Xuất khẩu thanh long: Đa dạng hóa sản phẩm để giải tỏa sức ép cạnh tranh

21:28' - 30/08/2021
BNEWS Thời gian vừa qua, thanh long gặp khó khi xuất khẩu do phía Trung Quốc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng nhiều xe hàng thanh long bị tồn ứ tại các cửa khẩu.

Thậm chí, tại một số cửa khẩu, phía Trung Quốc còn tạm dừng nhập khẩu thanh long, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người trồng.

Nhằm tìm giải pháp tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh năng lực tiêu thụ mặt hàng này, chiều tối 30/8, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021.

Chia sẻ tại hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, diện tích trồng thanh long toàn tỉnh hiện khoảng 12.000 ha, sản lượng 330.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành.

Đặc biệt, thanh long Châu Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại 5 quốc gia trên thế giới.

Theo ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 33.750 ha thanh long; trong đó, có 11.936 ha trồng theo chuẩn VietGAP và hơn 500 ha đạt chuẩn Global GAP.

Thanh long của tỉnh chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... Ngoài ra có xuất khẩu sang một số nước châu Âu nhưng số lượng chưa nhiều.

Thanh long hiện được xác định là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh cao trong số các loại trái cây ở Việt Nam, đồng thời cũng được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trên thị trường thế giới hiện nay có 4 loại thanh long chính là thanh long vỏ đỏ, ruột trắng chủ yếu đến từ Việt Nam và Thái Lan; thanh long vỏ đỏ, ruột đỏ đến chủ yếu từ Israel và Maylaysia; thanh long vỏ đỏ, ruột tím đến từ Guatemala, Nicaragua, Ecuador và Israel; thanh long vỏ vàng, ruột trắng đến từ Colombia và Ecuador.

Các thị trường xuất khẩu thanh long lớn trên thế giới gồm Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Sri Lanka ở châu Á, Israel ở Trung Đông, Mexico, Colombia, Ecuador và Guatemala ở châu Mỹ.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, thanh long được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.

Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia; trong đó Trung Quốc chiếm tới hơn 80% thị phần. Như vậy, có thể coi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu truyền thống của thanh long Việt Nam.

Theo ông Vũ Bá Phú, thanh long Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh ngày càng tăng lên từ một số nguồn cung khác như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia… và nhất là thị trường Trung Quốc. Bên cạnh nhập khẩu, thời gian qua, Trung Quốc cũng đã chủ động phát triển, nhân rộng diện tích thanh long.

Theo nghiên cứu, đến nay, tổng diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã bằng đúng diện tích trồng thanh long của Việt Nam đang có.

Hiện nay, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đạt khoảng 35.555ha, trồng nhiều tại Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến.

Ngoài ra, ông Vũ Bá Phú tỏ ra lo ngại và cho rằng, đây sẽ là sức ép cạnh tranh rất lớn đối với thanh long Việt Nam không chỉ trên thị trường Trung Quốc mà cả trên thị trường thế giới.

Mặc dù chưa nói tới chất lượng nhưng chắc chắn, với công nghệ rất tiên tiến của Trung Quốc khả năng năng suất thanh long Trung Quốc sẽ cao hơn của Việt Nam là rất lớn.

Ngoài ra, xuất khẩu sang Trung Quốc “khó càng thêm khó” khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đến hoạt động xuất khẩu chính ngạch, mà vẫn lựa chọn con đường xuất khẩu tiểu ngạch nhiều rủi ro.

Hơn nữa, trong bối cảnh dịch COVID-19, thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc siết chặt kiểm dịch đối với nhiều mặt hàng; trong đó, có thanh long hoặc đóng biên tại một vài cửa khẩu trong một số thời gian nhất định, các hoạt động logistics có chi phí tăng cao đột biến cũng chồng thêm những bất cập cho xuất khẩu thanh long.

Mặc dù khó khăn song ông Vũ Bá Phú lạc quan cho rằng, vẫn có hy vọng cho trái thanh long Việt Nam khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nước ngoài vẫn có xu hướng tăng và nhiều tiềm năng chưa khai thác.

Thông qua hàng loạt sự kiện xúc tiến thương mại, giao thương trực tuyến thời gian qua cho thấy, khá nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm tới phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam.

Không chỉ có thị trường Trung Quốc, những năm gần đây, thanh long Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường khác như Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, EU, Chile. Ngoài ra, thanh long Việt Nam đã chiếm thị phần xuất khẩu đáng kể ở nhiều khu vực thị trường như châu Á, châu Âu và Mỹ.

Đặc biệt, thanh long Việt Nam cũng đã được nhiều người Âu, Mỹ gốc Á biết tới và tiêu thụ và mới đây, Việt Nam đang đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thanh long sang Australia, Ấn Độ, Pakistan.

Theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại, hiện nay thị trường Trung Quốc đang siết chặt yêu cầu về chất lượng sản phẩm, hơn nữa diện tích trồng thanh long của Trung Quốc cũng tăng mạnh, đã ngang bằng Việt Nam nên về lâu dài sẽ tác động lớn đến sản lượng nhập khẩu, gây khó cho doanh nghiệp Việt Nam. Do đó cần mở rộng thị trường thanh long ra nhiều quốc gia khác.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Australia thông tin: 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thanh long sang Australia tăng trưởng 84%.

Ngoài thanh long đỏ thì thanh long vỏ vàng ruột trắng cũng đang cháy hàng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Điều lưu ý với trái thanh long xuất khẩu sang Australia hiện nay là bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không để nhiễm nấm.

Đầu tháng 9 tới, Thương vụ sẽ tổ chức chương trình dùng thử thanh long Việt Nam để tiếp thị tới đông đảo người dùng hơn, nhất là những khách hàng phương Tây tại Australia.

Đối với thị trường Nhật Bản, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh cho biết: Hiện thanh long Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản có thị phần khá lớn.

Từ năm 2009, Việt Nam xuất khẩu thanh long tươi ruột trắng sang Nhật Bản với sản lượng 2.000 tấn/năm, chiếm 80% thị phần thanh long tiêu thụ tại Nhật Bản.

Để xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản được thuận lợi, theo ông Tạ Đức Minh, các doanh nghiệp cần lưu ý các tiêu chuẩn như đóng thùng từ 10-12 trái, có bao ni lông cho mỗi trái.

Về chỉ tiêu chất lượng, phải được xử lý thô, làm sạch, xử lý hơi nước nóng, tối thiểu 47,5 độ C trong 40 phút, bảo đảm chất lượng dinh dưỡng, kiểm dịch thực vật theo quy định.

Về mẫu mã, quả phải đẹp, màu đỏ hơn 70% diện tích vỏ quả, tai quả thẳng, dày, cứng, quả không có vết thâm, đốm xanh, vết do nấm hay côn trùng gây ra…

Do người Nhật Bản coi thanh long là loại quả giàu chất dinh dưỡng nên cơ hội cho thanh long vào thị trường này còn rộng mở.

Về lâu dài, các doanh nghiệp nên tăng cường các sản phẩm chế biến từ thanh long như: nước thanh long đóng chai, thanh long sấy dẻo, kẹo thanh long… để phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng.

Trước bối cảnh thanh long Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nguồn cung khác, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú đề nghị các địa phương tránh tối đa việc mở rộng diện tích, cần tập trung phát triển theo hướng chất lượng cũng như quy hoạch lại vùng trồng thanh long gắn với yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn của từng thị trường như EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản…

Ngoài ra, ông Vũ Bá Phú cũng lưu ý bên cạnh trái thanh long tươi, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tiếp tục đa dạng các sản phẩm thanh long như: thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép si rô, snack thanh long, rượu vang thanh long, kem thanh long, chả cá thanh long, bánh mì thanh long…

Đặc biệt, sản phẩm bột thanh long (hay còn gọi là bột pitahaya) có hàm lượng dinh dưỡng và tác dụng rất tốt cho sức khỏe, được coi là một siêu thực phẩm nhiệt đới.

Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh, việc đa dạng các sản phẩm giá trị gia tăng từ thanh long của các địa phương và doanh nghiệp được xem là hướng đi đúng để đa dạng kênh tiêu thụ, giảm sức ép mùa vụ, phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm.

Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng đề nghị các địa phương và doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng vì dự báo cuối năm 2021, khi dịch COVID-19 trên thế giới từng bước được kiểm soát, nhu cầu nhập khẩu gia tăng trở lại.

Ông Vũ Bá Phú khẳng định, Cục luôn nỗ lực đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thanh long Việt Nam trong hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến phát triển thị trường cho sản phẩm thanh long Việt Nam, phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm và kết nối các khách hàng nhập khẩu triển vọng cho doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục