Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2017: Bài 3 - Vượt vũ môn ngoạn mục

12:32' - 17/12/2017
BNEWS Vượt qua các khó khăn của thị trường nhập khẩu, năm 2017 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã vượt mục tiêu xuất khẩu đề ra, mang về giá trị lớn cho ngành nông nghiệp cả nước.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2017 vượt mục tiêu đề ra. Ảnh: TTXVN

Dù ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết để thâm nhập sâu vào thị trường thế giới, nhưng đã có nhiều mô hình đầu tư công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất thủy sản, nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm. Việc tự chủ vượt qua các khó khăn của thị trường nhập khẩu, năm 2017 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vận vượt mục tiêu xuất khẩu đề ra, mang về giá trị lớn cho ngành nông nghiệp cả nước.

Vượt "vũ môn" về đích an toàn

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, ước tính năm 2017, ngành thủy sản Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 8,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2016. Có thể thấy rằng, đây là một nỗ lực rất lớn trong một năm đầy những thách thức lớn, khó có thể xoay chuyển.
Cũng từ những nỗ lực mà các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đã đặt ra, sau những vụ bê bối về truyền thông về con cá tra của các nước châu Âu, thì phía chính quyền cũng như doanh nghiệp Việt Nam đã cố gắng xây dựng thương hiệu, cũng như chỉ dẫn địa lý cho con cá tra.

Đồng thời, phía các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã mời các chuyên gia, tổ chức đánh giá chất lượng sang tham quan trực tiếp vùng nguyên liệu và kỹ thuật nuôi, nhằm tạo lòng tin vững chắc cho người tiêu dung thế giới.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn ở tỉnh An Giang chia sẻ, trước những khó khăn khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam khi vào thị trường Mỹ, Vĩnh Hoàn đã cùng người nuôi liên kết tại An Giang thực hiện đúng về quy trình kỹ thuật, con giống, sử dụng và chi trả lao động, đồng thời quan trọng nhất vẫn là tuân thủ nghiêm chặt quy trình xử lý để bảo vệ an toàn cho môi trường.

Tất cả các hoạt động sản xuất đều lưu nhật ký và gửi hồ sơ kịp thời cho bên đánh giá của Mỹ. Nhờ đó mà con cá tra từ Công ty Vĩnh Hoàn đã lưu hành trôi chảy tại thị trường này.
Tuy nhiên, nếu chỉ xuất khẩu cá tra phi lê đông lạnh thì khả năng canh tranh cũng không cao so với nhiều loại cá thịt trắng, nhiều dinh dưỡng từ các quốc gia khác.

Do đó, việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm mới là đích cuối cùng để thủy sản Việt Nam cạnh tranh. Con cá tra Việt Nam cũng đã chạm được đích này khi được thị trường Nhật Bản đón nhận nhiệt tình qua các sản phẩm phẩm cá tra tẩm bột chiên giòn, cá tra chiên sốt,…
Một niềm vui không thể không nói đến, chính là con cá tra cùng với con tôm của Việt Nam cũng thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Nhiều chuyên gia đánh giá thị trường Trung Quốc mang lại rủi ro cao và các doanh nghiệp nên thận trọng phải xuất khẩu lệ thuộc vào thị trường này.

Thế nhưng, trong chiến lược xuất khẩu, việc mở rộng thị trường và khéo léo điều phối sẽ mở thêm nhiều cơ hội hơn cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong năm 2017, Trung Quốc mở rộng đường đi cho con tôm nhập khẩu bằng cách hạ mức thuế nhập khẩu từ 5% xuống còn 2%, đây cũng là mức thuế gần bằng với việc nhập khẩu con cá tra Việt Nam.

Điều này giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam thuận lợi hơn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc so với các đối thủ khác, là đường vận chuyển ngắn, tiết kiệm thời gian, giảm giá thành sản phẩm.
Từ những yếu tố rời rạc, nhưng góp nhặt lại thì đã tạo một thế vững chắc cho ngành thủy sản vượt khó để về đích trong năm qua; đồng thời, khi được sự hỗ trợ đắc lực của các nhà quản lý, ngành thủy sản sẽ được chắp cánh bay cao hơn nữa.

Tối ưu hóa luật thủy sản vì tương lai xuất khẩu

Để có thể hỗ trợ đắc lực hơn cho ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản, ngày 21/11 vừa qua Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi hai điều 60 và 61 tại mục 4, chương IV của Luật thủy sản. Theo đó, điều 60 và 61 đã xác định rõ ràng và cụ thể các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp để ngư dân và các đơn vị quản lý tàu cá tại các địa phương có hoạt động khai thác, đánh bắt căn cứ thi hành.
Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Luật Thủy sản sửa đổi quy định về việc đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Trong đó, quyền quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nhà nước chính thức giao cho cộng đồng. Đây là phương thức quản lý mới đã được áp dụng tại nhiều quốc gia nuôi trồng, khai thác và đánh bắt thủy sản.
Cụ thể, về nuôi trồng thủy sản, Luật đã quy định chi tiết hơn và không bỏ sót các đối tượng nuôi, hình thức nuôi và mục đích của việc nuôi trồng thủy sản. Về cấp phép khai thác thủy sản, Luật Thủy sản sửa đổi quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng khai cho phép khai thác. Đây là bước tiến mới so với Luật Thủy sản năm 2003.

Thông qua Luật thủy sản sửa đổi, quyền cấp phép khai thác thủy sản do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý để thực hiện triệt để việc điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản và cho phép khai thác bền vững. Với Luật mới, việc quản lý tàu cá sẽ chuyển từ công suất sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu.
Bên cạnh việc cấp phép tàu khai thác là việc quy hoạch, điều tra các bãi đẻ, bãi giống, những khu vực tập trung thủy sản non để quy hoạch và bảo vệ.

Trong thời gian tới sẽ có quy định cấm khai thác theo mùa, theo đối tượng để bảo vệ và duy trì nguồn lợi thủy sản tốt hơn và nhanh chóng thoát khỏi thẻ vàng về chống khai thác bất hợp pháp của châu Âu.

Trong năm 2017, châu Âu đã có 3 đoàn sang kiểm tra, thanh tra các hoạt động khai thác, đánh bắt của Việt Nam và 2 Cao ủy làm việc trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đưa ra 9 khuyến nghị về việc thực hiện chống khai thác bất hợp pháp.

Trước tình trạng Việt Nam bị giơ "thẻ vàng" vừa qua, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục quyết liệt hành động, thực hiện sửa đổi nhanh chóng để trong vòng 6 tháng có thể lấy lại thẻ xanh và xuất khẩu thủy sản vào châu Âu, và thoát khỏi hệ lụy của hiệu ứng đô mi nô từ thị trường Mỹ.
Đối với khai thác thủy hải sản, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho đến nay, đã có 73 nhà máy chế biến cam kết chỉ mua và nhập khẩu nguyên liệu hải sản khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bên cạnh đó, VASEP còn đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá phục vụ việc quản lý và truy xuất nguồn gốc hải sản.

Trước đó, giữa Tổng cục Thủy sản, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, VASEP cùng các ban ngành liên quan đã có sự phối hợp thực hiện chương trình hành động quốc gia tuân thủ các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường EU nói riêng và các thị trường khác nói chung.
Qua đó, có thể thấy rằng, khi tất cả các thành phẩn kinh tế từ nông dân đến doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và Chính phủ cùng đồng lòng thay đổi cách thức sản xuất cũng như tuân thủ đúng nguyên tắc của thị trường, vì một nền sản xuất an toàn cho môi trường và hệ sinh thái, thì ngành thủy sản Việt Nam sẽ phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh hơn nữa./.

>>> Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2017 vượt vũ môn: Bài 1: Chống chọi với rào cản

>>> Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2017 vượt vũ môn: Bài 2: Từng bước chinh phục thị trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục