"Xúc tác" giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng

08:15' - 14/07/2017
BNEWS Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua 6 tháng đầu năm 2017 với những diễn biến rất tích cực. Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều có sự tăng trưởng vượt bậc.
Giao dịch chứng khoán tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Theo các chuyên gia, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; xuất khẩu tăng cao, đầu tư nước ngoài đạt khá... sẽ là những nhân tố tích cực để thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm tiếp tục đà tăng trưởng.

Điểm nhấn 6 tháng 

Có thể nói, chỉ số VN- Index tăng gần 16,8%, từ mức 664,87 điểm (giá mở cửa phiên giao dịch 3/1) lên 776,47 điểm (giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/6), đạt mức đỉnh trong 9 năm trở lại đây. HNX-Index thì tăng mạnh hơn với 23,7%, từ mức 80,1 điểm lên 99,1 điểm.

Một số nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng vượt bậc như cổ phiếu của công ty chứng khoán tăng 47,1%, cổ phiếu dược tăng 38,8%, ngân hàng tăng 29,8% và bất động sản tăng 20,8%.

Nhiều cổ phiếu có mức tăng từ vài chục phần trăm đến mức từ 300 - 600% chỉ trong vài tháng.

Điển hình như trong nhóm cổ phiếu bất động sản có những cổ phiếu tăng rất mạnh. Ví dụ QCG tăng từ 3.540 đồng (phiên giao dịch ngày 3/1) lên mức giá 27.000 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 30/6).

Như vậy QCG tăng trên 662,7%. Cổ phiếu HBC có giá 30.800 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 3/1), đến chốt phiên ngày 30/6, HBC ở mức giá 51.300 đồng. Mức tăng này tương ứng với 66,5%. Cổ phiếu KAC tăng từ 4.280 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch 3/1) lên mức giá 22.000 đồng (phiên giao dịch 30/6), tương ứng với mức tăng trưởng trên 414%.

Nhiều cổ phiếu chứng khoán có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Có thể kể đến cổ phiếu SHS tăng trên 204%, HCM tăng gần 57,6%, VND tăng trên 62,4%.

Xét về mức độ thanh khoản, nếu năm 2016 khối lượng giao dịch bình quân chưa tới 3.000 tỷ đồng mỗi phiên, thì 6 tháng đầu năm 2017, thanh khoản trung bình trên hai sàn đạt tới 4.000 tỷ đồng mỗi phiên. Đặc biệt trong tháng 5, thanh khoản tăng rất mạnh. Trung bình giá trị giao dịch cổ phiếu mỗi phiên trong tháng này đạt 5.778 tỷ đồng, cao gần gấp đôi mức giao dịch bình quân của năm 2016.

Ngoài ra, khối ngoại cũng giao dịch mạnh trên thị trường trong 6 tháng đầu năm. Nếu như trong năm 2016, khối này bán ròng mạnh ở mức gần 7.000 tỷ đồng thì chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, khối này đã quay trở lại mua ròng mạnh với hơn 9.000 tỷ đồng, cao nhất trong 16 năm của thị trường chứng khoán.

Khối ngoại mua nhiều nhất là cổ phiếu xây dựng, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu; trong đó khối này ưu tiên mua vào những mã vốn hóa lớn như PLX, ROS, HPG, NVL, VNM…

Đặc biệt khối ngoại đã mua ròng đều đặn 25 tuần liên tiếp và chỉ có 1 tuần bán ròng nhẹ.

Theo ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội (SHS), những kết quả trên có được do một số tác nhân tích cực, có thể kể đến như Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tín dụng tốt.

Mặc dù chưa được vào danh sách xem xét lên thị trường mới nổi, nhưng MSCI (Tổ chức chuyên xây dựng các bộ chỉ số thị trường) đã nâng tỷ trọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong chỉ số dành cho thị trường cận biên. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn và hoạt động hiệu quả liên tiếp niêm yết trên sàn thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Dự báo tiếp tục tăng trưởng 

Theo các chuyên gia chứng khoán, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nhờ yếu tố tích cực của các yếu tố vĩ mô.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản điều chỉnh giảm 0,25% lãi suất điều hành và giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc giảm lãi suất điều hành là nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu đáp ứng thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất. Qua đó cũng góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Trước đó, ngày 7/6, Nghị quyết của Quốc hội về giải quyết nợ xấu đã được thông qua, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình giải quyết nợ xấu ở các ngân hàng thương mại và nợ xấu liên quan đến bất động sản, giúp các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Duy Định, chuyên viên chăm sóc khách hàng cao cấp Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại là bước ngoặt lớn góp phần ổn định về kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang ở giai đoạn cuối và nhà đầu tư nước ngoài đang muốn tranh thủ đầu tư vào thị trường Việt Nam nhằm không để “lỡ các chuyến tàu”, chính vì vậy các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng được “bung” ra.

"Ngoài ra, việc ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh vào quý III năm nay sẽ khiến thị trường chứng khoán Việt Nam cuốn hút cũng như thanh khoản tốt hơn. Khi đó, các đối tượng tham gia thị trường chứng khoán cảm thấy được an toàn vì có nhiều công cụ bảo vệ tốt hơn. Có thể hiểu thị trường chứng khoán phái sinh cũng chính là một công cụ bảo vệ ", ông Định nói.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Định, đối với thị trường chứng khoán, một “xu hướng” sẽ kéo dài từ 3 đến 5 năm và Việt Nam đang ở năm đầu tiên của xu hướng tăng trưởng, vì vậy trong thời gian tới, dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 61.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 596.000 tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Đây cũng là nguồn lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, dư địa đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm còn lớn khi vẫn còn trên 60% vốn đầu tư thực hiện.

Ông Tuyến cho rằng, vẫn có nhiều cơ hội và thuận lợi để nền kinh tế phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% GDP trong năm 2017.

Còn theo giới phân tích chứng khoán, các yếu kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế có nhiều nguồn lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa và như một chất xúc tác, tạo lực hút dòng tiền lớn vào thị trường, giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng.

Phó Trưởng phòng phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội (SHS), Ngô Thế Hiển cho rằng, thị trường chứng khoán trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục đi lên, nhưng đà tăng có thể chậm hơn 6 tháng đầu năm.

Theo ông Hiển, các điều kiện để hỗ trợ sự đi lên của thị trường vẫn đang rất tốt như nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất cho vay giảm hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng và hoạt động của doanh nghiệp, thị trường chứng khoán phái sinh sắp ra mắt.

Bên cạnh đó, tiến trình thoái vốn tại các doanh nghiệp niêm yết cũng như chưa niêm yết và cổ phần hóa, niêm yết doanh nghiệp nhà nước sẽ được thúc đẩy mạnh trong giai đoạn còn lại của năm, qua đó tạo sự sôi động cho thị trường.

"Tất nhiên, trên đà đi lên thị trường cũng sẽ có những giai đoạn điều chỉnh như đã diễn ra trong giai đoạn từ 12/4-25/4, nhưng sự điều chỉnh này nếu có cũng là cần thiết để giúp thị trường tăng trưởng bền vững hơn", ông Hiển nói.

Ông Hiển nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục là nhóm dẫn dắt thị trường trong 6 tháng cuối năm do được hưởng lợi từ nhiều thông tin hỗ trợ tích cực cũng tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận khả quan. Nhóm này đã tăng khoảng 30% trong nửa đầu năm và dư địa tăng vẫn còn.

Bên cạnh đó, ngành chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ hưởng lợi từ sự đi lên của thị trường về cả điểm số cũng như thanh khoản. Ngoài ra một số ngành khác như hàng tiêu dùng, y tế dược phẩm, vật liệu cơ bản, bất động sản và xây dựng dự báo cũng tiếp tục tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục