

Tại Hàn Quốc, các lao động Việt Nam được đánh giá khá cao về trình độ tay nghề, thích ứng và hoà nhập nhanh với môi trường... Đã có rất nhiều lao động Việt Nam nhờ cần cù, chịu khó... nên được các doanh nghiệp Hàn Quốc ưu tiên tuyển dụng; có mức thu nhập tương đối cao.

Sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS, lao động N.V. Lâm (quê Thanh Hoá) cho biết, trước khi sang Hàn Quốc, ở nhà chỉ đi làm thuê nên công việc không ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thời điểm đó, lại vừa mới cưới vợ, nên cuộc sống có quá nhiều việc phải lo toan. Khi đó, ở quê có nhiều người sau khi đi xuất khẩu lao động một thời gian đã gửi tiền về cho gia đình, cuộc sống được cải thiện hơn rất nhiều.

"Sau khi tìm hiểu, em quyết định xa vợ để sang Hàn Quốc làm việc. Hiện em đang làm nghề cơ khí cho một doanh nghiệp ở thành phố Busan. Thời gian đầu, ở nơi "đất khách quê người" lại không biết tiếng nên cũng gặp nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống. Khi sang đây, em chỉ tập trung đi làm, thời gian rảnh rỗi đi học thêm tiếng Hàn để có thể giao tiếp thuận lợi hơn. Do làm chăm chỉ, nên công ty cũng tạo điều kiện thuận lợi, không gây khó khăn gì" - Lâm tâm sự.

Sau khi hết hợp đồng lần đầu (4 năm 10 tháng), Lâm trở về nước làm hồ sơ thi tiếp để sang lại Hàn Quốc lần thứ 2 theo diện lao động trung thành. Đến nay, Lâm đã làm việc tại Hàn Quốc 7 năm, với mức thu nhập khoảng 2-3 triệu Won/tháng (tương đương 40 - 60 triệu đồng). Nhờ số tiền gửi về, vợ và 2 con có cuộc sống cải thiện hơn so với trước kia.

Không chỉ có Lâm, mà rất nhiều lao động Việt Nam khác ở Hàn Quốc nhờ chăm chỉ làm việc và luôn tuân thủ mọi quy định của nước sở tại nên đã có "của ăn của để". Nhờ số tiền của lao động Việt Nam gửi về cuộc sống của gia đình họ đã được cải thiện hơn nhiều so với trước kia. Đã có rất nhiều gia đình thoát nghèo khi có người nhà xuất khẩu lao động.

Lao động Việt Nam tìm hiểu chính sách pháp luật của Hàn Quốc. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Khi được hỏi về thu nhập, Lê Đức Anh (trú tại Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: "Với mức lương cơ bản theo quy định của Bộ Lao động Hàn Quốc, mỗi tháng được từ 2 - 2,2 triệu Won (tương đương 40 - 44 triệu đồng), đó là chưa kể thu nhập từ làm thêm, tăng ca. Nhà ở thì được công ty thuê và bao ăn 2 bữa. Ngoài ra, các chi phí khác cho sinh hoạt cá nhân khoảng 500.000 Won/tháng. Như vậy, mỗi tháng tôi gửi về cho gia đình được khoảng 30 triệu đồng. So với làm công nhân ở nhà, thì mức thu nhập ở đây cao hơn nhiều."

Theo số liệu của Cơ quan Xuất nhập cảnh (Bộ Tư pháp) Hàn Quốc, tính đến hết tháng 3 năm 2019, có 209.015 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc và cư trú tại Hàn Quốc; trong đó, có trên 47.000 lao động làm việc tại các công ty vừa và nhỏ thuộc 4 lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và ngư nghiệp. Lao động Việt Nam tập trung nhiều tại các tỉnh, thành phố như: Gyeonggi, Gyeongsangnam, Gyeongsangbuk, Jeonlanam, Chungcheongnam, Incheon... 

Các lao động Việt Nam sang Hàn Quốc chủ yếu đi theo Chương trình EPS. Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã đưa được gần 103.400 lượt người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc thông qua Chương trình này.

Giám đốc Trung tâm quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động Hàn Quốc), bà Rah, Yee Soon cho hay: Trong 16 quốc gia phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc thì Việt Nam là nước có lao động đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) với khoảng 120.000 người đã sang làm việc tại Hàn Quốc.

Đánh giá về lao động Việt Nam, bà Rah, Yee aSoon cho rằng: Người lao động Việt Nam rất nhanh nhạy, thân thiện, ham học hỏi và thích ứng nhanh với điều kiện làm việc tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, hai nước có nhiều nét tương đồng về văn hoá, ẩm thực... do vậy các chủ sử dụng người lao động của Hàn Quốc rất thích và hài lòng đối với lao động Việt Nam.

Ông Nguyễn Như Tuấn, nguyên Bí thư thứ 1 - Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, nhìn chung, lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động ưu tiên trong tuyển dụng và tái tuyển dụng, đánh giá tích cực về sự chăm chỉ, khéo tay, hòa nhập nhanh chóng với môi trường sinh hoạt và làm việc tại Hàn Quốc. Đại đa số lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc có thu nhập khá, điều kiện làm việc và sinh hoạt đảm bảo.

"Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đang rất cần nguồn nhân lực trẻ, có trình độ ưu tú, có tay nghề và kỹ thuật để nuôi dưỡng động lực phát triển cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Chính vì vậy, Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị các chính sách để thực hiện việc thu hút nguồn lao động này. Trong khi đó, lao động Việt Nam được đánh giá là chăm chỉ, chịu khó học hỏi và hoạt bát... đó là các tính cách tương tự với lao động Hàn Quốc" - ông Lee, Deok Ryong - Cục trưởng Xuất nhập cảnh (Bộ Tư pháp Hàn Quốc) nói./.

>>> Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc - Bài 2: Những góc khuất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục